Long An: Cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của doanh nghiệp
Long An tiếp tục đẩy mạnh giải pháp cải thiện các chỉ số PCI, PGI, PAPI, PAR INDEX… nâng cao sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp đối với việc giải quyết các thủ tục hành chính.
Theo công bố của VCCI, năm 2022 tỉnh Long An đứng thứ 10 trên bảng xếp hạng PCI cả nước, thuộc nhóm Tốt với 68,45 điểm; tăng 6 bậc và tăng 1,87 điểm so với năm 2021; xếp thứ 2/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL, tăng 1 bậc so với năm 2021.
>> Long An ưu tiên các dự án xanh
Trong 10 chỉ số thành phần PCI năm 2022, Long An có 05 chỉ số thành phần tăng điểm là: Tính minh bạch (+0,45 điểm); Chi phí thời gian (+0,3 điểm); Chi phí không chính thức (+0,47 điểm); Cạnh tranh bình đẳng (+0,79 điểm); Tính năng động (+0,14 điểm). Có 05 chỉ số thành phần giảm điểm là: Gia nhập thị trường (- 0,12 điểm); Tiếp cận đất đai (-0,32 điểm); Chính sách hỗ trợ doanh nghiệp (-1,7 điểm); Đào tạo lao động (-0,11 điểm); Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự (-0,28 điểm).
Qua kết quả công bố của VCCI cho thấy chất lượng điều hành của tỉnh tiếp tục có sự cải thiện theo thời gian. Chất lượng giải quyết thủ tục hành chính nói chung có chuyển biến tích cực khi giúp các doanh nghiệp tiết kiệm chi phí tuân thủ quy định pháp luật. Tình trạng trả chi phí không chính thức duy trì xu hướng giảm. Việc cải thiện tính minh bạch, tính năng động và cạnh tranh bình đẳng có những chuyển biến tích cực. Song, PCI 2022 của Long An vẫn còn những điểm chưa được như kỳ vọng, cần nhiều cố gắng hơn nữa để có kết quả đồng bộ và bền vững hơn.
Đặc biệt năm nay, VCCI lần đầu tiên giới thiệu và công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI) của 63 tỉnh, thành phố qua góc nhìn của doanh nghiệp về mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, theo đó Long An đạt 15,04 điểm/40 điểm, đứng thứ 28/63 tỉnh, thành cả nước và đứng thứ 3/13 tỉnh, thành khu vực ĐBSCL.
Đối với Chỉ số PAR INDEX năm 2022, Long An đạt 87,41%, xếp hạng 8/63 tỉnh, thành phố trong cả nước (tăng 15 bậc so với năm 2021), xếp thứ 1/13 các tỉnh, thành khu vực ĐBSCL. Trong 08 lĩnh vực được Bộ Nội vụ đánh giá, có 04 lĩnh vực tăng hạng so với năm 2021 (gồm cải cách thể chế; cải cách công vụ; xây dựng và phát triển chính quyền điện tử, chính quyền số và tác động của cải cách hành chính đến người dân, tổ chức và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh); có 04 lĩnh vực giảm hạng so với năm 2021 (gồm công tác chỉ đạo, điều hành cải cách hành chính; cải cách thủ tục hành chính; cải cách tổ chức bộ máy hành chính; cải cách tài chính công).
Ông Nguyễn Văn Được - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An cho biết, tỉnh Long An đã không ngừng nỗ lực, quyết tâm xây dựng một nền hành chính hiệu lực, hiệu quả, minh bạch, lấy sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp làm thước đo hiệu quả. Trong những năm qua, tuy công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư của tỉnh Long An có những thăng trầm, nhưng nhìn chung có xu hướng chuyển biến tích cực.
Bí thư Tỉnh ủy Long An cho rằng, trong điều kiện tình hình kinh tế khó khăn hiện nay, các cấp ngành, địa phương càng phải tiếp tục đổi mới tư duy, thay đổi tác phong, lề lối làm việc, nhất quán quan điểm "xem người dân là đối tượng phải phục vụ, xem doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển". Việc thực hiện cải cách hành chính rất quan trọng, ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, người đứng đầu các cấp ngành, địa phương cần quán triệt tinh thần cải cách hành chính; phối hợp thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp để khắc phục triệt để các tồn tại, hạn chế.
Ông Nguyễn Văn Được chia sẻ: năm 2023, năm giữa nhiệm kỳ, tỉnh Long An đang đứng trước nhiều cơ hội, thuận lợi và đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2023 và Nghị quyết Đại hội XI Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2020-2025 là nhiệm vụ hết sức nặng nề, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên trong cả hệ thống chính trị phải quán triệt tư tưởng tiến công, quyết tâm, quyết liệt, làm việc với năng suất gấp 10, gấp 100 lần bình thường, để thực hiện tốt các chỉ đạo, làm cho công tác cải cách hành chính đạt kết quả tốt nhất, góp phần nâng tầm vị thế, vai trò và hướng Long An trở thành điểm đến lý tưởng của nhà đầu tư.
Nhấn mạnh tính quan trọng của các chỉ số, ông Nguyễn Văn Út - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho rằng, trong thời gian tới Long An tiếp tục phân tích, đánh giá các chỉ số thành phần, có hướng xử lý hiệu quả để phấn đấu cải thiện điểm số các chỉ số PCI, PGI, PAR INDEX, PAPI. Đồng thời triển khai quyết liệt hơn, có những giải pháp thiết thực hơn, hữu hiệu hơn với quyết tâm cao hơn, giải quyết tận gốc các nút thắt, điểm nghẽn để nâng cao các chỉ số.
Bên cạnh đó, Long An cũng nâng cao chất lượng hoạt động của Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh, cấp huyện, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã. Thường xuyên kiểm tra công tác cải cách hành chính, thái độ phục vụ và đạo đức công vụ, văn hóa công sở nhằm kịp thời phát hiện, chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, nhũng nhiễu. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về công tác cải cách hành chính nói chung và mục tiêu, ý nghĩa của các chỉ số nêu trên đến nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp biết và thực hiện.
Có thể bạn quan tâm
Long An ưu tiên các dự án xanh
14:39, 14/04/2023
Điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng, kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN Đức Hòa 1, Long An
20:22, 29/04/2023
Long An khởi công ĐT 830E với kinh phí trên 3.700 tỉ đồng
13:55, 21/04/2023
Long An gắn kết chặt chẽ với TP. HCM và các tỉnh trong vùng
18:09, 11/03/2023
Long An: Điểm đến đầu tư thân thiện
08:12, 04/03/2023