Quảng Ninh: Đột phá trong mô hình kinh tế tuần hoàn
Việc sử dụng đất, đá thải mỏ tái sử dụng làm vật liệu san lấp phục vụ các dự án trên địa bàn Quảng Ninh đã mang lại hiệu quả “hai trong một”.
>>>Khan hiếm nhiên vật liệu san lấp nhiều doanh nghiệp điêu đứng
>>>Quảng Ninh được dùng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp
Bước đột phá từ “nâu” sang “xanh”
Ngày 24/11/2022, những khối đất đá thải mỏ đầu tiên được Công ty Chế biến Than Quảng Ninh tổ chức vận chuyển từ bãi thải mỏ Suối Lại (TP Hạ Long) phục vụ san lấp mặt bằng dự án cầu Cửa Lục 3. Đây là một dấu mốc mới trong những hướng đi quan trọng trong phát triển kinh tế tuần hoàn mà Quảng Ninh xác định thời gian qua là sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp.
Ngoài dự án cầu Cửa Lục 3, Công ty Chế biến Than Quảng Ninh còn cung cấp đất đá thải phục vụ một số dự án, công trình khác trên địa bàn Quảng Ninh như: Khu đô thị ngành Than và một số dự án của Tập đoàn Vingroup,...
Sau gần 1 tháng khai thác đất đá thải mỏ, Công ty Chế biến than Quảng Ninh (đơn vị được TKV giao quản lý và khai thác đất đá thải mỏ) đã cung cấp cho nhà thầu thi công dự án cầu Cửa Lục 3 hơn 10.000m³ đất đá thải. Đến hết năm 2022, công ty sẽ tiếp tục cung cấp khoảng 10.000m³ đất đá thải cho dự án này. Để thực hiện các dự án này, Công ty Chế biến than Quảng Ninh đã thành lập Phân xưởng Khai thác và Kinh doanh đất đá thải mỏ gồm 10 cán bộ, công nhân viên.
Theo ông Đinh Nguyễn Tú Anh - PGĐ Công ty Chế biến than Quảng Ninh, việc khai thác sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp là chủ trương, hướng đi phù hợp với việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” của tỉnh Quảng Ninh. Đây là hướng phát triển kinh tế tuần hoàn vừa đáp ứng được nhu cầu về san lấp mặt bằng, tiết kiệm được kinh phí cho cải tạo, phục hồi môi trường, vừa giải quyết được vấn đề diện tích đổ thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường tại các địa phương có nhiều mỏ khai thác than, như Cẩm Phả, Hạ Long, Uông Bí, Đông Triều,...
>>>TX Đông Triều (Quảng Ninh): Giải bài toán thiếu nguồn cung đất vật liệu san lấp mặt bằng
“Hiện công ty đã ký hợp đồng cung cấp đất, đá thải mỏ cho dự án cầu Cửa Lục 3, Khu đô thị ngành Than. Thời gian tới, để khai thác hiệu quả đất đá thải mỏ phục vụ các dự án, đơn vị sẽ tiếp tục xúc tiến thương thảo ký hợp đồng thêm với một số chủ dự án, nhà thầu khác. Đồng thời tập trung tháo gỡ khó khăn tiếp tục hoàn thiện thủ tục gia hạn, cấp phép các vị trí bãi thải mỏ để khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ có thể làm vật liệu san lấp” – ông Tú Anh cho biết.
Những năm gần đây, Quảng Ninh được biết đến như “đại công trường” khi triển khai nhiều dự án, công trình đòi hỏi khối lượng san lấp mặt bằng rất lớn. Theo tính toán nhu cầu khối lượng san lấp đến năm 2025 là 595 triệu m³; giai đoạn 2026-2030 là 510 triệu m³. Do vậy việc sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp vừa đáp ứng được nhu cầu thiếu hụt về san lấp mặt bằng, tiết kiệm được kinh phí cho cải tạo, phục hồi môi trường, vừa giải quyết được vấn đề diện tích đổ thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường nhằm phát triển kinh tế tuần hoàn.
1 mũi tên trúng nhiều đích
Việc sử dụng đất, đá thải mỏ tái sử dụng làm vật liệu san lấp phục vụ các dự án trên địa bàn Quảng Ninh được xem như “1 mũi tên trúng nhiều đích”. Bởi ngoài việc giải quyết nhu cầu cấp bách về vật liệu san lấp còn giảm khai thác tài nguyên, giảm chi phí xử lý chất thải, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và giảm đáng kể chi phí của doanh nghiệp.
Theo Tập đoàn Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), hiện lượng đất đá bóc xúc, đổ thải của các đơn vị khai thác than trên địa bàn tỉnh đạt trên 150 triệu m³/năm. Đó là chưa kể hàng chục năm qua, việc khai thác than lộ thiên đã bóc xúc, đổ đất đá thải ra các bãi thải trên 1 tỷ m³ với diện tích chiếm đất rất lớn. Lượng đất đá này mới sử dụng một phần để lấp lại những moong khai thác, cải tạo các tầng thải, phục hồi môi trường, lượng còn lại là vô cùng lớn. Trong khi đó hiện nay, nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp mặt bằng phục vụ các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh rất nhiều. Trung bình mỗi năm, Quảng Ninh cần khoảng 130 triệu m³ đất đá làm vật liệu phục vụ san lấp mặt bằng. Dự kiến đến năm 2030, nhu cầu vật liệu san lấp các dự án trên địa bàn tỉnh đăng ký khoảng 1 tỷ m³.
>>>Nghịch lý thừa - thiếu vật liệu san lấp
Theo ông Trần Như Long - Giám đốc Sở TN&MT tỉnh Quảng Ninh, đến nay trên địa bàn tỉnh đã có 4 trường hợp được Bộ TN&MT đồng ý cho khai thác thu hồi với tổng khối lượng khoảng 12,4 triệu m³. Thời gian tới, dựa trên nhu cầu thực tiễn và đề xuất của các đơn vị ngành Than, Sở sẽ tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh đẩy mạnh triển khai nội dung trên, đồng thời xác định 32 vị trí bãi thải mỏ để khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ có thể làm vật liệu san lấp đưa vào phương án bảo vệ môi trường trong quy hoạch tỉnh Quảng Ninh.
“Tỉnh sẽ đẩy mạnh công tác tuyên truyền hiệu quả và sự phù hợp của việc thực hiện chủ trương, chính sách tăng cường sử dụng đất đá thải mỏ làm vật liệu san lấp; phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương với ngành Than và Tổng Công ty Đông Bắc để đẩy nhanh tiến độ tham mưu, giải quyết thủ tục khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ đúng quy định, từng bước thay thế cho vật liệu san lấp truyền thống; tăng cường giám sát việc khai thác, vận chuyển và sử dụng đảm bảo tránh thất thoát tài nguyên, không gây ô nhiễm môi trường và sử dụng đúng mục đích. Sở cũng tiếp tục bám sát chỉ đạo của Bộ TN&MT xây dựng cơ chế, chính sách, hoàn thiện quy trình thủ tục cấp phép khai thác các khu vực bãi thải mỏ; trọng tâm là đề xuất tăng cường phân cấp và sửa đổi một số nội dung trong Luật Khoáng sản để giảm thiểu các thủ tục hành chính, thời gian cấp phép khai thác các bãi thải mỏ” – ông Long cho biết.
Có thể bạn quan tâm
TX Đông Triều (Quảng Ninh): Giải bài toán thiếu nguồn cung đất vật liệu san lấp mặt bằng
00:48, 29/11/2022
Khan hiếm nhiên vật liệu san lấp nhiều doanh nghiệp điêu đứng
03:00, 23/08/2022
Đà Nẵng: Nan giải bài toán vật liệu san lấp
06:23, 13/08/2022
Quảng Ninh: Giải bài toán khát vật liệu san lấp
01:58, 19/05/2022