Hải Dương: Tiên phong phát triển tăng trưởng xanh và chuyển đổi số
Tỉnh Hải Dương cần xác định chuyển đổi số theo hướng tập trung vào những gì người dân, doanh nghiệp cần, cụ thể hoá những ý tưởng từ những phần việc gần nhất, thiết thực nhất.
>>>Hải Dương: Doanh nghiệp kiến nghị tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh
Đó là ý kiến của ông Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông (TTTT) tại buổi làm việc với UBND tỉnh về việc triển khai lộ trình chuyển đổi số của tỉnh Hải Dương.
Bộ trưởng Bộ TTTT Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá cao việc tỉnh Hải Dương đã đi tiên phong trong cả nước khi đưa ra chiến lược phát triển tăng trưởng xanh và chuyển đổi số, cũng như sớm lựa chọn Ngày chuyển đổi số của tỉnh.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Bộ TTTT chia sẻ những giá trị của chuyển đổi số mang lại cho mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, đồng thời gợi ý một số ứng dụng của công nghệ số để giải những bài toán nâng cao hiệu suất công việc, đặc biệt với công tác chỉ đạo điều hành của tỉnh.
Đồng thời, Bộ trưởng Bộ TTTT khẳng định: chuyển đổi số giúp cho mọi việc trở nên dễ dàng hơn, hiệu quả giải quyết công việc tốt hơn, chi phí ít hơn. Đây chính là xu hướng và là động lực phát triển trong một vài thập kỷ tới.
Để thu hút doanh nghiệp công nghệ số vào tỉnh Hải Dương, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, tỉnh cần có cơ chế cởi mở, thúc đẩy môi trường số để doanh nghiệp thấy được môi trường đầu tư tốt, trong đó có lĩnh vực dịch vụ công trực tuyến.
Theo Bộ trưởng, căn cơ của chuyển đổi số là cơ sở dữ liệu, tỉnh cần tập trung để chuẩn bị cơ sở dữ liệu của các lĩnh vực, từ đó cụ thể hoá các yêu cầu để thực hiện. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ cung cấp thông tin đánh giá những tỉnh, thành phố trong cả nước đã làm tốt việc chuyển đổi số trong từng lĩnh vực để Hải Dương tìm hiểu, học tập để có hướng đi phù hợp với tỉnh.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ TTTT đã trực tiếp trả lời gần 20 câu hỏi, kiến nghị của các sở, ngành của tỉnh liên quan đến chuyển đổi số trong từng lĩnh vực. Căn cơ của chuyển đổi số là cơ sở dữ liệu, tỉnh cần tập trung để chuẩn bị cơ sở dữ liệu của các lĩnh vực, từ đó cụ thể hoá các yêu cầu để thực hiện. Bộ TTTT sẽ cung cấp thông tin đánh giá những tỉnh, thành phố trong cả nước đã làm tốt việc chuyển đổi số trong từng lĩnh vực để Hải Dương tìm hiểu, học tập để có hướng đi phù hợp với tỉnh.
Bí thư Tỉnh uỷ, Trần Đức Thắng thay mặt lãnh đạo tỉnh cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo kịp thời của Bộ trưởng. Bí thư mong muốn Bộ TTTT sẽ tiếp tục đồng hành, hỗ trợ tỉnh trong lĩnh vực này, cùng với quyết tâm vào cuộc của cả hệ thống chính trị để thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số, góp phần hiện thực hóa khát vọng phát triển của tỉnh.
Trước đó, Hải Dương đã ban hành quyết định lựa chọn ngày 26.3 hằng năm là Ngày Chuyển đổi số của tỉnh. Đồng thời, tỉnh đã ra mắt Trung tâm Giám sát và điều hành thông minh (IOC) của tỉnh, ký kết thỏa thuận hợp tác với các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin hàng đầu cả nước như Tập đoàn VNPT, Tập đoàn Viettel, Tổng công ty Viễn thông MobiFone, Tập đoàn FPT, Liên minh SAIGONTEL-NGS… đồng thời thành lập Tổ Chỉ đạo triển khai công nghệ số cộng đồng của tỉnh.
Cũng từ đó, ngày càng nhiều doanh nghiệp trong tỉnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị, điều hành. Thông qua “chợ giải pháp số” từ Viettel, VNPT, nhiều doanh nghiệp đã tìm thấy nền tảng số phù hợp, nhất là các nền tảng điện toán đám mây. Với người dân, việc kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Sendo, Voso… bước đầu ghi nhận kết quả tích cực, phát sinh gần 36.000 lượt giao dịch trực tuyến.
Theo Sở Thông tin và Truyền thông, từ ngày 28/10/2021 đến ngày 6.3, Hải Dương có 128.578 hộ sản xuất, kinh doanh đưa sản phẩm lên các sàn thương mại điện tử, xếp hạng 19 toàn quốc.
Với khát vọng phát triển, bằng sự quyết tâm cao của toàn bộ hệ thống chính trị và sự đồng lòng, ủng hộ của doanh nghiệp, người dân trong tỉnh, hành trình chuyển đổi số của tỉnh chắc chắn sẽ ghi nhận nhiều dấu mốc mới.
Có thể bạn quan tâm