Đà Nẵng thu hút doanh nghiệp FDI thông qua các dự án lớn
Theo mục tiêu đến năm 2030, TP. Đà Nẵng kỳ vọng sẽ thu hút thành công khoảng 7 tỷ USD vốn đầu tư thông qua các dự án lớn trên địa bàn.
>>Năm 2023, thị trường chứng khoán Việt Nam có thể bật tăng từ mức nền thấp
Theo bà Huỳnh Liên Phương, Giám đốc Ban Xúc tiến và Hỗ trợ đầu tư Đà Nẵng, địa phương kỳ vọng sẽ thu hút thành công khoảng 7 tỷ USD vốn đầu tư trong giai đoạn đến năm 2030. Qua trao đổi, bà Phương nhìn nhận con số trên là có cơ sở khi Đà Nẵng đang tập trung đẩy mạnh kêu gọi các dự án trọng điểm có quy mô lớn như Khu phức hợp trung tâm tài chính, casino, giải trí và cảng Liên Chiểu,…
- Thưa bà, năm 2022đã khép lại và địa phương đã đạt được nhiều thành tự về thu hút đầu tư nhất định. Xin bà thông tin thêm về tình hình thu hút đầu tư vào Đà Nẵng trong năm vừa qua?
Như đã biết, trong 11 tháng đầu năm 2022, TP. Đà Nẵng đã cấp Quyết định chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 29 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư gần 10.589 tỷ đồng. Con số này gấp 2 lần về số vốn so với năm 2021.
Trong đó, đã có 10 dự án ngoài khu công nghiệp có tổng số vốn đầu tư hơn 6.136 tỷ đồng. Đồng thời, có 19 dự án trong các khu công nghiệp, khu công nghệ cao, khu công nghệ thông tin với tổng vốn đầu tư hơn 3.922 tỷ đồng.
Đối với tình hình thu hút FDI, thành phố Đà Nẵng đã cấp mới 42 dự án với tổng vốn đầu tư đăng ký 69,356 triệu USD. Ngoài ra, có 33 lượt dự án tăng vốn với tổng vốn đầu tư tăng thêm gần 5,7 triệu USD, có 42 lượt góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp trong tổ chức kinh tế với tổng giá trị 57,702 triệu USD.
- Vậy theo bà, sự đóng góp của doanh nghiệp FDI trong việc phát triển kinh tế, xã hội của thành phố trong thời gian qua có ý nghĩa như thế nào?
Dễ nhận thấy rằng, các dự án FDI đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Nguồn vốn đầu tư nước ngoài đã góp phần làm gia tăng năng lực sản xuất kinh doanh của thành phố, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp.
Đồng thời, các dự án này đã tạo ra một số ngành sản xuất quan trọng với các sản phẩm mới như linh kiện hàng không vũ trụ, điện tử, mô-tơ điện, phụ tùng ô tô…
Về các vấn đề cụ thể, giai đoạn 2016 - 2020, các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp FDI đóng góp bình quân 9,4% tốc độ tăng trưởng GRDP toàn nền kinh tế. Song song với đó, làm gia tăng nguồn vốn đầu tư phát triển (khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài chiếm 21,9% tỷ trọng vốn đầu tư phát triển), chiếm 34,2% GRDP thành phố; đóng góp vào ngân sách nhà nước khoảng 21.921 tỷ đồng (18,54%).
Ngoài ra, các doanh nghiệp FDI đã giải quyết hơn 190.000 việc làm, chiếm 15,37%. Không đơn giản là giải quyết việc làm, các doanh nghiệp FDI đã góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của thành phố.
Năng suất lao động xã hội khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài cao hơn gấp 2 lần so với khu vực ngoài nhà nước. Điều này cho thấy các dự án FDI đã góp phần tích cực giải quyết việc làm và tạo thu nhập ổn định cho lực lượng lao động địa phương.
Đặc biệt, khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài giai đoạn này đã đóng góp đáng kể trong tăng trưởng xuất khẩu của thành phố với tổng giá trị xuất khẩu khu vực chiếm bình quân 53,07% tổng giá trị xuất khẩu của toàn thành phố và cao hơn kim ngạch xuất khẩu của khu vực kinh tế trong nước. Khu vực đầu tư trực tiếp nước ngoài cũng góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu mặt hàng xuất khẩu,…
- Hiện tại, tình hình thu hút đầu tư vào Đà Nẵng đã có những tín hiệu khả quan, song vẫn chưa có sự đột phá, đặc biệt là việc thu hút FDI. Đâu là nguyên nhân cản trở thu hút đầu tư FDI ở Đà Nẵng hiện nay, thưa bà?
Thời gian vừa qua, tình hình thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Đà Nẵng vẫn chưa đạt được mức kỳ vọng. Về khách quan, có thể thấy những tác động trung và dài hạn của dịch bệnh COVID-19, xung đột chính trị, khủng hoảng kinh tế… trên toàn thế giới đã ảnh hưởng đến sự phục hồi của dòng vốn đầu tư FDI.
Ngoài ra còn có sự hạn chế của các đường bay quốc tế đã làm chậm kế hoạch tìm kiếm cơ hội đầu tư mới của các nhà đầu tư nước ngoài. Các doanh nghiệp, nhà đầu tư vẫn còn khá thận trọng trong việc mở rộng đầu tư tại các địa điểm mới khác với thị trường đang hoạt động.
Đồng thời, việc thu hút thành công một dự án FDI có chất lượng cao vào Đà Nẵng cần thời gian để đạt kết quả mong muốn, có thể là khoảng từ 1-2 năm.
Ngoài ra còn có một số vấn đề như các khu công nghiệp hiện hữu phần lớn đã được lấp đầy, quỹ đất trống còn lại khá nhỏ, rải rác và không có chính sách ưu đãi đầu tư vượt trội so với các địa phương khác. Trong khi đó, nhà đầu tư muốn hưởng các ưu đãi đầu tư tại Khu công nghệ cao Đà Nẵng cần phải đáp ứng các tiêu chí về sản phẩm và công nghệ, suất đầu tư…theo quy định.
Thực tế cho thấy số lượng các nhà đầu tư đáp ứng được các tiêu chí này còn khá khiêm tốn.
Cùng với đó, việc xúc tiến các dự án trong lĩnh vực y tế, giáo dục, thương mại dịch vụ, logistics gặp nhiều vướng mắc, kéo dài thời gian chủ yếu vì các thủ tục liên quan đến quy hoạch, đấu giá đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất. Thành phố đang triển khai tháo gỡ các điểm nghẽn về đất đai trong quá trình thực hiện các kết luận thanh tra, điều tra. Còn có một số quy định pháp luật còn chồng chéo, chưa cụ thể, rõ ràng.
Có thể nói nguồn nhân lực tuy là lợi thế cạnh tranh của Đà Nẵng so với các địa phương khác trong khu vực, tuy nhiên, lượng và chất lượng nguồn nhân lực trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, công nghệ cao chưa thật sự đáp ứng nhu cầu thị trường. Thành phố vẫn còn thiếu lao động lành nghề, thông thạo ngoại ngữ, kể cả công nhân kỹ thuật, nhân sự quản lý điều hành, chuyên gia cấp cao để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
- Vậy thì, Đà Nẵng sẽ tập trung thu hút vào những lĩnh vực nào để có thể phát huy tối đa thế mạnh của mình?
Với mục tiêu đến năm 2045 xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực Châu Á theo Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đà Nẵng sẽ tập trung ưu tiên nguồn lực, chú trọng kêu gọi đầu tư vào các lĩnh vực thành phố có nhiều thế mạnh phát triển.
Trong đó, tại giai đoạn 2021 – 2025, thành phố tập trung thu hút đầu tư trong lĩnh vực công nghệ thông tin, sản xuất linh kiện điện tử, công nghệ cao (công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa và cơ điện tử, công nghệ vật liệu mới…), R&D, công nghiệp hỗ trợ trong lĩnh vực cơ khí, cơ khí chính xác, điện – điện tử, dịch vụ logistics, dịch vụ thương mại, dịch vụ du lịch – bất động sản giá trị cao, tài chính, thể dục – thể thao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp thông minh, nông nghiệp hữu cơ, sinh thái.
Ở giai đoạn 2025 – 2030, địa phương sẽ tập trung thu hút đầu tư các dự án sản xuất dược phẩm và thiết bị y tế, công nghệ thông tin, R&D, dịch vụ tài chính, giáo dục – đào tạo, y tế chất lượng cao, du thuyền quốc tế, văn hóa. Đến năm 2030, Đà Nẵng đặt mục tiêu thu hút thành công khoảng 7 tỷ USD.
Điều này hoàn toàn có cơ sở khi thành phố đang tập trung triển khai kêu gọi vốn đầu tư vào dự án Khu phức hợp trung tâm tài chính, thương mại, vui chơi giải trí, casino và chung cư cao cấp trên đường Võ Văn Kiệt. Chỉ riêng dự án này kỳ vọng sẽ thu hút tối thiểu 2 tỷ USD vốn đầu tư.
Chưa kể đến, đầu tháng 12/2022 vừa qua, thành phố đã khởi công xây dựng phần cơ sở hạ tầng dùng chung của dự án Cảng Liên Chiểu. Dự án có ý nghĩa quan trọng trong phát triển logistics, thương mại, dịch vụ và góp phần làm tăng vị thế vịnh Đà Nẵng trên bản đồ các vịnh biển khu vực Đông Nam Á.
Tại dự án này, thành phố đang đẩy mạnh kêu gọi đầu tư 02 bến container đầu tiên, dự kiến tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư trong năm 2023. Dự án hiện nay đang nhận được nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư trong nước và nước ngoài thể hiện sự quan tâm.
Ngoài ra, thành phố Đà Nẵng cũng đang kêu gọi đầu tư nhiều dự án có ý nghĩa khác như Khu tổ hợp thương mại, thể thao, giải trí quốc tế, Không gian đổi mới sáng tạo, Viện dưỡng lão, Bệnh viện quốc tế, Trường liên cấp quốc tế,…
- Xin bà chia sẻ thêm về một số giải pháp có thể thúc đẩy quá trình thu hút đầu tư trên địa bàn trong thời gian tới?
Trong thời gian tới, Đà Nẵng sẽ tập trung thu hút nguồn vốn FDI từ các thị trường truyền thống, trọng điểm như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Hoa Kỳ, Đức.... Trong đó, địa phương tận dụng và khai thác có hiệu quả mối quan hệ với các đối tác chiến lược (đối tác toàn diện, đối tác chiến lược toàn diện).
Cùng với đó, sẽ chú trọng vận động và thu hút đầu tư từ các tập đoàn lớn (thuộc Forbes 500). Tăng cường quảng bá môi trường đầu tư, kinh doanh tại các thị trường tiềm năng khác, tiêu biểu như Ấn Độ.
Trong năm 2023, Đà Nẵng sẽ chủ động tiếp cận, mời gọi các doanh nghiệp, nhà đầu tư tiềm năng trong và ngoài nước đến đầu tư tại thành phố.
Đối với lĩnh vực công nghệ cao, đây là trọng tâm phát triển của thành phố trong thời gian đến. Do đó, thành phố sẽ tập trung hoàn thiện cơ sở hạ tầng kỹ thuật Khu Công nghệ cao, hoàn thiện thủ tục Khu Công nghiệp hỗ trợ Khu Công nghệ cao Đà Nẵng. Để đáp ứng nhu cầu về quỹ đất thu hút đầu tư, thành phố đang triển khai thủ tục đầu tư 3 khu công nghiệp mới với tổng diện tích hơn 880 ha.
Tại lĩnh vực công nghệ thông tin, đây là một trong những thế mạnh nổi bật của địa phương trong thời gian qua. Từ đó, Đà Nẵng đã có kế hoạch triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cùng với đó là ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin để tăng cường thu hút đầu tư vào lĩnh vực này.
Làm thế nào để thu hút thành công các dự án FDI có chất lượng cao là một trong những vấn đề trọng tâm mà TP. Đà Nẵng tập trung xem xét.
- Xin cảm ơn bà!
Có thể bạn quan tâm