Trong thời gian qua, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt của các cấp Hội phụ nữ tỉnh Nam Định.
>>>Khởi nghiệp thành công từ “sản xuất xanh”
Từ Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025
Theo lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Nam Định: Để tạo điều kiện hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Nam Định đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm cung cấp kiến thức, hướng dẫn kỹ năng, xây dựng ý tưởng khởi nghiệp cho phụ nữ; đẩy mạnh phong trào phụ nữ tự giúp nhau phát triển kinh tế gia đình với nhiều hình thức như: giúp đỡ ngày công lao động, cây, con giống, vốn, kinh nghiệm sản xuất; duy trì và nhân rộng các mô hình "Tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế". Đặc biệt, Hội đã hướng dẫn Hội LHPN các xã, thị trấn để triển khai Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”.
Để tuyên truyền cho Đề án, Hội LHPN huyện đã có bài tuyên truyền qua hệ thống truyền thanh, cổng thông tin điện tử và các trang mạng xã hội về nội dung Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025". Đồng thời, các cấp Hội địa phương đã phát hiện, bồi dưỡng, hỗ trợ, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp thành công và biểu dương, tôn vinh những ý tưởng sáng tạo nhằm lan tỏa tinh thần khởi nghiệp trong cộng đồng.
Theo lãnh đạo Hội Phụ nữ Hải Hậu: Hằng năm, Hội LHPN các cấp trong huyện đã tuyên truyền, phát động, hướng dẫn cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia đăng ký ý tưởng khởi nghiệp gửi về Hội LHPN tỉnh. Từ năm 2017 đến năm 2022, có 37 ý tưởng đăng ký tham gia "Ngày phụ nữ khởi nghiệp", gửi về Hội LHPN tỉnh, trong đó có 2 ý tưởng đạt giải trong cuộc thi "Phụ nữ khởi nghiệp" do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức. Đó là ý tưởng của Hợp tác xã (HTX) Trồng cây dược liệu Hải Lộc và HTX Dược liệu ACT.
Hội LHPN huyện đã tuyên truyền sâu rộng, vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tích cực tham gia "Ngày phụ nữ khởi nghiệp" do Hội LHPN tỉnh tổ chức. Hằng năm, có nhiều sản phẩm tiêu biểu của hội viên phụ nữ được trưng bày, giới thiệu tại các gian hàng của tỉnh. Hội LHPN huyện cũng hướng dẫn, động viên, khích lệ hội viên đăng ký sản phẩm để được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm OCOP. Đến nay, có 11/67 sản phẩm OCOP do hội viên phụ nữ triển khai thành công tại địa phương. Tiêu biểu như: Nước mắm Tân Phú, Trà Tâm Thanh An, Trà dược liệu Hải Hậu, Bánh nhãn Tiến Vua, Bột sắn Anh Tiến…
Từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN huyện đã tổ chức 10 phiên chợ xanh "Hướng tới nền nông nghiệp không độc chất - Nói không với túi ni lông, rác thải nhựa"; bày bán các sản phẩm nông nghiệp, thủy sản an toàn, chất lượng của các doanh nghiệp, công ty, các HTX, tổ liên kết trên địa bàn huyện.
Để khuyến khích, động viên phụ nữ khởi nghiệp, Hội LHPN huyện duy trì hoạt động của CLB "Nữ chủ doanh nghiệp" với 30 thành viên, định kỳ sinh hoạt ít nhất 1 lần/năm để trao đổi, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh. Các thành viên CLB vừa sản xuất kinh doanh giỏi, tạo việc làm ổn định cho lao động nữ, vừa góp phần tích cực trong hoạt động nhân đạo, từ thiện, xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Bên cạnh việc thường xuyên tuyên truyền, nâng cao kiến thức về khởi sự kinh doanh, tư vấn và kết nối, hỗ trợ tìm đầu ra cho sản phẩm của phụ nữ có ý tưởng khởi nghiệp, Hội LHPN huyện còn hướng dẫn các nữ chủ doanh nghiệp và các ý tưởng tham gia hội thảo, các lớp tập huấn bằng hình thức trực tuyến do TƯ Hội LHPN Việt Nam tổ chức.
Đồng thời, các cấp Hội trong huyện cũng tư vấn, hỗ trợ hội viên phụ nữ có nhu cầu được tiếp cận tín dụng từ Ngân hàng chính sách xã hội, từ tổ chức tài chính vi mô TYM để phát triển kinh tế. Hiện nay, các cấp Hội Hải Hậu đang điều hành nguồn vốn ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội tại 33/34 xã, thị trấn, với 170 tổ tiết kiệm vay vốn, cho 6.313 thành viên với tổng dư nợ trên 234 tỷ đồng; phối hợp triển khai hoạt động vay vốn TYM tại 21/34 xã, thị trấn, cho 3.991 thành viên vay với dư nợ là 64,5 tỷ đồng.
Theo lãnh đạo Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh: Nhằm giúp hội viên phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn có điều kiện khởi nghiệp, kinh doanh, phát triển sản xuất, các cấp Hội đã thường xuyên phối hợp với Ngân hàng Chính sách Xã hội, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Quỹ TYM, Quỹ Châu Á... giải ngân nguồn vốn vay ưu đãi cho hội viên phụ nữ. Thông qua hoạt động triển khai nguồn vốn vay đã khích lệ chị em phụ nữ tích cực phát triển sản xuất.
Đề án "Hỗ trợ hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, tạo việc làm cho lao động nữ đến năm 2030" được Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 01/QĐTTg ngày 3/1/2023 trên cơ sở đề xuất của Hội LHPN Việt Nam. Đề án với mục tiêu phát triển, củng cố và nâng cao hiệu quả hoạt động các Hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo nhiều việc làm cho lao động nữ và phát huy nội lực, tinh thần hợp tác, khởi nghiệp sáng tạo của hội viên, phụ nữ, góp phần thực hiện các mục tiêu về phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế.
Theo ông Phạm Gia Túc - Bí thư Tỉnh uỷ: Đề án 01 có ý nghĩa rất quan trọng nhằm củng cố, phát triển và nâng cao hiệu quả hoạt động các HTX do phụ nữ tham gia quản lý, điều hành, tạo việc làm cho lao động nữ. Hỗ trợ nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho thành viên, hội viên, người lao động trong HTX; nâng cao nhận thức của hội viên phụ nữ về đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế tập thể HTX.
Để việc triển khai thực hiện Đề án thực sự trở thành phong trào rộng rãi trong các cấp Hội LHPN và các tầng lớp phụ nữ trên địa bàn, Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Nam Định giao cho Hội LHPN tỉnh là đơn vị chủ trì, tham mưu xây dựng kế hoạch, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan để triển khai Đề án, đảm bảo phát huy tốt nguồn lực. Giao UBND tỉnh cân đối và cấp kinh phí, ngân sách phù hợp để triển khai Đề án nhằm phát huy năng lực, tiềm năng, sức sáng tạo của phụ nữ tham gia mô hình HTX, tổ hợp tác, tổ liên kết góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, tham gia xây dựng NTM nâng cao, kiểu mẫu và giảm nghèo bền vững. Cấp uỷ, chính quyền các cấp quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo mọi điều kiện về nguồn lực, kinh phí để Hội LHPN các cấp triển khai thực hiện Đề án một cách thiết thực, hiệu quả.
Theo ông Túc, Hội LHPN tỉnh sẽ nghiên cứu, chỉ đạo hướng dẫn các cấp Hội trong tỉnh triển khai đồng bộ, hiệu quả các nội dung hoạt động của Đề án. Hàng năm báo cáo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh về kết quả của Đề án đồng thời tích cực tham mưu, đề xuất sáng kiến nhằm đạt kết quả cao nhất khi triển khai thực hiện Đề án.
Được biết, từ năm 2018 đến nay, có gần 30 tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp tham gia xây dựng nông thôn mới được vinh danh. Tiêu biểu như chị Phạm Thị Chiên, chủ cơ sở nuôi thủy sản và trồng cây dược liệu, xóm 10, xã Hải Châu (Hải Hậu), tạo việc làm cho 35 lao động nữ tại địa phương với mức thu nhập từ 8,3-12,5 triệu đồng/người/tháng.
Chị Phạm Thị Định, xóm 13, xã Nghĩa Lâm (Nghĩa Hưng) là chủ cơ sở sản xuất miến dong sạch Bân Định có doanh thu đạt 350-450 triệu đồng/năm, tạo việc làm cho 20 lao động nữ với thu nhập ổn định từ 5-6 triệu đồng/người/tháng. Chị Vũ Thị Tính, thôn Hạ, xã Điền Xá (Nam Trực), chủ cơ sở trồng cây cảnh bonsai, tạo việc làm cho 50 lao động (trong đó có 40 lao động nữ) với thu nhập ổn định 2 triệu đồng/người/tháng. Chị Nguyễn Thị Thoa, xóm 22, xã Yên Đồng (Ý Yên), chủ cơ sở sản xuất mũ đay, mũ vải, doanh thu đạt 5 tỷ đồng/năm, tạo việc làm cho 40 chị em phụ nữ, thu nhập 5 triệu đồng/người/tháng…
Đặc biệt, nhằm tiếp thêm cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp, thời gian qua, Hội LHPN tỉnh Nam Định tổ chức 2 lớp khởi sự kinh doanh cho 74 phụ nữ, tổ chức thành công Ngày phụ nữ khởi nghiệp năm 2019. Hướng dẫn 2 hợp tác xã chăn nuôi và cung cấp sản phẩm nông nghiệp sạch Sơn Hải, xã Hải Sơn (Hải Hậu) và Hợp tác xã sản xuất và dịch vụ sản phẩm nông nghiệp Bình Minh (Nghĩa Hưng) xây dựng ý tưởng sáng tạo tham gia Ngày phụ nữ khởi nghiệp cấp Trung ương. Kết quả, cả 2 ý tưởng đã lọt vào vòng sơ khảo miền Bắc.
Có thể bạn quan tâm