Nhằm thúc đẩy Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) phát triển. Một trong những giải pháp quan trọng đang được tỉnh Nam Định chú trọng thực hiện đó là thúc đẩy chuyển đổi số.
>>>Nam Định: Thúc đẩy “số hóa” trong các hợp tác xã
Từ tăng cường...
Nhằm góp phần nâng cao hiệu quả trong việc phát triển, tiêu thụ các sản phẩm nông nghiệp, sản phẩm OCOP trên địa bàn, thời gian qua, các cấp các ngành trên địa bàn tỉnh Nam Định đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn. Một trong những giải pháp quan trọng đang được tỉnh chú trọng thực hiện đó là thúc đẩy chuyển đổi số, nhất là trong Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” OCOP.
Đến hết năm 2022 toàn tỉnh Nam Định có 329 sản phẩm OCOP. Bên cạnh phát triển về số lượng và chất lượng sản phẩm OCOP của tỉnh, một trong những nội dung và nhiệm vụ quan trọng được Nam Định xác định là tăng cường chuyển đổi số để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP.
Để gắn kết sản phẩm OCOP của tỉnh với thị trường, từ năm 2019 đến nay, tỉnh đã hỗ trợ, tạo điều kiện cho các chủ thể có sản phẩm OCOP tham gia nhiều hội chợ, hội nghị xúc tiến đầu tư, chương trình kết nối cung cầu ở cả Trung ương và địa phương. Trong đó, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, tập huấn đào tạo kỹ năng tham gia hội chợ, triển lãm, kỹ năng thiết kế bao bì, nhãn hiệu và quảng bá thương hiệu sản phẩm cho các chủ đại diện sản phẩm; tổ chức các gian hàng giới thiệu sản phẩm…
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn: Thời gian, Sở qua đã tổ chức quảng bá, xúc tiến thương mại cho các sản phẩm nông sản và OCOP thông qua các hội nghị, gian hàng trưng bày trực tuyến và hỗ trợ đăng tải thông tin sản phẩm OCOP trên một số website như: ocopnamdinh.vn; ocopvietnam.gov.vn; … Bên cạnh đó Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh đã hỗ trợ các chủ thể có sản phẩm OCOP của tỉnh tạo và hướng dẫn sử dụng các gian hàng để bán sản phẩm OCOP trên các sàn thương mại điện tử như PostMart.vn, Voso.vn, shopee,… Đến nay đã có trên 150 sản phẩm của tỉnh được đăng tải, bán trên các sàn thương mại điện tử.
Đặc biệt, nhằm tăng cường hợp tác thúc đẩy tiêu thụ nông sản an toàn, Văn phòng điều phối Nông thôn mới tỉnh Nam Định đã phối hợp với Công ty TNHH Tư vấn và Phát triển dịch vụ công nghệ Lâm Hải tổ chức ngày hội Livestream với chủ đề “Tăng cường chuyển đổi số trong truyền thông về chương trình OCOP”.
>>>Nam Định: Tăng cường bảo vệ an toàn vệ sinh thực phẩm thủy sản
Trước đó, Chương trình livestream trực tuyến trên Fanpage “Sản phẩm OCOP Nam Định”, với sự tham gia của trên 25 sản phẩm đến từ các xã, huyện trên địa bàn tỉnh. Livestream đã thu hút được đông đảo người xem và tương tác trực tuyến về các sản phẩm trên nền tảng facebook. Đại diện các chủ thể đã mang đến chương trình những sản phẩm OCOP tiêu biểu của địa phương với mục đích, thông qua livestream trực tuyến, các sản phẩm nông sản tiêu biểu trên địa bàn tỉnh Nam Định sẽ đến gần hơn với đông bảo mọi người trên cả nước, từng bước tạo nên tảng vững chắc để sản phẩm OCOP của địa phương có mặt trên thị trường trong cả nước.
Có thể thấy, chương trình đã bắt kịp với các hình thức quảng bá mới, hiện đại cho thấy hướng đi đổi mới và phù hợp với chính quyền điện tử, chuyển đổi số. Thông qua việc áp dụng công nghệ, các hợp tác xã đã giúp chuỗi sản xuất cung ứng nông sản, sản phẩm OCOP không bị đứt gãy, đồng thời đáp ứng nhu cầu lương thực, thực phẩm an toàn của người dân.
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định: Hiệu quả thực tiễn của công tác xúc tiến thương mại cho sản phẩm OCOP đã được khẳng định. Trong thời gian tới, để đẩy mạnh phát triển sản phẩm OCOP, các ngành, địa phương và chủ cơ sở sản xuất cần tập trung đẩy mạnh công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm một cách bài bản, đồng bộ và thường xuyên, tăng cường quản lý giám sát chất lượng sản phẩm OCOP, xây dựng thương hiệu OCOP quốc gia làm cơ sở để đẩy mạnh thị trường và tiếp cận thị trường quốc tế. Đồng thời chú trọng hỗ trợ chủ thể sản phẩm OCOP thành thạo các kỹ năng thương mại điện tử để tăng cường tương tác trực tiếp giữa người sản xuất và tiêu dùng.
...đến hỗ trợ
Mới đây, nhằm thúc đẩy Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) phát triển, đóng góp tích cực vào quá trình xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu của các địa phương, ngày 7-4-2023 UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 695/QĐ-UBND phê duyệt kinh phí hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP năm 2022 cho 65 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh có sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên.
Tổng kinh phí hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP năm 2022 là 2,5 tỷ đồng được lấy từ nguồn kinh phí sự nghiệp Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2022. Trong đó, tiền hỗ trợ chi phí bao bì, in tem hơn 1 tỷ 883 triệu đồng; tiền thưởng sản phẩm OCOP 3 sao, 4 sao là 604 triệu đồng và hỗ trợ đăng ký nhãn hiệu là gần 12 triệu đồng. Các sản phẩm OCOP đạt 3 sao thưởng 6,4 triệu đồng/sản phẩm; sản phẩm 4 sao được thưởng 8 triệu đồng/sản phẩm.
Toàn tỉnh có 65 doanh nghiệp, HTX, hộ sản xuất, kinh doanh là chủ thể của 91 sản phẩm OCOP năm 2022 được hỗ trợ. Trong đó, có 77 sản phẩm đạt 3 sao và 14 sản phẩm đạt 4 sao. Huyện Giao Thủy có 16 chủ thể với 29 sản phẩm OCOP được hỗ trợ hơn 797 triệu đồng.
Tiếp đó là huyện Trực Ninh có 16 chủ thể với 18 sản phẩm được hỗ trợ hơn 495 triệu đồng. Huyện Xuân Trường có 11 chủ thể với 17 sản phẩm được hỗ trợ hơn 462 triệu đồng. Riêng huyện Trực Ninh, ngoài được thưởng, hỗ trợ kinh phí bao bì, in tem còn có 2 chủ thể được hỗ trợ chi phí đăng ký nhãn hiệu là hộ kinh doanh Vũ Thị Nhung và Công ty cổ phần Nông nghiệp VIAGRI.
Tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 329 sản phẩm OCOP được xếp hạng từ 3 sao trở lên (47 sản phẩm 4 sao, 282 sản phẩm 3 sao). Có 2 sản phẩm là nghêu thịt hộp Lenger của Công ty TNHH thuỷ sản Lenger Việt Nam (thành phố Nam Định) và gạo sạch chất lượng cao 888 của Công ty TNHH Toản Xuân (Ý Yên) đang được tỉnh trình Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đánh giá, nâng hạng sản phẩm OCOP 5 sao.
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định: Để nâng tầm sản phẩm OCOP của tỉnh, thời gian tới, các cấp chính quyền, ngành chức năng của tỉnh sẽ gia tăng các giải pháp thiết thực để thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm OCOP. Trong đó, chú trọng lựa chọn những nghề có sản phẩm đặc trưng nhất để hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở tập trung nguồn lực đầu tư phát triển sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo ra sự khác biệt so với sản phẩm cùng loại của địa phương khác. Tập trung định hướng cho các doanh nghiệp, cơ sở liên kết, mở rộng quy mô sản xuất theo hướng liên vùng, liên địa phương tạo ra khối lượng sản phẩm lớn, đáp ứng tối đa nhu cầu tiêu dùng của các thị trường tiềm năng, tránh tình trạng khi sản phẩm đã thu hút được người tiêu dùng lại không đủ sản lượng đáp ứng sức mua.
Tiếp tục đẩy mạnh quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại tại đa dạng thị trường địa phương, tỉnh, quốc gia và quốc tế đối với các sản phẩm được xếp hạng 3 sao trở lên.
Mở rộng hỗ trợ doanh nghiệp “đưa số hóa” vào để kết nối với các trung tâm mua sắm, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng để bán sản phẩm OCOP. Chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong xây dựng hồ sơ và quản lý dữ liệu sản phẩm, tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm OCOP trên website, thúc đẩy phát triển thương mại điện tử cho sản phẩm OCOP. Tăng cường xây dựng, quảng bá thương hiệu, hình ảnh về làng nghề, sản phẩm OCOP đặc trưng; đẩy mạnh tuyên truyền để nâng cao hiểu biết của người tiêu dùng về chương trình OCOP và sự khác biệt, đặc trưng của sản phẩm OCOP so với các sản phẩm cùng loại của các địa phương khác.
Bằng việc tăng cường các biện pháp thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm kể trên, hy vọng các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất không ngừng đưa sản phẩm OCOP của tỉnh vươn xa ra các thị trường ngoại tỉnh, thị trường quốc tế.
Có thể bạn quan tâm