Sở hữu chiều dài đường biển dài với luồng đường thủy nội địa gần 800km, hơn 130 bến cảng thủy nội địa, Quảng Ninh có nhiều lợi thế phát triển mạnh kinh tế biển, dịch vụ cảng biển theo hướng bền vững.
>>>Quảng Ninh gắn chuyển đổi số với với cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
>>>Quảng Ninh: Ra quân vệ sinh môi trường trên Vịnh Hạ Long
Đề xuất ban hành nghị quyết mới
Trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh đang dần hình thành là một trung tâm kinh tế biển mạnh, nòng cốt là các hoạt động cảng, dịch vụ và công nghiệp ven biển, phát triển các khu thương mại gắn với vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ.
Đặc biệt, giai đoạn 2019-2022, với việc thực hiện Nghị quyết 15-NQ/TU gắn với Chương trình số 27-Ctr/TU của BCH Đảng bộ tỉnh về thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, định hướng chiến lược về phát triển kinh tế biển của Quảng Ninh đã cơ bản phát triển toàn diện, từng bước được định hình rõ nét.
Các ngành kinh tế biển và ven biển như du lịch, dịch vụ biển, kinh tế hàng hải đạt nhiều kết quả tích cực. Trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh cũng từng bước hình thành KKT, KCN ven biển. Công nghiệp ven biển phát triển theo hướng bền vững. Ngành thủy sản phát triển toàn diện cả về nuôi trồng, khai thác và chế biến...
>>>PCI 2022: Quảng Ninh tiếp tục đứng đầu với 72,95 điểm
Ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Những năm gần đây, Quảng Ninh còn được biết đến là một trong những địa phương dẫn đầu về tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, đặc biệt là hạ tầng giao thông chiến lược, hạ tầng công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng logistics, hạ tầng các KCN, KKT, hạ tầng đô thị, du lịch, dịch vụ đồng bộ, hiện đại bảo đảm tính liên thông, tổng thể”.
Thực tế, Quảng Ninh là địa phương mang “tính biển” rõ nét với 250km đường bờ biển, vùng lãnh hải rộng lớn với hơn 6.000km2 và trên 2.000 đảo lớn, nhỏ. Địa phương này hiện có 6 cụm cảng đi kèm với sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ sau cảng được Chính phủ phê duyệt danh mục phân loại thuộc nhóm I. Đây là đòn bẩy để Quảng Ninh có thể phát triển mạnh kinh tế biển, dịch vụ cảng biển.
Tuy nhiên, đến nay, phát triển kinh tế biển chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của tỉnh, đặc biệt trong lĩnh vực logistics, cảng biển, phát triển du lịch biển đảo và nuôi trồng hải sản. Một số ngành kinh tế biển như du lịch và dịch vụ cảng biển; kinh tế hàng hải; nuôi trồng và khai thác hải sản; công nghiệp ven biển… phát triển còn nhiều hạn chế.
Tại cuộc họp nghe và cho ý kiến về kết quả 3 năm thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 23/4/2019 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển trên địa bàn tỉnh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 mới đây, Ban Thường vụ Tỉnh ủy thống nhất báo cáo Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh xem xét ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 15.
Để trở thành trung tâm kinh tế biển bền vững
Việc đề xuất xem xét ban hành nghị quyết mới thay thế Nghị quyết 15 được địa phương này xác định nhằm mục hướng đến phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh; xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước, cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước.
Đồng thời xây dựng Quảng Ninh thành một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực, tăng khả năng liên kết không gian kinh tế ven bờ, biển và đảo, tạo động lực phát triển cho vùng Đông Bắc và cả nước. Phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển theo công nghệ cao, hiệu quả, bền vững để tạo giá trị gia tăng của sản phẩm biển, góp phần tiết kiệm tài nguyên biển; quy hoạch không gian ven biển, ven bờ cho phát triển du lịch bền vững kết hợp phát triển các lĩnh vực kinh tế - dịch vụ dựa vào bảo tồn biển là thế mạnh vượt trội ở Quảng Ninh…
Theo Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Ninh, trong quá trình chuẩn bị nghị quyết mới thay thế cho Nghị quyết 15, phải xác định các khâu đột phá cho phát triển bền vững kinh tế biển gồm: Du lịch biển gắn với kinh tế biển; động lực từ các KCN, KKT và khu đô thị biển trên cơ sở lợi thế hạ tầng kết nối đồng bộ; ngành năng lượng tái tạo và ngành kinh tế biển mới. Đồng thời, cần lưu ý đến những yếu tố mới liên quan đến việc kết nối chặt chẽ giữa hệ thống cảng biển với hệ thống cảng, bến thủy nội địa...
Thực tế, kinh tế biển được coi là một động lực tăng trưởng, là cơ hội để tỉnh Quảng Ninh bứt phá vươn lên. Đặc biệt mới đây, Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ "Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050" sẽ tiếp tục là lực đẩy để kinh tế biển Quảng Ninh phát triển bứt phá. Bởi trong định hướng quy hoạch đã xác định xây dựng, phát triển Quảng Ninh trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế; đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, các âu tàu du lịch đẳng cấp quốc tế gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu đô thị biển - ven biển cận kề và là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước.
Đồng thời xây dựng Quảng Ninh thành một trong những cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực; tăng khả năng liên kết không gian kinh tế ven bờ, biển và đảo, tạo động lực phát triển cho vùng Đông Bắc và cả nước.
Cùng với đó, tiếp tục đầu tư phát triển khai thác và nuôi trồng thủy sản ven biển và trên biển (nuôi biển) công nghệ cao, hiệu quả và bền vững; khuyến khích nuôi các đối tượng làm dược liệu biển và thực phẩm dinh dưỡng từ sản phẩm biển; ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong chế biến sâu, bảo quản sau thu hoạch... để tạo giá trị gia tăng của sản phẩm biển. Quy hoạch không gian ven biển, ven bờ (ven đảo lớn) cho phát triển du lịch bền vững kết hợp phát triển các lĩnh vực kinh tế - dịch vụ dựa vào bảo tồn biển là thế mạnh vượt trội ở Quảng Ninh.
Ông Nguyễn Xuân Ký – Bí thư tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Quảng Ninh là địa phương đầu tiên của Vùng đồng bằng sông Hồng đã hoàn thành công tác lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 80/QĐ-TTg). Xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của Nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước…”.
Trong giai đoạn 2011-2021, tỷ trọng bình quân giá trị gia tăng của các ngành kinh tế biển của Quảng Ninh chiếm khoảng 20%, một con số khá cao so với mục tiêu của cả nước đến năm 2030 theo Nghị quyết 36-NQ/TW là 10%. Riêng giai đoạn 2019-2021, tỷ trọng này là 17,22%. Tốc độ tăng trưởng bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2020 của các ngành kinh tế biển của Quảng Ninh khá cao, khoảng 8,6%, xấp xỉ mức tăng trưởng bình quân chung của toàn tỉnh và có xu hướng vận động gần giống nhau. Tổng thu ngân sách của 9 địa phương ven biển giai đoạn 2019-2022 là 128.969 tỷ đồng, chiếm 84,9% tổng thu nội địa toàn tỉnh và có xu hướng tăng qua các năm. Thu ngân sách của các ngành kinh tế biển theo Nghị quyết 36-NQ/TW trong giai đoạn 2019-2022 là 42.050 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 15,62%. |
Có thể bạn quan tâm