Đẩy mạnh kinh tế biển vùng Trung bộ
Có lợi thế về biển, tuy nhiên các địa phương tại khu vực Trung bộ vẫn chưa thể tận dụng và phát huy hết tiềm năng khiến kinh tế biển vẫn còn bỏ ngõ.
>>Bắc Trung Bộ nhiều dư địa phát triển kinh tế biển
Theo Nghị quyết 36/NQ-TW, đến năm 2030 Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, Đến năm 2045, Việt Nam trở thành quốc gia biển mạnh, phát triển bền vững, thịnh vượng, an ninh, an toàn. Tại Nghị quyết nà cũng đã đưa ra 05 chủ trương lớn, 03 khâu đột khá và 07 nhóm giải pháp, theo đó phát triển kinh tế biển và ven biển, phát triển các vùng biển dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, dựa trên quy hoạch không gian biển, phát triển kinh tế biển bền vững ứng phó biến đổi khí hậu, đảm bảo an ninh quốc phòng, đối ngoại và hợp tác quốc tế được đặt lên ưu tiên hàng đầu.
Tuy nhiên, lợi thế để phát triển kinh tế biển tại các địa phương vùng Trung bộ vẫn chưa được tận dụng một cách hiệu quả. Trong đó, các vấn đề về phát triển các ngành công nghiệp ven biển, thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp, khu kinh tế ven biển, sử dụng tài nguyên biển đảo phục vụ phát triển kinh tế xã hội, liên kết logiscits trong phát triển kinh tế biển,... vẫn được triển khai theo đúng quy mô.
Đại diện cho khu vực, bà Ngô Thị Kim Yến, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng thông tin địa phương có 6/8 quận, huyện với 80% dân số của thành phố tiếp giáp với biển với hơn 92 km bờ biển. Theo bà Yến, Đà Nẵng đã xác định được vị trí và tầm quan trọng nên địa phương đã ban hành nhiều chính sách để phát triển kinh tế biển nhanh, hiệu quả và bền vững.
“Tuy nhiên, việc phát triển kinh tế biển hiện nay còn nhiều vấn đề đặt ra như xung đột về lợi ích giữa kinh tế - xã hội và môi trường, giữa việc khai thác sử dụng tài nguyên và cạn kiệt nguồn tài nguyên, giữa các ngành, giữa các địa phương với phát triển bền vững, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên và sự đa dạng sinh học, việc khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định,...”, bà Yến nói.
Theo PGS.TS Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng việc phát triển các khu kinh tế ven biển đã có hành lang pháp luật để cụ thể hóa nhưng mức độ phát triển vẫn phụ thuộc vào nỗ lực của các cấp chính quyền địa phương. Ông Bùi Quang Bình dẫn chứng tại Khu kinh tế mở Chu Lai (Quảng Nam) từ một vùng đất cát hoang vắng đã trở thành tổ hợp - cụm ngành phát triển cốt lõi với công nghiệp ô tô, công nghiệp phụ trợ ô tô, trung tâm logistics gắn với cảng biển Kỳ Hà, sân bay Chu Lai cùng Trung tâm nông nghiệp công nghệ cao, dệt may và điện khí và hóa dầu,...
“Cần có quy hoạch các khu kinh tế ven biển theo hướng tích hợp với quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch các khu kinh tế ven biển, quy hoạch vùng vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải Trung Bộ và quy hoạch tỉnh, nơi có khu kinh tế ven biển. Cuối cùng là tập trung nguồn lực đầu tư phát triển, trong đó đầu tư Nhà nước có vai trò “đầu tư mồi” đề huy động đầu tư tư nhân”, ông Bình đề xuất.
Về vấn đề phát triển kinh tế biển, PGS.TS Trần Thị Lan Hương, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam cho rằng khu vực duyên hải Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ có điều kiện để khai thác phát triển theo hướng tổng hợp và bền vững. Theo nhận định của chuyên gia này, khu vực đã tập trung nhiều khu kinh tế ven biển quan trọng, có khả năng kết nối phát triển kinh tế giữa các vùng biển của Việt Nam và các trung tâm phát triển kinh tế năng động của khu vực và thế giới.
“Tuy nhiên, quy mô phát triển kinh tế biển ở nhiều địa phương còn nhỏ, các khu công nghiệp ven biển chưa lấp đầy diện tích được quy hoạch. Cùng với đó là đóng góp của kinh tế biển trong GDP của tỉnh còn thấp, liên kết phát triển còn yếu và nhiều địa phương thay vì liên kết lại có xu hướng cạnh tranh xung đột nhau”, PGS. TS Trần Thị Lan Hương nhận định.
Cũng theo vị này, khu vực Trung Bộ vẫn còn nhiều nút thắt về nhân lực, công nghệ và cơ sở hạ tầng, đầu tư khoa học và công nghệ cho phát triển kinh tế biển vẫn còn chưa được chú trọng đúng mức. Vì vậy, các địa phương cần thể hiện rõ sự quan tâm đến việc thu hút đầu tư để phát huy tối đa lợi thế của mình.
Cùng quan điểm, TS. Phan Thị Sông Thương, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ nhìn nhận chính sách thu hút đầu tư không nên chung cho các ngành, lĩnh vực mà cần có sự đột phá để khuyến khích các doanh nghiệp tham gia vào các dự án phát triển hạ tầng cảng biển. Theo TS. Thương, các địa phương cần tăng cường năng lực cạnh tranh dịch vụ logistics của vùng thông qua việc xây dựng các chương trình liên kết phát triển các ngành, lĩnh vực quan trọng.
“Cần có chính sách ưu tiên, thu hút đầu tư vào cơ sở hạ tầng logistics như nâng cấp và xây dựng mới cảng biển, cảng hàng không và một số trung tâm logistics và kho bãi, kết nối giao thông. Các địa phương trong Vùng cần có sự phân công nhiệm vụ, liên kết đẩy mạnh hoạt động R&D (mỗi tỉnh nghiên cứu một hay vài lĩnh vực mà địa phương mình có thế mạnh) và ứng dụng KH&CN phục vụ phát triển mạnh mẽ các lĩnh vực kinh tế - xã hội. Tăng cường khả năng hợp tác, liên kết các hoạt động logistics giữa các doanh nghiệp trong khu vực. Việc hợp tác liên kết được coi là giải pháp cho các doanh nghiệp logistics nội địa trong Vùng trước sự cạnh tranh của các doanh nghiệp nước ngoài”, TS. Phan Thị Sông Thương kiến nghị.
Có thể bạn quan tâm