Tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp Quảng Nam sẽ làm những gì?
Trước những khó khăn của doanh nghiệp sau dịch bệnh và biến động kinh tế, Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đã quyết định thành lập tổ công tác đặc biệt để tháo gỡ những khó khăn mà doanh nghiệp.
>>Hóa giải khó khăn cho doanh nghiệp FDI đầu tư tại Việt Nam
Tổ trưởng Tổ công tác tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư do Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Lê Trí Thanh là tổ trưởng và 2 Phó chủ tịch là ông Nguyễn Hồng Quang và Hồ Quang Bửu làm Tổ phó. Cùng với đó là 11 thành viên là lãnh đạo các Sở, ban, ngành của tỉnh.
Chủ tịch UBND Quảng Nam Lê Trí Thanh cho biết: "Tổ công tác có nhiệm vụ tổ chức rà soát, tổng hợp và tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh chỉ đạo giải quyết, tháo gỡ đối với các nội dung thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh. Đồng thời đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền giải quyết đối với các nội dung vượt thẩm quyền".
Ngoài ra, tổ công tác cũng giúp UBND tỉnh Quảng Nam theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát quá trình giải quyết các khó khăn, vướng mắc thuộc thẩm quyền của các Sở, ngành và địa phương.
UBND tỉnh Quảng Nam giao Sở Kế hoạch và Đầu tư làm cơ quan thường trực của Tổ công tác chịu trách nhiệm định kỳ hằng quý có văn bản yêu cầu các đơn vị báo cáo các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp, nhà đầu tư, dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh để tổng hợp, tham mưu Tổ trưởng, Tổ phó trực chỉ đạo giải quyết kịp thời.
Theo báo cáo của Sở KHĐT Quảng Nam, tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) quý I/2023 trên địa bàn tỉnh giảm 10,9% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là mức tăng trưởng thấp thứ 2 so với 63 tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tính đến hết tháng 3/2023, tỉnh Quảng Nam chỉ cấp mới 4 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký gần 1.100 tỷ đồng, so với cùng kỳ năm 2022 giảm 8 dự án và giảm 2.200 tỷ đồng về vốn đăng ký. Đáng chú ý không có dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài được cấp phép trong quý I/2023.
Số doanh nghiệp được thành lập mới trong quý I/2023 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cũng giảm mạnh. Khi trong quý I chỉ có 281 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 11,3% so với cùng kỳ năm 2022, vốn điều lệ đăng ký hơn 1.639 tỷ đồng, giảm 27,3% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường là 620 doanh nghiệp, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó có 553 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, tăng 12,1%, 32 doanh nghiệp chờ giải thể, giảm 49,2%. Cùng với đó là 35 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, giảm 35,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Điều đáng quan tâm của doanh nghiệp và nhà đầu tư hiện nay đang đối mặt với muôn vàn khó khăn đó là giá vật tư tăng cao, lãi suất ngân hàng cũng như nguồn vốn vay chưa được tiếp cận đã khiến hàng loạt doanh nghiệp điêu đứng.
Có thể bạn quan tâm