Đà Nẵng: Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận chương trình hỗ trợ lãi suất
Đối với chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn TP. Đà Nẵng vẫn rất khó tiếp cận vì nhiều tiêu chí không đạt.
>>Doanh nghiệp thuỷ sản thiếu vốn
Theo số liệu từ Cục Thống kê thành phố Đà Nẵng, quy mô GRDP theo giá hiện hành năm 2022 tại địa phương ước đạt 125.219 tỷ đồng, mở rộng 17.381 tỷ đồng so với năm 2021, và 14.032 tỷ đồng so với năm 2019 (thời điểm trước dịch Covid – 19). Với việc mở rộng mô mô kinh tế, GRDP Đà Nẵng 2022 đã xếp thứ 3 cả nước, chỉ sau Khánh Hòa và Bắc Giang.
Trong các lĩnh vực, công nghiệp và xây dựng Đà Nẵng năm 2022 tăng 6,39% so với năm 2021, quy mô giá trị tăng thêm toàn khu vực ước đạt 25.576 tỷ đồng. Trong đó, công nghiệp giữ vai trò chủ yếu trong tăng trưởng khu vực này khi tăng 8,9% (ngành xây dựng chỉ tăng 0,31%).
Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,9% so với năm trước. Tuy nhiên, cũng có một số ngành mức tiêu thụ giảm sâu so với năm trước như sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất, dệt, sản xuất thiết bị điện,...
Thương mại – dịch vụ vẫn là trụ đỡ chính của kinh tế thành phố năm 2022 khi tăng 17,85%. Doanh thu lĩnh vực dịch vụ đã trở lại cao hơn so với trước dịch Covid – 19 (so với năm 2019), lĩnh vực thương mại tăng trưởng 15%, ước đạt 65.823 tỷ đồng.
Ông Trần Văn Vũ, Cục trưởng Cục thống kê Đà Nẵng cho biết năm 2022 thành phố đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 4.476 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện với tổng vốn điều lệ đăng ký 22.477 tỷ đồng. Bên cạnh đó, đã có 2.146 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Tuy nhiên, ông Văn Vũ cũng cho hay đã có 698 doanh nghiệp, đơn vị trực thuộc hoàn tất thủ tục giải thể và 3.420 đơn vị đăng ký tạm ngừng hoạt động. Ông Vũ nhận định hiện nay có nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố đang gặp khó khăn về đơn hàng phải giảm giờ làm, giảm công nhân,...
“Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của doanh nghiệp công nghiệp chế biến chế tạo cho thấy có tới 42,9% doanh nghiệp đánh giá sản xuất kinh doanh quý IV/2022 khó khăn hơn quý trước, 30% doanh nghiệp hoạt động ổn định, chỉ có 27,1% cho rằng tình hình tốt hơn. Dự báo năm 2023 tình hình thế giới vẫn có nhiều bất ổn, các tổ chức quốc tế nhận định nền kinh tế toàn cầu tiếp tục đối mặt với những thách thức ngày càng lớn”, ông Trần Văn Vũ nói.
Vì vậy, đơn vị này đã đề xuất nhiều giải pháp để phát triển kinh tế - xã hội như tăng cường hoạt động thương mại, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, mở rộng mạng lưới vận tải,... Cùng với đó là triển khai các giải pháp hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận chính sách hỗ trợ vốn vay, đất đai, cải thiện môi trường đầu tư, đẩy mạnh triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 31).
Đối với việc thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31, hiện tại cộng đồng doanh nghiệp cho rằng vẫn còn nhiều quy định gây khó khăn trong việc tiếp cận. Vì vậy rất khó để hưởng ưu đãi, mặt dù nguồn kinh phí cho vấn đề này là khá lớn và mang hiệu quả tích cực.
Trao đổi về vấn đề này, ông Trần Trọng Nghĩa, Đại diện Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Đà Nẵng cho hay hiện tại đã hỗ trợ được 61 đơn vị là các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã,... với số tiền là hơn 651 triệu đồng. Hiện tại dư nợ là hơn 576 tỷ đồng và chương trình này sẽ hỗ trợ đến hết năm 2023.
“Chương trình này vẫn có vài điểm doanh nghiệp không đáp ứng được nên họ mất quyền lợi. Nguyên nhân chính dẫn đến việc khó tiếp cận chương trình hỗ trợ lãi suất là vì gặp khó khăn trong điều kiện đánh giá được khả năng phục hồi của doanh nghiệp sau khi được hỗ trợ. Đây là một chỉ tiêu khó tính, hơi mơ hồ nên trở ngại này đã khiến doanh nghiệp khó tiếp cận. Chính phủ cùng với các Bộ, ngành cũng đang xem xét rà soát, chỉnh sửa để thuận lợi hơn”, ông Nghĩa thông tin.
Có thể bạn quan tâm