Thái Bình: Tạo dư địa phát triển mới để bứt phá vươn lên mạnh mẽ
Đó là yêu cầu của ông Ngô Đông Hải- Bí thư Tỉnh ủy, tại kỳ họp thứ 24 BCH Đảng bộ tỉnh với các cấp ngành điều hành kinh tế Thái Bình đạt tăng trưởng GRDP đạt từ 11% trở lên.
>>>PCI 2022: Thái Bình chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư
Vững đà tăng trưởng
Trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, kết thúc quý I/2023 kinh tế của tỉnh Thái Bình vẫn giữ được đà tăng trưởng (8,26%), cao hơn cùng kỳ năm 2022 (7,44%), xếp thứ 11 cả nước và thứ 4 vùng đồng bằng sông Hồng (sau Hải Phòng, Ninh Bình, Hải Dương). Và không ngừng nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư và chất lượng đời sống doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Khắc Thận – Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình: Tỉnh luôn cam kết tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất cho nhà đầu tư, doanh nghiệp bằng việc áp dụng đầy đủ các chính sách ưu đãi đầu tư cao nhất theo quy định thống nhất của quốc gia; triển khai các cơ chế, chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư riêng của tỉnh đối với một số lĩnh vực cụ thể.
Tỉnh có nhiều đổi mới, sáng tạo trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành với tinh thần sâu sát, linh hoạt, hiệu quả. Tăng cường tiếp xúc, đối thoại với doanh nghiệp qua nhiều kênh, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đến đầu tư tại tỉnh.
Theo báo cáo chỉ số kinh tế quý 1/2023 của Thái Bình, tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn ước đạt 14.696 tỷ đồng thì khu vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,13%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 14,04% (trong đó công nghiệp tăng 16,17%, xây dựng tăng 9,4%); khu vực dịch vụ tăng 6,41% so với cùng kỳ năm 2022. Tăng trưởng khá nhất phải kể đến lĩnh vực công nghiệp với giá trị sản xuất ước đạt 21.036 tỷ đồng, đạt 18,5% kế hoạch, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo là động lực tăng trưởng ước đạt 19.001 tỷ đồng, tăng 6,6%, sản xuất truyền tải và phân phối điện ước đạt 1.892 tỷ đồng, tăng 57,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo lãnh đạo tỉnh Thái Bình cho biết: Để tạo không khí sôi nổi thi đua sản xuất, kinh doanh và quảng bá môi trường đầu tư của tỉnh, ngay từ đầu năm tỉnh đã tổ chức gặp mặt, động viên doanh nghiệp đồng thời tổ chức lễ khởi công, động thổ, khánh thành một số dự án trọng điểm như dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Hải Long; nhà máy Greenworks Thái Bình Việt Nam, nhà máy Lotes Việt Nam tại KCN Liên Hà Thái; nhà máy sản xuất phụ kiện gia đình, phòng tắm, đèn chiếu sáng trong nhà, ngoài trời và đồ nội, ngoại thất tại KCN Tiền Hải; lễ thông xe kỹ thuật dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 37 đoạn qua địa phận tỉnh và cầu sông Hóa...
Trong sản xuất nông nghiệp, để duy trì đà phát triển, cùng với tập trung phát triển trồng trọt, các địa phương trong tỉnh chú trọng đầu tư lĩnh vực chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản theo hướng sản xuất hàng hóa.
Lĩnh vực thương mại, dịch vụ cũng được duy trì ổn định với giá trị sản xuất khu vực dịch vụ ước đạt 8.310 tỷ đồng, đạt 23,6% kế hoạch, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm 2022. Tỉnh đã tổ chức thành công nhiều sự kiện, hoạt động để quảng bá, thúc đẩy xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư, phát triển thị trường tiêu thụ các sản phẩm chủ lực của tỉnh như hội nghị kết nối cung cầu; hội nghị phát triển thị trường lúa gạo tỉnh Thái Bình; hội thảo chủ đề “Phát triển đầu tư, thương mại, dịch vụ - tạo liên kết vùng cho doanh nghiệp”.
Nhìn thẳng những hạn chế...
Theo lãnh đạo tỉnh Thái Bình: Mặc dù kinh tế quý I/2023 của tỉnh tăng trưởng khá nhưng vẫn chưa đạt theo kế hoạch cả năm (8,26%/11%) và chưa tạo được những đột phá với chức năng tạo ra những lực đẩy lớn để làm thay đổi nhanh quy mô, chất lượng của nền kinh tế.
Bởi trong quý I/2023 hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do phải cạnh tranh khá khốc liệt về giá bán, thị trường, gặp khó trong tiếp cận tín dụng đầu tư cho phát triển sản xuất... dẫn tới kim ngạch xuất khẩu có dấu hiệu chững lại; vi phạm pháp luật về đất đai, đê điều tại một số nơi vẫn còn tiếp diễn; xử lý rác thải sinh hoạt tại một số địa phương còn bất cập; chất lượng nước sạch ở một số đơn vị cung cấp chậm được cải thiện; việc thực hiện một số nhiệm vụ theo chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh còn chậm; tiến độ thực hiện các kết luận của thanh tra, kiểm toán chưa đáp ứng yêu cầu; công tác giải phóng mặt bằng, việc tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất ở một số địa phương kết quả còn hạn chế; kinh tế tuy tăng trưởng khá nhưng kết quả thu ngân sách đạt thấp.
Theo ông Đỗ Hồng Nam - Cục trưởng Cục Thuế tỉnh: Nguyên nhân chính khiến số thu từ thuế, phí đạt thấp so với dự toán là do 2 chỉ tiêu chiếm tỷ trọng lớn đạt thấp hơn bình quân chung (thu từ doanh nghiệp nhà nước trung ương chiếm tỷ trọng 8% dự toán mới thực hiện được 97,5 tỷ đồng, đạt 16,3% dự toán; thu thuế bảo vệ môi trường chiếm tỷ trọng 43% dự toán mới thực hiện được 68 tỷ đồng, đạt 2,1% dự toán). Ngoài ra, các chính sách hỗ trợ về thuế cũng làm ảnh hưởng lớn đến nguồn thu phát sinh tại địa phương: chính sách giảm 30% tiền thuê đất ước giảm 80 tỷ đồng, chính sách gia hạn 50% tiền thuê đất với số tiền được gia hạn 28 tỷ đồng... Đến hết quý I/2023, tổng thu nội địa đạt 1.896 tỷ đồng, đạt 18,6% dự toán, bằng 86,3% cùng kỳ năm 2022; trong đó, thu từ thuế, phí sau khi trừ tiền sử dụng đất đạt 1.243 tỷ đồng, đạt 16,2% dự toán, bằng 83,8% cùng kỳ năm 2022.
Mục tiêu của tỉnh Thái Bình trong năm 2023 là phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP đạt từ 11% trở lên so với năm 2022. Để đạt được mục tiêu đó, tại kỳ họp thứ 24 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, ông Ngô Đông Hải- Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các cấp, ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị tập trung nghiên cứu, khai thác các giá trị mới trên các lĩnh vực, coi đây là nhiệm vụ hàng đầu, trong đó đề cao vai trò của các đồng chí lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành trong việc định hướng, hướng dẫn, đồng hành, tạo cơ chế hỗ trợ, kịp thời tháo gỡ khó khăn, nhân rộng những mô hình hay, cách làm sáng tạo để những giá trị mới được khẳng định, tạo dư địa phát triển mới để tỉnh bứt phá vươn lên mạnh mẽ trong thời gian tới.
Ông Hải cũng yêu cầu: Mỗi cán bộ, công chức trên lĩnh vực được giao cần tâm huyết, trách nhiệm, trăn trở, tìm tòi, sáng tạo để có cách làm hay, sáng tạo, phù hợp với tình hình thực tế, tạo ra xu thế phát triển mới. Tập trung giải quyết dứt điểm những vấn đề còn tồn đọng đã được chỉ ra và tháo gỡ triệt để các khó khăn, vướng mắc. Tập trung rà soát, đánh giá đúng thực chất thực trạng để có giải pháp phù hợp, phát huy tinh thần sáng tạo phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2023...
Theo ông Vũ Huy Hoàng – PGĐ Sở Tài chính: Trong tổng thu ngân sách quý 1/2023 ước thực hiện hơn 8.765 tỷ đồng, đạt 41,7% dự toán. Tăng 3,1 so với cùng kỳ năm 2022. Tuy nhiên, tổng thu nội địa mới đạt 18.6%, dự toán số thu đạt 1.896 tỷ đồng, bằng 86,3% cùng kỳ năm 2022. Và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu đạt 17,1 % dự toán với tổng số thu ước thực hiện 480 tỷ đồng bằng 54,7% cùng kỳ năm 2022. Chính vì thế thời gian tới ngành tài chính quyết liệt thực hiện công tác thu ngân sách nhà nước. Phân đấu hoàn thành dự toán thu ở mức độ cao nhất trên cơ sở tăng cường quản lý thu. Tiếp tục với các ngành tham mưu cho tỉnh huy động nguồn lực đầu tu hạ tầng. Đặc biệt các công trình trọng điểm để phát triển kinh tế xã hội của tỉnh. Tích cực hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi phát triển kinh tế, nuôi dưỡng nguồn thu.
Ông Đỗ Văn Trịnh – PCT UBND huyện Tiền Hải: Quý 1/2023 tốc độ trăng trưởng của huyện Tiền Hải đạt 9%. Với mục tiêu năm 2023 đạt tăng trưởng kinh tế từ 14% trở lên. Nhiệm vụ trọng tâm của huyện trong thời gian tới vẫn phải làm tốt công tác giải phòng mặt bằng để triển khai hiệu quả các dự án trọng điểm của tỉnh và huyện trên địa bàn. Tháo gỡ thực chất những khó khăn, điểm nghẽn, thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn. Tập trung nắm bắt tình hình, lắng nghe những kiến nghị, đề xuất để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc tạo thuận lợi nhất cho hoạt động sản xuất của các nhà đầu tư, các doanh nghiệp trên địa bàn.
Có thể bạn quan tâm