Quảng Nam: Động lực từ “tuyến đường không ngủ”

NGUYỄN HOÀNG 16/02/2023 13:17

Đây là tuyến đường "5 sao" và tương lai là “tuyến đường không ngủ” với tổng vốn đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng hứa hẹn đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng kinh tế Quảng Nam.

 Qui hoạch phát triển kinh tế vùng đông Quảng Nam sau khi đường Võ Chí Công hoàn thành thu hút nhiều dự án tỷ USD

Qui hoạch phát triển kinh tế vùng đông Quảng Nam sau khi đường Võ Chí Công hoàn thành thu hút nhiều dự án tỷ USD

Đường Võ Chí Công là tuyến đường ven biển xuyên qua vùng cát trắng bạt màu Quảng Nam với tổng nguồn vốn đầu tư hơn 2 nghìn tỷ đồng. Đây là tuyến đường chiến lược với kỳ vọng tạo bước đột phá phát triển vùng đất hoang mạc ngũ yên hàng nghìn năm nay. Tuyến đường này đã thu hút hàng trăm dự án đầu tư trong và ngoài nước dọc theo vùng ven biển trãi dài 90 km.

Đại lộ xuyên vùng hoang mạc

Vùng đất hoang mạc vùng đông được đánh thức từ con đường chiến lược mang tên Võ Chí Công. Nằm ven biển trên tuyến đường huyết mạch này khi hoàn thành đã thu hút 33 dự án đầu tư trong và ngoài nước với tổng vốn đăng ký 15,8 tỷ USD, gấp 3 lần lượng vốn của hơn 2 thập kỷ trước thu hút đầu tư vào vùng Đông cộng lại đã biến sự kỳ vọng trở thành hiện thực.

Chủ tịch UBND Quảng Nam Lê Trí Thanh khẳng định kể từ ngày tuyến đường ven biển hình thành và hoàn thiện, vùng Đông trở thành nơi có mức tăng trưởng cao nhất Quảng Nam sau hơn 2 thập kỷ chia tách.

Một trong những dự án có tổng nguồn vốn đầu tư 4 tỷ USD tạo bước đột phá cho vùng cát hoang mạc này là Khu nghỉ dưỡng phức hợp Nam Hội An (Hoiana). Đây là dự án đầu tư nước ngoài lớn nhất vào vùng hoang mạc sau khi tuyến đường hình thành và đang hoàn thiện do Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An làm chủ đầu tư.

Hoiana được xem là “siêu dự án” nghỉ dưỡng đẳng cấp thế giới đã tạo biến chuyển lớn cho quá trình phát triển vùng Đông của Quảng Nam. Năm 2021, mặc dù chịu tác động của đại dịch Covid-19, Công ty TNHH Phát triển Nam Hội An vẫn đóng góp 1.764 tỷ đồng vào ngân sách. Dự kiến, từ năm 2022 đến năm 2025, Hoiana là con gà "đẻ trứng vàng" tạo nguồn thu ngân sách hơn 30.000 tỷ đồng. Mở ra chiến lược phát triển công nghiệp sạch từ du lịch-thương mại và dịch vụ.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Hồng Quang cho rằng để khai thác thế mạnh tiềm năng vùng ven biển sau khi tuyến đường ven biển hoàn thành việc cần làm là quản lý chặt qui hoạch, tập trung thu hút các nhà đầu tư lớn, hướng tới hình thành các khu đô thị sinh thái, thông minh, hạn chế chia nhỏ Dự án.

Biến khát vọng thành hiện thực

Để vùng Đông thực sự trở thành cực tăng trưởng, Quảng Nam đang xúc tiến hoàn thành những dự án hạ tầng trọng điểm. Đó là hệ thống giao thông kết nối với các tuyến Quốc lộ với đường Võ Chí Công để phát triển vùng đông dọc theo ven biển Quảng Nam.

Mới đây,UBND tỉnh Quảng Nam phê duyệt Dự án Hoàn thiện đường ven biển 129 (đường Võ Chí Công) kéo dài qua TP. Tam Kỳ, các huyện Núi Thành, Thăng Bình và Duy Xuyên với tổng mức đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng, gồm 2 dự án thành phần: dự án thành phần 1 hoàn thiện đường ven biển Võ Chí Công; dự án thành phần 2 xây dựng đường nối từ đường Võ Chí Công đi Khu công nghiệp Đông Quế Sơn nối với Quốc lộ 14H và Quốc lộ 1A.

Cùng với đầu tư hạ tầng khung đường bộ kết nối, một Dự án Phát triển tích hợp thích ứng tỉnh Quảng Nam có tổng vốn đầu tư 118,7 triệu USD cũng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Dự án sẽ nạo vét và khơi thông sông Trường Giang; xây dựng mới 6 cầu vượt sông Trường Giang, gồm cầu Bình Dương, Hưng Mỹ, Bình Nam, Tỉnh Thủy, Tam Thanh (Quốc lộ 40B) và cầu Tam Tiến.

Để biến vùng đất hoang mạc trở thành vùng kinh tế động lực thu hút các dự án tỷ USD, UBND Quảng Nam đang lập quy hoạch xây dựng vùng Đông giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 với định hướng xây dựng một vùng đất rộng lớn trở thành nơi phát triển bậc nhất miền Trung, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, phát triển thương mại, dịch vụ, du lịch, khoa học - công nghệ.

TS. Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế nhận định, Quảng Nam đang nổi lên như một hiện tượng trong phát triển của miền Trung, vì tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế, đặc biệt là ở vùng Đông.

“Mỗi nhóm ngành đều có một ‘sếu đầu đàn’ dẫn dắt. Không chỉ các dự án đã đầu tư, nhiều doanh nghiệp khác đang có ý định hợp tác, đủ cho Quảng Nam tạo ra những đột phá để bùng nổ đầu tư”, TS. Trần Du lịch nhấn mạnh.
Hy vọng, với kết cấu hạ tầng khung đồng bộ nối thông với các cảng biển lớn, sân bay và các khu kinh tế trọng điểm như Chu Lai và Dung Quất. Vùng đông Quảng Nam dọc theo ven biển sẽ bức phá, trở thành vùng động lực tăng trưởng không chỉ Quảng Nam mà cả khu vực kinh tế trọng điểm miền Trung.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Nam: Tìm “lối ra” cho dự án khu dân cư Thống Nhất

    Quảng Nam: Tìm “lối ra” cho dự án khu dân cư Thống Nhất

    11:30, 07/02/2023

  • Quảng Nam hiện thực hóa từ con đường xuyên hoang mạc ven biển

    Quảng Nam hiện thực hóa từ con đường xuyên hoang mạc ven biển

    10:00, 07/02/2023

  • Hành trình “vượt sóng” của Quảng Nam

    Hành trình “vượt sóng” của Quảng Nam

    02:55, 24/01/2023

NGUYỄN HOÀNG