Nam Định: Hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại đa kênh để mở rộng xuất khẩu
Đó là chia sẻ của ông Phạm Gia Túc – Bí thư tỉnh Nam Định tại buổi đi kiểm tra thực tế sản xuất, kinh doanh tại một số doanh nghiệp dệt may.
>>>Nam Định: “Thúc” giải ngân đầu tư công
Ông Phạm Gia Túc – Bí thư tỉnh Nam Định vừa đi đã kiểm tra thực địa các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tại một số doanh nghiệp dệt may trên địa bàn.
Tháo gỡ khó khăn...
Theo báo cáo của các Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định, Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định, Công ty Cổ phần may Sông Hồng, giai đoạn nửa cuối quý IV-2022 đến nay, các doanh nghiệp dệt may chịu nhiều tác động tiêu cực bởi suy thoái kinh tế, bị giảm mạnh đơn hàng, nhất là đơn hàng xuất khẩu. Nhu cầu về mặt hàng sợi trên thế giới giảm khiến giá bán sợi giảm mạnh. Sản xuất các sản phẩm may mặc thiếu đơn hàng. Trong đó các đơn hàng có được chủ yếu là nhỏ lẻ, đơn giá thấp so với năm 2022.
Theo lãnh đạo Công ty Cổ phần May Sông Hồng, là doanh nghiệp nằm trong tốp đầu của ngành dệt may quốc gia, có 12.500 công nhân, có nhiều đối tác tầm cỡ trên thế giới nhưng trong giai đoạn hiện nay cũng gặp nhiều khó khăn, đơn hàng giảm sút mạnh. Hiện phải tạm dừng tuyển thêm lao động. Dự kiến đến hết quý II-2023 các doanh nghiệp vẫn tiếp tục phải đối mặt với nhiều khó khăn do sức mua từ các thị trường lớn như Mỹ, EU giảm mạnh.
Thời gian qua các doanh nghiệp dệt may trong tỉnh đều nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp thiết thực để vượt khó như đầu tư công nghệ sản xuất hiện đại; tìm kiếm đa dạng hóa thị trường; giảm nhập khẩu, tăng tỷ lệ nội địa hóa nguyên phụ liệu trong nước, phát triển bền vững, xanh hóa, quản trị số... Nhờ đó các doanh nghiệp vẫn duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động.
Để thực hiện hiệu quả các mục tiêu sản xuất, kinh doanh, các doanh nghiệp kiến nghị tỉnh chỉ đạo các cấp chính quyền, ngành chức năng áp dụng nhanh, hiệu quả các cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, nhất là việc giảm thuế hoặc hoãn thuế cho doanh nghiệp ở thời điểm này và hỗ trợ doanh nghiệp dệt may tiếp cận các nguồn tài chính với lãi suất thấp để duy trì sản xuất, giữ ổn định lao động.
Trong đó Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định và Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định là hai đơn vị đang thực hiện các dự án di dời nhà xưởng từ nội đô ra Khu công nghiệp Hoà Xá, hiện đã hoàn thành một số phần việc, giai đoạn của dự án. Tuy nhiên do vừa duy trì sản xuất, vừa thực hiện di dời nên các doanh nghiệp gặp khó về vốn, làm chậm tiến độ di chuyển quá lâu. Hai doanh nghiệp đều đề xuất được gia hạn tiến độ thực hiện dự án; được tạo điều kiện thực hiện đi dời theo hình thức di dời từng nhà máy để ổn định tình hình tài chính và thu nhập cho cán bộ, công nhân viên.
Theo đại diện của Tổng Công ty Cổ phần Dệt may Nam Định đề xuất UBND tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện giai đoạn III của dự án di dời theo hình thức chuyển tiếp đối với các dự án đang thực hiện như quy trình đã thực hiện ở giai đoạn 1 và 2 do bảo đảm theo quy định tại Điều 1 Khoản 19 Mục 2 của Quyết định số 86/2010/QĐ-TTg ngày 22-10-2010 của Thủ tướng Chính phủ; đề xuất được tăng cường hỗ trợ hoàn thiện thủ tục đất đai trong đầu tư mới một số nhà xưởng tại các huyện Nam Trực, Trực Ninh, Nghĩa Hưng, Vụ Bản, Ý Yên; đề xuất hỗ trợ trong bàn giao một số khu đất, tài sản công cho Nhà nước quản lý. Công ty Cổ phần Dệt lụa Nam Định đề xuất được hướng dẫn, tạo điều kiện để Công ty được tham gia đầu tư phát triển dự án đô thị tại khu đất cũ trong nội đô của đơn vị. Công ty Cổ phần May Sông Hồng đề nghị Chính phủ giảm bớt các quy định, thủ tục hành chính rườm rà tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuận lợi thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh.
Đồng hành...
Theo ông Phạm Gia Túc – Bí thư tỉnh Nam Định: Thời gian qua các doanh nghiệp đã nỗ lực duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm cho người lao động của các doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn vừa qua. Đóng góp vào kết quả tăng trưởng kinh tế - xã hội, chăm lo đời sống cho công nhân, lao động của tỉnh. Để sớm vượt qua các khó khăn, hoàn thành thắng lợi các mục tiêu phát triển.
Ông Bí thư Tỉnh ủy động viên các doanh nghiệp cố gắng, chủ động hơn nữa các biện pháp linh hoạt, thiết thực với bối cảnh thị trường bất định. Quan trọng nhất là phải duy trì bộ máy sản xuất, đảm bảo được việc làm, đời sống cho toàn thể cán bộ, công nhân viên và người lao động; quan tâm nâng cao chất lượng sinh hoạt tổ chức Đảng trong doanh nghiệp; chú trọng tối ưu hóa hoạt động sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm theo hướng quan tâm sử dụng nguồn nguyên liệu nội địa, sản xuất theo chuỗi; quan tâm bám sát thị trường, nhu cầu tiêu dùng của khách hàng để kịp thời có phương án sản xuất phù hợp.
Ông Túc, cũng yêu cầu các sở, ban, ngành nắm bắt thông tin thực tế của các doanh nghiệp dệt may; gia tăng các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp ổn định nguồn cung ứng và chi phí đầu vào; thúc đẩy chuyển đổi số nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại đa kênh, kết nối giao thương đa hình thức, khai thác hiệu quả thị trường trong nước, mở rộng thị trường xuất khẩu.
Đối với các kiến nghị về hỗ trợ, hướng dẫn trong thực hiện công tác di dời nhà xưởng, đầu tư mở rộng quy mô sản xuất, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy giao các sở, ban, ngành và thành phố tăng cường phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho doanh nghiệp đúng theo quy định của pháp luật.
Có thể bạn quan tâm