Nam Định định hướng đến năm 2030, vùng kinh tế ven biển là cực tăng trưởng phía Nam của tỉnh, đóng góp quan trọng để hoàn thành mục tiêu là địa phương phát triển khá của cả nước.
>>>Vị trí chiến lược của kinh tế biển
>>>Bắc Trung Bộ nhiều dư địa phát triển kinh tế biển
Vùng ven biển tỉnh Nam Định gồm 3 huyện: Nghĩa Hưng, Giao Thủy và Hải Hậu. Tổng diện tích đất tự nhiên khoảng 724 km2, bằng 43% diện tích toàn tỉnh; dân số hơn 606.000 người, khoảng 34% dân số toàn tỉnh.
Giao thông đi trước
Để đạt được mục tiêu đề ra, việc thu hút các nhà đầu tư và các dự án lớn là định hướng được tỉnh Nam Định tập trung triển khai. Tháng 02/2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo tỉnh Nam Định về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội. Tại buổi làm việc, Thủ tướng yêu cầu Nam Định đẩy mạnh khai thác tiềm năng, thế mạnh vùng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực, có bước phát triển nhanh, bền vững, trong đó ưu tiên thu hút đầu tư và phát triển các ngành công nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường. Tập trung mở rộng không gian du lịch, phát triển lĩnh vực du lịch, dịch vụ, làng nghề.
Đồng thời, Tỉnh phải đa dạng hóa nguồn lực, ưu tiên bố trí đầu tư cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, đặc biệt là hệ thống giao thông liên kết vùng như đường cao tốc Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, nghiên cứu đầu tư nâng cấp cao tốc Nam Định (Nam Định) - Phủ Lý (Hà Nam)…
Về phát triển hạ tầng giao thông Nam Định đã hoàn thành hoặc đang triển khai như: Tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, cầu Thịnh Long, tuyến đường bộ ven biển đoạn qua tỉnh, tuyến đường bộ mới Nam Định - Lạc Quần - Đường bộ ven biển; Khu công nghiệp Dệt may Rạng Đông... Ngoài ra, còn có dự án lớn của Bộ GTVT đang triển khai trên địa bàn tỉnh như Cụm công trình nối sông Đáy - sông Ninh Cơ, cầu qua sông Đáy, đường cao tốc nối Ninh Bình - Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng. Trước đó, Bộ GTVT đã hoàn thành tiểu hợp phần cải tạo cửa sông Ninh Cơ thuộc Dự án phát triển GTVT khu vực đồng bằng Bắc Bộ.
Nhờ sự đi trước hạ tầng giao thông, hướng phát triển kinh tế ra biển đang được Nam Định đẩy mạnh. Điểm nhấn là Khu công nghiệp Ninh Cơ đã được Thủ tướng đồng ý bổ sung vào Quy hoạch phát triển các KKT ven biển Việt Nam đến năm 2020 với tổng diện tích khoảng 13.950 ha nằm trên địa bàn 2 huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu. Đây là KKT được định hướng xây dựng, phát triển thành trung tâm lớn trong giao thương quốc tế về công nghiệp, thương mại, du lịch và cảng biển của vùng Nam đồng bằng sông Hồng; đồng thời tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội của các huyện Nghĩa Hưng, Hải Hậu.
Tháng 6/2022, Nam Định có văn bản đề xuất với Bộ GTVT cho bổ sung cảng biển chuyên dùng Xuân Thiện Nam Định tại khu vực bờ biển huyện Nghĩa Hưng, có vị trí không gian từ cửa Lạch Giang đến cửa Đáy vào quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển phía Bắc thời kỳ 2021-2030; Cục Hàng hải Việt Nam đánh giá đề xuất về quy mô bến cảng là cơ bản phù hợp với nhu cầu nhập nguyên vật liệu và xuất sản phẩm phục vụ các cơ sở công nghiệp. Ngày 21-2-2023, Bộ GTVT đã chấp thuận bổ sung Quy hoạch 1 bến cảng hàng lỏng tại thị trấn Thịnh Long (Hải Hậu) vào Quy hoạch chi tiết Nhóm cảng biển số 1...
Và những dự án “khủng”
>>>Khu Kinh tế Dung Quất: Trung tâm kinh tế biển năng động
>>>Đột phá kinh tế biển vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ
Theo ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định, Kế hoạch số 63/KH-UBND ngày 22/7/2020 của UBND tỉnh triển khai Đề án hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển của tỉnh đến năm 2030 đều xác định cụ thể và thống nhất mục tiêu tập trung xây dựng vùng kinh tế biển trở thành vùng kinh tế động lực phía nam của tỉnh, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội.
Các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế biển của tỉnh thời gian qua đều xác định rõ các nhiệm vụ phải thực hiện, trong đó tập trung phát triển kết cấu hạ tầng trọng điểm và phát triển các ngành kinh tế biển là những nhóm nhiệm vụ được ưu tiên thực hiện. Việc phát triển kết cấu hạ tầng không chỉ định hình rõ nét vùng kinh tế biển mà còn tạo nền tảng thuận lợi để thu hút, thúc đẩy các doanh nghiệp đầu tư phát triển kinh tế biển.
Vì vậy tỉnh ưu tiên đầu tư 3 nhóm công trình kết cấu hạ tầng trọng điểm gồm: xây dựng không gian phát triển kinh tế biển của tỉnh, hạ tầng giao thông; hệ thống đê điều, thủy lợi đảm bảo chống chịu thiên tai, thoát lũ, phòng chống biển xâm thực, xói lở bờ biển. Nhiệm vụ phát triển các ngành kinh tế biển được chú trọng phát triển 4 nhóm ngành gồm: du lịch biển; kinh tế hàng hải; nông nghiệp, nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển - ông Nghị nhấn mạnh.
Hạ tầng giao thông là “chim mồi” để Nam Định thu hút được nhiều nhà đầu tư chiến lược vào đầu tư các dự án sản xuất, kinh doanh tại vùng kinh tế biển. Điển hình là Tập đoàn Xuân Thiện đang triển khai đầu tư Tổ hợp dự án Thép Xanh với tổng vốn đăng ký đầu tư 3 tỷ USD tại huyện Nghĩa Hưng. Hoặc Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư phát triển Trường An đầu tư dự án Tổng kho xăng dầu quy mô 79 nghìn m3 tại huyện Hải Hậu. Đặc biệt, huyện Giao Thủy đã bứt phá, trở thành điểm sáng trong thu hút đầu tư của tỉnh với nhiều nhà đầu tư có tiềm năng, thế mạnh cả về nguồn lực, công nghệ về tìm hiểu cơ hội đầu tư tại các lĩnh vực xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu, cụm công nghiệp, du lịch ven sông Hồng, du lịch sinh thái Vườn Quốc gia Xuân Thủy, du lịch nghỉ dưỡng Giao Phong, du lịch tắm biển Quất Lâm.
Đáng chú ý, Công ty Cổ phần Tập đoàn đầu tư phát triển Trường An đang đề xuất, nghiên cứu đầu tư khu du lịch, vui chơi, nghỉ dưỡng khu vực Quất Lâm, quy mô trên 1.000ha, với tổng mức đầu tư dự kiến trên 50 nghìn tỷ đồng...
Nam Định đã định hướng chi tiết phương án bố trí sử dụng các không gian biển. Trong đó, tại khu vực sử dụng không gian biển cho khu vực cảng biển, hạ tầng giao thông biển và logistics, tỉnh dự kiến xây dựng cảng biển tại vùng biển huyện Nghĩa Hưng có thể trở thành cảng trung chuyển quốc tế; đầu tư xây dựng cảng sông Đáy để đáp ứng nhu cầu vận chuyển hàng hóa nội địa vùng Nam đồng bằng sông Hồng và các tỉnh lân cận; phát triển, nâng cấp cảng biển Thịnh Long (Hải Hậu) để có khả năng tiếp nhận các tàu trọng tải lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển dịch vụ vận tải biển; đề xuất xây dựng cảng biển nước sâu đảm bảo tiêu chuẩn cảng loại I, có thể tiếp nhận tàu 200 nghìn - 300 nghìn DWT.
Xây dựng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão tại cửa Hà Lạn kết hợp với bến cá Hà Lạn, mở rộng nâng cấp các điểm neo đậu tầu thuyền, phà, các bến đò ngang hiện có; xây dựng các bến bốc xếp hàng hoá: bến Giao Thiện, Ngô Đồng, Hồng Thuận công suất 100-200 nghìn tấn/năm…; xây dựng hệ thống GTVT đồng bộ, hiện đại, tạo thành mạng lưới giao thông kết nối thuận lợi trong và ngoài tỉnh, với các trục giao thông trọng điểm quốc gia; hoàn chỉnh hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ giao nhận vận chuyển (kho ngoại quan, logistics) gắn với hệ thống cảng biển, các điểm giao dịch thu mua sản phẩm của nông dân.
Xây dựng hệ thống phân phối hiện đại gồm các trung tâm thương mại, dịch vụ tổng hợp, tài chính, ngân hàng, siêu thị, trung tâm vận chuyển, giao nhận hàng hóa, chợ đầu mối đến các chợ dân sinh trên toàn địa bàn hai huyện từ đô thị tới các điểm dân cư nông thôn trên địa bàn.
Đến nay, kinh tế biển, các vùng ven biển của Nam Định đóng góp trên 25% giá trị tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh; bình quân thu nhập của người dân ven biển bằng mức bình quân chung của cả tỉnh. Các địa phương vùng ven biển đi đầu trong phong trào xây dựng nông thôn mới, đóng góp quan trọng vào thành tích xây dựng nông thôn mới của tỉnh.
Có thể bạn quan tâm