Nam Định: Đẩy mạnh quy hoạch xây dựng hai Khu công nghiệp tại huyện Ý Yên
Theo Quy hoạch phát triển các khu công nghiệp tại Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn huyện Ý Yên có 2 KCN là Hồng Tiến, diện tích 114ha và Trung Thành, diện tích 200ha.
>>>Nam Định đưa quy mô kinh tế trở thành cực phát triển của Đồng bằng sông Hồng
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định: Tỉnh đã ban hành Quyết định số 2423/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng khu công nghiệp (KCN) Hồng Tiến với mục tiêu: Thu hút đầu tư các ngành công nghệ cao, thân thiện môi trường; thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động địa phương; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng tỷ trọng của các ngành công nghiệp và dịch vụ, tuân thủ định hướng phát triển chung của tỉnh. KCN Hồng Tiến có tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan hiện đại, đấu nối thuận lợi với hệ thống giao thông hiện hữu, đảm bảo chỉ tiêu theo quy chuẩn xây dựng để hướng tới hình thành KCN văn minh, phát triển đồng bộ, bền vững.
Để thực hiện được mục tiêu đó, khu vực lập quy hoạch KCN Hồng Tiến thuộc địa phận xã Yên Tiến (Ý Yên), phía tây giáp đường tỉnh 490 (đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển tỉnh Nam Định với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình); phía bắc giáp đường huyện nối đê tả Đáy với đường 57B (đang triển khai thi công), đường sắt Bắc - Nam và Quốc lộ 10. KCN có diện tích quy hoạch 113,89ha. Dự kiến KCN này sẽ thu hút khoảng 10 nghìn lao động tập trung.
Cũng theo lãnh đạo tỉnh Nam Đinh: KCN Hồng Tiến trong tương lai được định hướng phát triển có tính chất là KCN chuyên ngành, hệ thống hạ tầng kỹ thuật xây dựng mới đồng bộ, hiện đại, thân thiện môi trường, hoạt động chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp hàng điện tử, máy vi tính và sản phẩm quang học (chiếm trên 60% tỷ trọng ngành nghề trong KCN).
Ngoài ra, còn phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ (với khoảng 5ha cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, đối tượng được hưởng ưu đãi đầu tư,...).
KCN khi hoàn thành đầu tư xây dựng hạ tầng không thu hút các ngành nghề dệt may, dệt nhuộm, da giầy, các dự án sản xuất đồ chơi sử dụng nhiều lao động, dự án gây ô nhiễm môi trường. Về quy hoạch sử dụng đất, KCN Hồng Tiến bao gồm 5 thành phần đất chính là đất chia lô công nghiệp, đất hành chính dịch vụ, đất công trình hạ tầng kỹ thuật, diện tích cây xanh, mặt nước và đất hạ tầng giao thông.
Trong đó diện tích đất hành chính, dịch vụ công cộng gồm các hạng mục nhà điều hành (có 2 vị trí với tổng diện tích trên 10 nghìn m2 bố trí tại góc phía Tây Bắc nút giao đường D3 với đường D1 và tại góc phía Tây Nam nút giao đường D3 với đường nối đê tả Đáy) và các công trình dịch vụ công cộng (gồm 2 vị trí gần 2 khu nhà điều hành với tổng diện tích 11.792m2 với chức năng thương mại, dịch vụ và cơ sở lưu trú cho người lao động làm việc trong KCN); công trình phòng cháy, chữa cháy đặt tại phía Bắc của khu đất, giáp đường N1, diện tích khoảng 6.454m2, nhằm thiết kế sân tập huấn, tập luyện và thực hành cho lực lượng Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy.
Đất công trình hạ tầng kỹ thuật được bố trí làm 2 khu vực tại vị trí phía cuối đường N1, phía Bắc KCN và giáp khu dịch vụ, cách xa các khu dân cư hiện hữu và thuận tiện đấu nối với các hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu vực.
Trong đó, khu kỹ thuật 1 có diện tích là 14.410m2 gồm các hạng mục: nhà máy xử lý nước thải, hồ sự cố, hồ cảnh quan, bãi xe,…; khu kỹ thuật 2 là bãi đỗ xe tĩnh có diện tích 4.461m2. Bố trí diện tích cây xanh khoảng 114.077m2 (chiếm 10,02% tổng diện tích quy hoạch) xung quanh nhằm cách ly KCN với các khu vực ngoài KCN, điều hòa không khí, đảm bảo môi trường trong lành trong khu vực sản xuất công nghiệp và các khu dân cư xung quanh; dải cây xanh cách ly KCN với các khu vực xung quanh đảm bảo khoảng cách an toàn tối thiểu 10m. Thiết kế hồ nước cảnh quan làm nhiệm vụ điều hòa vi khí hậu cho KCN đồng thời kết hợp cây xanh tạo khu công viên phục vụ nhu cầu thư giãn, giải trí của cán bộ công nhân viên KCN và dân cư xung quanh.
Theo Quy hoạch chi tiết xây dựng KCN Hồng Tiến được UBND tỉnh phê duyệt là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Nam Định chỉ đạo các sở, ngành chức năng và huyện Ý Yên thực hiện các thủ tục triển khai đầu tư xây dựng hạ tầng KCN, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư phát triển kinh tế - xã hội của huyện và tỉnh. Vì thế, UBND tỉnh giao Ban Quản lý các KCN tỉnh chịu trách nhiệm đảm bảo tính chính xác thông tin, số liệu báo cáo; quản lý quỹ đất và trật tự xây dựng theo quy hoạch được duyệt và các quy định khác của pháp luật có liên quan.
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định: Huyện Ý Yên sẽ chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý các KCN tỉnh và các đơn vị liên quan công bố công khai quy hoạch chi tiết được duyệt theo quy định. Sở Xây dựng và các ngành chức năng liên quan theo chức năng nhiệm vụ có trách nhiệm hướng dẫn, quản lý thực hiện theo quy hoạch và các quy định hiện hành của pháp luật.
Theo lãnh đạo huyện Ý Yên: Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, thời gian tới, huyện Ý Yên tập trung huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại, ưu tiên nguồn vốn để đầu tư và sớm hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm; phối hợp, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư nâng cấp hạ tầng điện, nước, thông tin truyền thông, Tích cực kêu gọi, thu hút đầu tư để xây dựng hạ tầng KCN Hồng Tiến theo quy hoạch được duyệt... tạo quỹ đất sạch thu hút các dự án đầu tư có vốn lớn, công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Tăng cường xây dựng và nâng cấp hệ thống lưới điện, cấp nước, viễn thông, xử lý chất thải, nước thải... tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư.
Trước đó, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt thành lập KCN Trung Thành cũng tại huyện Ý Yên (Nam Định) với tổng diện tích quy hoạch lên đến 200ha, trong đó phần lớn diện tích đất đến từ đất nông nghiệp trồng lúa chiếm đến 86.01% – đây là một trong nhiều KCN nằm trong quy hoạch phát triển các vùng KCN tại Việt Nam hiện nay.
Hiện nay, khu vực lập quy hoạch KCN Trung Thành đã và đang sở hữu nhiều điều kiện thuận lợi để mục tiêu trở thành một trong những KCN hiện đại, hàng đầu tại tỉnh Nam Định. Do đó, công tác đầu tư xây dựng, chi phí đền bù, giải phóng mặt bằng đang được triển khai nhanh chóng.
Ngoài ra, cùng với hệ thống giao thông đối ngoại bao gồm đường tỉnh 495B trong tương lai sẽ kết nối trực tiếp lên đường cao tốc Cầu Giẽ – Ninh Bình thông qua nút giao quy hoạch đã được phê duyệt, Quốc lộ 1A và quốc lộ 21 thuận tiện cho giao thông qua lại tại khu vực này cũng như các vùng lân cận.
Bên cạnh đó là hệ thống hạ tầng kỹ thuật trong khu quy hoạch hiện nay chưa được xây dựng, hầu hết là đất nông nghiệp – điều này tạo sự thuận lợi cho quá trình đầu tư hạ tầng được đồng bộ và thống nhất.
Tuy nhiên, ngoài những mặt thuận lợi, KCN hiện đang gặp một số khó khăn trực tiếp như khu vực thực hiện dự án chủ yếu là đất nông nghiệp đòi hỏi phải có giải pháp chiến lược và tối ưu nhằm chuyển đổi việc làm đảm bảo kinh tế cho dân cư đang canh tác trên dự án. Đồng thời, vấn đề đầu tư, xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng mới hoàn toàn khiến cho mức chi phí đầu tư ban đầu tăng nhanh chóng.
Theo lãnh đạo huyện Ý Yên: Giai đoạn 2021-2025, phấn đấu tổng vốn thu hút đầu tư trên địa bàn huyện đạt trên 11 nghìn tỷ đồng, trong đó đầu tư trực tiếp nước ngoài đạt trên 250 triệu USD, đầu tư trong nước đạt trên 5.200 tỷ đồng.
Có thể bạn quan tâm