TP Hồ Chí Minh cần cơ chế phát triển đột phá để tiên phong trung hòa phát thải

PHƯƠNG THANH 31/03/2023 01:52

TP.HCM có nhiều tiềm năng để tiên phong thực hiện mục tiêu trung hòa phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, để tận dụng được tiềm năng này, địa phương cần một số cơ chế phát triển đột phá.

>>Tăng giá điện: Xu hướng chuyển đổi sang năng lượng tái tạo

Sáng 30/3, Đoàn ĐBQH TP.HCM đã tổ chức Tọa đàm thảo luận và góp ý dự thảo Nghị quyết thay thế Nghị quyết 54/2017/QH14 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh. Dự thảo Nghị quyết mới với gần 40 nội dung, trong đó tập trung vào 4 nhóm chính sách, gồm: nhóm nội dung, cơ chế Nghị quyết 54 hiện hữu mà TP.HCM muốn tiếp tục thực hiện; nhóm đã có trong Nghị quyết đặc thù với các địa phương khác; nhóm những nội dung dự kiến đưa vào sửa đổi các luật thì TP.HCM thí điểm thực hiện trước; nhóm mới do TP.HCM chủ động đề xuất từ gợi ý của Trung ương. Sau nhiều lần sửa đổi, bổ sung, dự thảo lần 5 của Nghị quyết bố cục lại thành 12 điều, trong đó có 7 điều khoản nêu cụ thể 7 nhóm chính sách đặc thù về: quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách; quản lý đô thị và tài nguyên môi trường; thu hút nhà đầu tư chiến lược; quản lý khoa học, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của TP.HCM và TP.Thủ Đức.

Quang cảnh buổi Tọa đàm

Quang cảnh buổi Tọa đàm

Tại buổi Tọa đàm, nhiều chuyên gia trong các lĩnh vực khác nhau đã đưa ra các góp ý cho dự thảo. Trong đó, ông Phạm Nam Phong, Chủ tịch HĐQT Vũ Phong Energy Group đã góp ý về một số nội dung liên quan đến tín chỉ carbon và cơ chế chính sách để tăng cường sử dụng điện mặt trời mái nhà cho mục tiêu giảm phát thải, hướng tới tiên phong trung hòa carbon.

Theo ông Phạm Nam Phong, TP.HCM có nhiều điều kiện thuận lợi để trở thành địa phương dẫn đầu cả nước và khu vực về việc sử dụng năng lượng tái tạo và trung hòa phát thải khí nhà kính. Ông Phong bày tỏ sự đồng tình về việc TP.HCM nên được triển khai thí điểm cơ chế trung hòa carbon, trong bối cảnh Việt Nam đã cam kết tại COP26 về việc trung hòa carbon vào năm 2050 và TP.HCM có vai trò đầu tàu phát triển của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có tỷ lệ đóng góp lớn cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Vùng và cả nước. Với vai trò ấy, TP.HCM có đầy đủ các điều kiện cho cơ chế thí điểm trung hòa carbon nội bộ trong Thành phố.

Ông Phạm Nam Phong – Chủ tịch HĐQT Vũ Phong Energy Group – phát biểu góp ý tại buổi Tọa đàm

Ông Phạm Nam Phong – Chủ tịch HĐQT Vũ Phong Energy Group – phát biểu góp ý tại Tọa đàm

Ông Phong cũng nêu lên vấn đề rằng, hiện tại việc cấp tín chỉ carbon tốn rất nhiều thời gian và chi phí cao do các dự án phải làm là riêng lẻ. Do chi phí quá cao nên lợi ích thu được từ việc chứng nhận tín chỉ carbon không đáng kể. Chính vì thế, TP.HCM có thể phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Tài nguyên & Môi trường để ban hành thí điểm cơ chế trao đổi, bù trừ tín chỉ carbon trong nội bộ Thành phố. Tại Việt Nam hiện có nhiều công ty tư vấn về tín chỉ carbon có thể đồng hành cùng Thành phố để triển khai chương trình thí điểm. Nếu triển khai thành công, nó sẽ giúp tiết giảm đáng kể chi phí so với việc thực hiện cho các dự án đơn lẻ.

Ông Phong đồng thời đưa ra gợi ý rằng, để TP.HCM trở thành địa phương tiên phong về giảm phát thải, trung hòa carbon nội bộ, có nên chăng đưa ra lộ trình trung hòa bắt buộc cho các cơ sở, doanh nghiệp trong địa bàn TP.HCM để thúc đẩy trách nhiệm của các cơ sở, doanh nghiệp ở cả khối Nhà nước cũng như các đơn vị tư nhân vào nhiệm vụ chung này.

Đáng chú ý, về vấn đề nguồn vốn đầu tư, thay vì chỉ có phương án dùng nguồn vốn Ngân sách TP.HCM như trong Điều 5, Khoản 10 của Dự thảo Nghị quyết, ông Phạm Nam Phong góp ý có thể bổ sung phương án sử dụng nguồn vốn của các nhà đầu tư tư nhân muốn đầu tư vào TP.HCM trong cơ chế phát triển đột phá này. Sau đó, khi ban hành cơ chế hướng dẫn cho các đơn vị công lập trên địa bàn Thành phố triển khai, các đơn vị có thể lựa chọn sử dụng vốn Ngân sách Thành phố hoặc lựa chọn phương án hợp tác với nhà đầu tư tư nhân.

>>TP.HCM xin cơ chế đặc thù đầu tư điện mặt trời mái nhà: Giá FIT cần áp dụng linh hoạt hơn!

>>Doanh nghiệp mong cơ chế linh hoạt cho điện mặt trời mái nhà

Cho mục tiêu giảm phát thải, một giải pháp khả thi và TP.HCM cũng có nhiều điều kiện thuận lợi là tăng cường sử dụng điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN). ĐMTMN có ưu thế là không chiếm dụng đất, chỉ tận dụng mái nhà nhàn rỗi. Tiềm năng ĐMTMN tại TP.HCM rất lớn, với khoảng hơn 5.000 MWp, có thể đáp ứng được hơn 7 tỷ kWh điện một năm (tổng nhu cầu tiêu thụ điện của TP.HCM là 27 tỷ kWh trong năm 2022). Nếu 7 tỷ kWh điện mặt trời đó không phát lên lưới mà tự sản xuất – tự tiêu thụ tại chỗ thì rõ ràng sẽ giảm được đáng kể nhu cầu truyền tải từ nguồn ngoài vào TP.HCM, giảm được đầu tư hạ tầng về truyền tải điện.

Ông Phạm Nam Phong khẳng định việc phát triển ĐMTMN tại TP.HCM hoàn toàn không có rào cản về mặt kỹ thuật, hiện chỉ gặp thách thức về cơ chế chính sách do Quyết định 13/2020/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 06/4/2020 đã hết hiệu lực về giá bán điện mặt trời, việc đấu nối hệ thống ĐMTMN hiện nay chưa triển khai được, phải chờ sau khi Chính phủ ban hành cơ chế và có hướng dẫn thực hiện.

TP.HCM rất cần cơ chế đột phá để phát triển ĐMTMN với 2 mục tiêu lớn là giảm phát thải và giảm chi phí tiêu thụ điện cho các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập cũng như đơn vị tư nhân trên địa bàn Thành phố. Một dự án mà Vũ Phong Energy Group nghiên cứu tham khảo, nếu thực hiện lắp đặt hệ thống ĐMTMN tại Bệnh viện Đa khoa Củ Chi, với công suất lắp đặt khoảng 500 kWp, mỗi năm sẽ giảm phát thải được hơn 500 tấn carbon. Như vậy, nếu TP.HCM lắp đặt được 5.000 MWp điện mặt trời, hiệu quả giảm phát thải carbon sẽ rất lớn, ông Nam Phong nói.

Một hệ thống điện mặt trời trên mái nhà máy sản xuất sữa của Vinamilk

Một hệ thống điện mặt trời trên mái nhà máy sản xuất sữa của Vinamilk

Một điều quan trọng khác, TP.HCM hiện đang giữ vị trí thứ hai trên cả nước về thu hút vốn đầu tư FDI, và có rất nhiều nhà đầu tư quan tâm đến phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn. Tham gia chuỗi cung ứng xanh, họ phải chứng minh việc sử dụng năng lượng tái tạo trong tổng tiêu thụ năng lượng đạt tỷ lệ nhất định. Thực tế, có nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam cũng đang bị áp chỉ tiêu về tỷ trọng năng lượng tái tạo. Nhiều tập đoàn đa quốc gia có chuỗi cung ứng toàn cầu có căn cứ trên tiêu chí này để phân bổ đơn hàng. Do vậy, nếu TP.HCM không lưu tâm đến vấn đề đó thì có thể sẽ làm giảm sự hấp dẫn đối với nhà đầu tư.

Để TP.HCM tạo đột phá như kỳ vọng, việc mạnh dạn phân cấp, phân quyền cho địa phương thực hiện những cơ chế phát triển đột phá là rất cần thiết. Và có rất nhiều nhà đầu tư, như Vũ Phong Energy Group, sẵn sàng đồng hành để chung tay đưa TP.HCM phát triển vững mạnh hơn, tiếp tục giữ vững vị thế vai trò đầu tàu về kinh tế của cả nước.

Có thể bạn quan tâm

  • TP.HCM xin cơ chế đặc thù đầu tư điện mặt trời mái nhà: Giá FIT cần áp dụng linh hoạt hơn!

    TP.HCM xin cơ chế đặc thù đầu tư điện mặt trời mái nhà: Giá FIT cần áp dụng linh hoạt hơn!

    16:54, 10/03/2023

  • Doanh nghiệp mong cơ chế linh hoạt cho điện mặt trời mái nhà

    Doanh nghiệp mong cơ chế linh hoạt cho điện mặt trời mái nhà

    04:30, 11/12/2022

  • Tín chỉ RECs vẫn có được từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà

    Tín chỉ RECs vẫn có được từ các hệ thống điện mặt trời mái nhà

    10:17, 27/03/2023

  • Điện mặt trời mái nhà: Cần khơi thông để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch

    Điện mặt trời mái nhà: Cần khơi thông để thúc đẩy chuyển dịch năng lượng sạch

    11:00, 05/07/2022

  • Sử dụng điện mặt trời mái nhà: Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

    Sử dụng điện mặt trời mái nhà: Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

    05:00, 14/06/2022

PHƯƠNG THANH