Tây Ninh đẩy mạnh các đột phá chiến lược
Tây Ninh luôn coi cải cách hành chính (CCHC) là một trong các đột phá chiến lược của tỉnh, tiến tới xây dựng một nền hành chính theo hướng hiện đại, chuyên nghiệp, có sức cạnh tranh cao.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Thanh Ngọc, Chủ tịch UBND Tỉnh Tây Ninh với Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Thưa ông, mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhưng Tây Ninh vẫn trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư, phát triển kinh tế. Ông có thể chia sẻ đôi nét về vấn đề này?
Mặc dù phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức, nhất là tác động tiêu cực, ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 kéo dài… nhưng với sự quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân… kinh tế - xã hội của Tây Ninh đạt kết quả tích cực, toàn diện và có nhiều điểm sáng nổi bật. Lần đầu tiên sau nhiều năm 100% chỉ tiêu cơ bản về kinh tế - xã hội đạt và vượt Nghị quyết đề ra.
Kinh tế phục hồi nhanh, GRDP tăng 9,56%, vượt kế hoạch đề ra (KH 6,5%), cao hơn tốc độ tăng trưởng bình quân của cả nước (cả nước: 8%) xếp thứ 16/63 tỉnh thành, phố; đứng đầu các tỉnh, thành phố thuộc vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
GRDP bình quân đầu người ước đạt 3.700 USD vượt kế hoạch đề ra; quy mô nền kinh tế vươn lên xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố. Kim ngạch xuất khẩu tăng 25,9% so cùng kỳ, đạt 6,4 tỷ USD, vượt kế hoạch. Đây là năm đạt mức xuất khẩu cao nhất từ trước đến nay, xếp 12/63 tỉnh, thành phố và 5 năm liên tục có xuất siêu. Thu ngân sách đạt 120% dự toán, tăng 14 % so cùng kỳ, xếp thứ 28/63 tỉnh, thành phố.
Ngành du lịch phát triển ấn tượng, tăng cao cả về doanh thu và lượng khách tham quan. Tổng doanh thu tăng 130% đạt 1.400 tỷ đồng và lượng khách du lịch tăng 200%, đạt 4,5 triệu lượt khách. Khu du lịch quốc gia Núi Bà Đen trở thành 1 trong 5 điểm đến hấp dẫn hàng đầu và thu hút lượng khách du lịch đông nhất cả nước.
Thu hút đầu tư trong nước tăng 36,1% so cùng kỳ, doanh nghiệp thành lập mới tăng 15,5%, vốn đăng ký tăng 70%, đây là tín hiệu mừng cho sự phục hồi sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Thu hút FDI lũy kế đến nay là 370 dự án, với tổng vốn 9,2 tỷ USD, xếp 15/63 tỉnh, thành phố về thu hút đầu tư FDI. Đến nay, Tây Ninh có 7.279 doanh nghiệp với tổng vốn đăng ký 184.399 tỷ đồng.
- Để tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh, Tây Ninh sẽ tập trung vào những giải pháp nào, thưa ông?
Để xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, minh bạch, chuyên nghiệp, cạnh tranh, Tây Ninh tiếp tục rà soát, công bố, công khai, đồng bộ, tái cấu trúc, tích hợp và cung cấp đầy đủ các dịch vụ công trực tuyến lên Cổng Dịch vụ công quốc gia và Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh, hoàn thành việc số hoá kết quả điện tử theo yêu của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định số 468/QĐ-TTg ngày 27/3/2021.
Triển khai các giải pháp nâng cao số lượng hồ sơ chứng thực điện tử trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, tăng 20% số lượng số hóa kết quả điện tử trong kế hoạch năm 2023, đảm bảo đính kèm đầy đủ thành phần hồ sơ, kết quả giải quyết TTHC trên Hệ thống thông tin giải quyết TTHC tỉnh...
Tỉnh cũng tiếp tục duy trì rút ngắn thời gian đăng ký doanh nghiệp, đầu tư, đất đai, môi trường, xây dựng; tạo điều kiện hỗ trợ doanh nghiệp, nhà đầu tư theo hướng công khai, minh bạch. Phát huy và nâng cao hiệu quả hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.
Cùng với tăng cường công tác, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, tỉnh thường xuyên tổ chức đối thoại với doanh nghiệp, nhà đầu tư để nắm bắt và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ dự án, đẩy mạnh sản xuất kinh doanh.
- Xin cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm