Chuyển đổi số logisitics Hải Phòng

THÀNH HUỆ 23/03/2023 11:06

Được xem là ngành xương sống của nền kinh tế, các doanh nghiệp logistics tại Hải Phòng đang tập trung ứng dụng chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế số và hội nhập kinh tế, quốc tế.

>>Doanh nghiệp "hiến kế" để Quảng Ninh thành Trung tâm logistics khu vực

 Chuyển đổi số ở cảng Cảng Container Quốc tế Tân cảng Hải Phòng (TC-HICT)

Chuyển đổi số ở cảng Cảng Container Quốc tế Tân cảng Hải Phòng (TC-HICT)

Hải Phòng, logistics được xem là ngành dịch vụ thiết yếu, mũi nhọn, là nền tảng cho phát triển thương mại. Để phát triển ngành dịch vụ này, 3 trọng tâm logistics của Hải Phòng là dịch vụ cảng; kho bãi, xử lý; trung chuyển - dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, đội ngũ vận hành chuyên nghiệp.

Chìa khóa phát triển...

Hiện nay, trước tình trạng cạnh tranh và bùng nổ kinh tế số, cùng với thương mại điện tử ngày càng phát triển mạnh, các doanh nghiệp logistics tại Hải Phòng đã phần nào nhận thức, đẩy nhanh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ 4.0 vào hoạt động kinh doanh. Qua đó, tối ưu hoá trong các dây chuyền sản xuất, cung ứng sản phẩm.

Theo ông Cáp Trọng Cường - Giám đốc Công ty CP Cảng xanh VIP: Chỉ có chuyển đổi số thì các nhà hoạt động xuất nhập khẩu và hoạt động trong chuỗi cung ứng logistics mới có thể giảm chi phí được. Nếu chúng ta số hoá được thì sẽ tiến tới chuyển đổi số tốt. Như vậy, tất cả các doanh nghiệp đều được hưởng lợi từ việc này bởi vì chúng ta sẽ tiết kiệm được nhân lực, thời gian.

Còn theo đại diện Công ty CP Cảng Hải Phòng: Công ty vừa đưa Hệ thống giao nhận cổng tự động (Smart gate) tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ (Cảng Hải Phòng). Hệ thống Smart gate thực hiện đối với đầy đủ các tác nghiệp bao gồm: Xuất giao thẳng, giao hàng nhập, giao rỗng, hạ hàng xuất, hạ rỗng với quy mô ứng dụng cho 10 làn xe tại Chi nhánh Cảng Tân Vũ. Để thực hiện Smart gate, khách hàng cần đăng ký tài khoản sử dụng ePort đối với Công ty và cài đặt App Container Driver trên điện thoại di động đối với lái xe. Trước khi thực hiện dịch vụ, khách hàng cần làm lệnh giao nhận và thanh toán điện tử trên hệ thống ePort. Nhân viên thủ tục của Cảng sẽ hỗ trợ khách hàng kiểm tra và duyệt lệnh ePort.

Ông Chu Minh Hoàng – Phó Tổng Giám đốc Cảng Hải Phòng cho biết: Hệ thống Smart gate là một giải pháp thông minh cho các tác nghiệp giao nhận container tại cổng, giúp thay đổi phương thức thu thập, cập nhật dữ liệu và tương tác với lái xe theo hướng ứng dụng công nghệ hiện đại để lái xe chủ động tương tác với hệ thống phần mềm và nhân viên hỗ trợ từ xa ngay tại cổng. Qua đó giúp cho các đơn vị xuất nhập khẩu hàng hóa qua Cảng Tân Vũ giảm thiểu tối đa thời gian chờ và tiết giảm chi phí, mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực cho doanh nghiệp.

“Việc triển khai Smart gate là bước tiếp theo của phần mềm dịch vụ cảng điện tử ePort và là thay đổi mạnh mẽ trong lộ trình chuyển đổi số, thay đổi, cải tiến quy trình làm việc tại cảng và tương tác với khách hàng, giảm thời gian, tiết kiệm chi phí cho khách hàng và hạn chế sai sót. Cung cấp dịch vụ điện tử cho khách hàng, nâng cao chất lượng dịch vụ của Cảng, giúp khách hàng xây dựng kế hoạch và điều hành sản xuất chính xác, tăng năng suất, hiệu quả hoạt động của cảng và các đối tác, khách hàng”, ông Hoàng cho chia sẻ.

Đồng bộ hạ tầng cứng, hạ tầng mềm

Từ năm 2019, TP Hải Phòng đã phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống dịch vụ logistics thành phố Hải Phòng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Theo đó, đến năm 2030, Hải Phòng sẽ có 6 trung tâm logistics. Nghị quyết 45 của Bộ Chính trị cũng đã đặt mục tiêu xây dựng và phát triển TP Hải Phòng thành trung tâm dịch vụ logistics trọng điểm quốc gia và quốc tế. Theo đó, đến năm 2025, sản lượng hàng hoá thông qua các cảng trên địa bàn TP Hải Phòng đạt 300 triệu tấn; có từ 1-3 khu dịch vụ logistics cấp quốc gia; tăng trưởng dịch vụ logistics đạt khoảng 30% - 35%/năm…

Tuy nhiên, theo các chuyên gia nhận định, để Hải Phòng trở thành trọng điểm dịch vụ logistics quốc gia và trung tâm dịch vụ logistics quốc tế, địa phương này cần tiếp tục phát triển đồng bộ về hạ tầng giao thông và chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa.

Thực tế hiện nay, việc chuyển đổi số trong lĩnh vực logistics đang gặp không ít các khó khăn. Hầu hết các vấn đề cản trở sự chuyển động của ngành logistics là sự thiếu tính kết nối trong hệ thống, chất lượng dịch vụ không cao. Ngoài ra, khoảng hơn 90% doanh nghiệp vừa và nhỏ gặp khó khăn trong việc lựa chọn công nghệ phù hợp với hoạt động dịch vụ của doanh nghiệp.

Theo Hiệp hội logicstics Hải Phòng, để hiện thực hóa mục tiêu đưa hàng hóa từ các trung tâm logistics thuộc khu vực kinh tế phía Bắc đến và rời cảng Hải Phòng nhanh chóng, an toàn, tiết kiệm, TP Hải Phòng cần triển khai mạnh mẽ cơ chế một cửa quốc gia, cải cách thủ tục hành chính. Đồng thời, hỗ trợ kết nối cho doanh nghiệp với các chủ hàng, phát triển sàn giao dịch vận tải nhằm kết nối tốt nhất các chủ hàng và doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics, tạo cơ sở cho doanh nghiệp logistics Việt Nam tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng.

Nhiều doanh nghiệp kinh doanh cảng biển đang tập trung đầu tư nhiều trang thiết bị hiện đại, chuyển đổi số nhằm tạo dịch vụ tốt nhất cho hoạt động giao nhận hàng hóa.

Có thể bạn quan tâm

  • “Cú hích” Logistics trên các chặng bay nội địa

    “Cú hích” Logistics trên các chặng bay nội địa

    09:33, 20/03/2023

  • Dòng vốn lớn đổ vào logistics và bất động sản công nghiệp

    Dòng vốn lớn đổ vào logistics và bất động sản công nghiệp

    03:00, 17/03/2023

  • “Vốn mồi” cho logistics Quảng Ninh

    “Vốn mồi” cho logistics Quảng Ninh

    01:13, 12/03/2023

THÀNH HUỆ