Với 6 điểm nhấn trong phát triển, Bà Rịa - Vũng Tàu tập trung thực hiện 4 đột phá phát triển trong giai đoạn 2021 - 2030 hiện thực mục tiêu phát triển nhanh và bền vững.
>>>Vũng Tàu: Tập trung phát triển công nghiệp ven biển, kinh tế hàng hải
>>>Bà Rịa- Vũng Tàu: Khẩn trương xử lý sự cố vỡ hồ chứa chất thải tại suối Giao Kèo
Tại phiên họp thẩm định quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Chủ tịch Hội đồng thẩm định quy hoạch tỉnh Nguyễn Chí Dũng đánh giá, Bà Rịa – Vũng Tàu còn rất nhiều dư địa phát triển.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định: “Nếu chọn con đường đi đúng, chúng ta sẽ đi nhanh và bền vững; nếu chọn sai chúng ta sẽ lãng phí thời gian, nguồn lực và mất đi cơ hội cho phát triển của địa phương cũng như của cả vùng và đất nước”.
Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh phải đổi mới cách tiếp cận trong công tác lập quy hoạch, dựa trên tiềm năng, thế mạnh để tạo ra cơ hội, đồng thời phải chủ động kiến tạo phát triển nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Đánh giá Bà Rịa – Vũng Tàu là địa phương có nhiều tiềm năng phát triển nhờ vị trí địa lý tự nhiên, là cửa ngõ quốc tế ra biển của cả Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ với hệ thống cảng biển lớn bậc nhất của phía Nam song Bộ trưởng cho rằng kinh tế Bà Rịa – Vũng Tàu vẫn đang dựa chủ yếu vào dầu khí, chưa có các sản phẩm mới, ngành kinh tế mới…
Do vậy, để trở thành một cực tăng trưởng của vùng động lực phía Nam bên cạnh TP.HCM, Bình Dương và Đồng Nai, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng lưu ý trong quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bà Rịa – Vũng Tàu phải tìm được các giải pháp mới, giải pháp đột phá để mở ra các cơ hội mới, không gian mới cho phát triển.
“Trong đó, Bà Rịa – Vũng Tàu phải làm rõ phương án kết nối với sân bay Long Thành dự kiến được đưa vào hoạt động vào năm 2025 và phát triển mạnh du lịch Côn Đảo”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Chia sẻ về điểm nổi bật của Quy hoạch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bí thư tỉnh ủy Bà Rịa – Vũng Tàu Phạm Viết Thanh cho biết đã xác định được các định hướng, tư duy đột phá để phát triển tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xứng đáng là một cực tăng trưởng quan trọng của vùng và của cả nước.
>>>Vũng Tàu: Tập trung phát triển công nghiệp ven biển, kinh tế hàng hải
Với phương châm “Đột phá – Năng động – Sáng tạo – Bền vững”, Bà Rịa – Vũng Tàu chủ trương phát triển tỉnh trở thành cửa ngõ ra biển của vùng Đông Nam Bộ và của quốc gia, giai đoạn 2021-2030, tỉnh sẽ tập trung thực hiện 4 đột phá phát triển.
Cụ thể, thứ nhất, hoàn thành các tuyến giao thông kết nối vùng và liên vùng, phát triển mạnh mẽ hệ thống cảng biển để kết nối thuận lợi với quốc tế, bảo đảm cho Bà Rịa - Vũng Tàu thực sự trở thành cửa ngõ của vùng và của quốc gia. Phối hợp với Trung ương và các địa phương trong vùng hoàn thành các công trình kết cấu hạ tầng trọng yếu như Đường cao tốc Biên Hoà – Vũng Tàu, đường vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh, Cầu Phước An, Cảng hàng không Côn Đảo; thúc đẩy các thủ tục, triển khai đầu tư tuyến đường sắt Biên Hòa – Vũng Tàu.
6 điểm nhấn phát triển (1) hiện đại hóa cảng cửa ngõ quốc tế Cái Mép – Thị Vải thành cảng quốc tế trung chuyển lớn nhất cả nước; (2) hình thành khu thương mại tự do và trung tâm logistics Cái Mép Hạ; (3) phát triển thành phố Vũng Tàu trở thành trung tâm du lịch chất lượng cao, đẳng cấp quốc tế; (4) phát triển các tổ hợp công nghiệp - đô thị - dịch vụ quy mô lớn tại thành phố mới Phú Mỹ, thu hút đầu tư các dự án hoá dầu, hạ nguồn hoá dầu, điện - điện tử, sản xuất robot, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo…; (5) tiếp tục phát triển Côn Đảo hoàn thiện mô hình khu du lịch quốc gia, trở thành đô thị du lịch sinh thái biển đảo và (6) tạo lập môi trường sống an toàn, trong lành, có chất lượng cao; xã hội phát triển hài hoà với thiên nhiên, kinh tế phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, trung hoà cac-bon và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng “0”.
Thứ hai, hình thành trung tâm logistics cấp quốc gia, thành lập khu thương mại tự do tại Cái Mép Hạ, thu hút nhà đầu tư chiến lược và thiết kế hệ sinh thái hoàn chỉnh và đồng bộ, áp dụng các chuẩn mực hàng đầu quốc tế.
Thứ ba, hình thành các đô thị du lịch với hệ thống hạ tầng đồng bộ, hiện đại, môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng vượt trội; định vị Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng xứng tầm quốc tế.
Thứ tư, hình thành các khu công nghiệp công nghệ cao để thu hút các nhà đầu tư và nguồn nhân lực trong các ngành sản xuất tiên tiến, sử dụng công nghệ hiện đại.
Trên cơ sở phân vùng chức năng, Bà Rịa – Vũng Tàu sẽ tập trung phát triển theo 3 trục động lực. Cụ thể, trục động lực phát triển dọc sông Thị Vải gắn với hệ thống giao thông liên cảng và Quốc lộ 51: Tập trung phát triển hệ thống cảng biển loại đặc biệt quốc gia, trung tâm logistics cấp quốc gia, quốc tế và Khu thương mại tự do. Đầu tư các dự án công nghiệp trọng điểm quốc gia tại khu vực Long Sơn - Cái Mép; tiếp tục thu hút đầu tư lấp đầy các khu công nghiệp.
Trục động lực phát triển mới dọc cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu và đường Vành đai 4 thành phố Hồ Chí Minh: Phát triển một số tổ hợp công nghiệp - dịch vụ - đô thị quy mô lớn tại Hắc Dịch (Phú Mỹ), Cù Bị, Xà Bang, Bình Ba (huyện Châu Đức)). Thu hút đầu tư có chọn lọc các ngành công nghiệp có công nghệ cao, tiên tiến: điện - điện tử, sản xuất robot, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa, internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo; (v) sản xuất phương tiện vận tải; (vi) dược phẩm, chế phẩm sinh học…
Và trục thứ ba là trục động lực kinh tế du lịch ven biển, dọc đường Tỉnh lộ 994, trục kết nối cao tốc Biên Hoà - Vũng Tàu.
Tại hội nghị, đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các chuyên gia kinh tế của các Viện nghiên cứu cũng đã thảo luận, góp ý cho Quy hoạch, theo đó đề nghị bổ sung phân tích, đánh giá rõ hơn về thuận lợi, khó khăn về vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, biến đổi khí hậu, dân số, làm rõ lợi thế so sánh của tỉnh so với các địa phương trong vùng.
Các chuyên gia kinh tế cũng đề nghị phân tích sâu các yếu tố điều kiện tự nhiên, nhất là tài nguyên biển tác động đến kinh tế và quốc phòng an ninh biển; làm rõ vai trò đầu tàu trong thúc đẩy tính năng động và cải cách phát triển kinh tế của tỉnh đối với vùng; bổ sung phân tích khả năng cạnh tranh về phát triển cảng biển giữa tỉnh với TP. Hồ Chí Minh...
Có thể bạn quan tâm
03:32, 02/11/2022
00:24, 01/11/2022
10:05, 29/09/2022
20:00, 02/08/2022