Cảng biển và logistics: Một trong 4 trụ cột mới của Bà Rịa-Vũng Tàu

THU DUYÊN 01/06/2023 11:37

Theo đó, Công nghiệp; Cảng biển và logistics; Du lịch và đô thị; Dịch vụ được tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xác định là 4 trụ cột phát triển trong giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

>>>Bà Rịa -Vũng Tàu: Bất cập bùn thải đang bị xem là khoáng sản tại cảng Cái Mép

Xác định lại 4 trụ cột kinh tế phát triển

Tại Kỳ họp thứ 13 (Kỳ họp chuyên đề) của HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã thống nhất thông qua dự thảo Nghị quyết Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050.

Theo đó, Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được lập theo mục tiêu phát triển tỉnh theo mô hình “3 trục động lực - 4 vùng chức năng - 4 trụ cột phát triển”. Trong đó, 4 trụ cột phát triển của tỉnh trong giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2050, gồm: Công nghiệp, cảng biển và logistics; Du lịch và đô thị; Dịch vụ. So với hiện nay, lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao không được coi là trụ cột kinh tế của tỉnh trong tương lai.

fhj

Kỳ họp thứ 13 (Kỳ họp chuyên đề) của HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã xác định lại 4 trụ cột kinh tế phát triển

Không gian các hoạt động kinh tế-xã hội được tổ chức theo 4 vùng chức năng gồm ba vùng lãnh thổ trên đất liền và một vùng biển-hải đảo; hình thành ba trục kinh tế động lực. Đó là, vùng chức năng công nghiệp-cảng biển với trục động lực phát triển dọc sông Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và Quốc lộ 51; vùng chức năng du lịch và đô thị biển với trục động lực kinh tế du lịch ven biển dọc đường tỉnh ĐT994 và đường nối vào cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu; vùng chức năng nông nghiệp và cân bằng sinh thái nằm ở khu vực phía Bắc và Đông Bắc của tỉnh; vùng biển và hải đảo bao gồm vùng không gian biển do tỉnh quản lý và hải đảo.

Xây dựng Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển toàn diện, trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của vùng Đông Nam Bộ, là trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tể biển hàng đầu của cả nước. Duy trì vùng chắc vị trí trong nhóm 10 địa phương có quy mô GRDP và tổng thu ngân sách nhà nước cao nhất cả nước. Đồng thời hạ tầng giao thông kết nối đa phương thức gồm, đường bộ, hàng hải, đường thủy, hàng không và đường sắt. Đến năm 2030, GRDP bình quân khoảng 18.000-18.500 USD người/năm.

Bà Rịa-Vũng Tàu đã thông qua chủ trương đầu tư gần 12.000 tỷ đồng xây dựng tuyến đường kết nối với cao tốc Biên Hòa-Vũng Tàu:  đoạn từ Quốc lộ 56 đến Vũng Vằn với chiều dài gần 6,8 km, tổng kinh phí hơn 6.700 tỷ đồng;  đoạn từ Vũng Vằn đến đường DT994 với chiều dài gần 6,9 km, tổng kinh phí gần 5.200 tỷ đồng. Ngoài ra, kỳ họp cũng thông qua nội dung sẽ khởi công 2 dự án giao thông với tổng mức đầu tư hơn 2.292,5 tỷ đồng trong năm 2023 gồm: xây dựng mới cầu Cửa Lấp 2 và nâng cấp mở rộng đoạn từ ngã ba Lò Vôi đến Khu du lịch Thùy Dương; nâng cấp mở rộng tỉnh lộ 994 đoạn từ khu du lịch Trung Thủy đến Quốc lộ 55.

>>>Bà Rịa – Vũng Tàu: Lần đầu tiên Việt Nam đón siêu tàu container lớn nhất thế giới

Đưa dịch vụ logistics phát triển xứng tầm

Theo quy hoạch, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ hoàn thành các tuyến giao thông kết nối tỉnh với vùng Đông Nam Bộ, thúc đẩy liên kết vùng; hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, thành lập khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ, thu hút nhà đầu tư chiến lược và thiết kế hệ sinh thái hoàn chỉnh, đồng bộ, áp dụng các chuẩn mực hàng đầu quốc tế...

Hiện tỉnh có 57 bến cảng được quy hoạch, trong đó đã đưa vào khai thác 28 bến cảng với tổng vốn đầu tư khoảng 2 tỷ USD và tổng chiều dài cầu bến 11,6km. Riêng khu vực Cái Mép-Thị Vải có 35 bến cảng, hiện đã đưa vào khai thác 17 bến cảng. Cùng với phát triển cảng biển, ngành dịch vụ hậu cần cảng đang từng bước hình thành hệ sinh thái logistics, kết nối Bà Rịa-Vũng Tàu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.

gj

Cảng biển và logistics được xác định là một trong 4 trụ cột mới của Bà Rịa-Vũng Tàu

Để chuẩn bị sẵn sàng cho việc hình thành khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, trong thời gian vừa qua tỉnh đã chủ động cập nhật chủ trương phát triển khu thương mại tự do vào Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức lập quy hoạch Trung tâm logistic Cái Mép Hạ với diện tích 1.686,73ha, lập Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án để trình cấp có thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư.

Bà Rịa-Vũng Tàu định hướng tập trung phát triển các trung tâm logistics trên hành lang kinh tế ven biển; phát triển các trung tâm logistics phục vụ trung chuyển hàng hóa giữa địa phương với các tỉnh, thành khác ở khu vực phía Nam, trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua các cảng biển. Đồng thời phát triển khu mậu dịch tự do Cái Mép - Thị Vải để tạo điều kiện thu hút các tập đoàn kinh tế toàn cầu dịch chuyển các chuỗi cung ứng toàn cầu về khu vực này; thành lập trung tâm phân phối hàng hóa kết nối sân bay Long Thành và cảng Cái Mép - Thị Vải nhằm kết hợp vận tải đa phương thức. Cùng với đó, tỉnh chủ trương nghiên cứu hình thành khu thương mại sau cảng, quy hoạch các khu chức năng gồm: khu phi thuế quan, kho bãi; trung tâm phân phối; trung tâm kiểm tra chuyên ngành để phát huy vai trò cảng đầu mối trung chuyển quốc tế, tạo động lực thúc đẩy Bà Rịa - Vũng Tàu trở thành trung tâm logistics và trung chuyển của khu vực.

Có thể bạn quan tâm

  • Bà Rịa - Vũng Tàu lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

    Bà Rịa - Vũng Tàu lập tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

    16:50, 17/05/2023

  • Bà Rịa - Vũng Tàu: Nỗ lực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI

    Bà Rịa - Vũng Tàu: Nỗ lực cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI

    03:28, 14/04/2023

  • Bốn đột phá chiến lược đưa Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển

    Bốn đột phá chiến lược đưa Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển

    14:00, 16/02/2023

THU DUYÊN