Thái Bình: Bàn giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh
Thái Bình tiếp tục nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu; hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính, đầu tư; qua đó nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, thúc đẩy môi trường đầu tư tại địa phương.
>>>Thái Bình: Đẩy mạnh thu hút đầu tư FDI
>>>Để du lịch Thái Bình thật sự "cất cánh"
Phân tích các chỉ số
Với quỹ đất công nghiệp dồi dào cùng môi trường đầu tư, kinh doanh những năm gần đây không ngừng được cải thiện, Thái Bình hiện là điểm đến mới hấp dẫn, tiềm năng và thành công của các nhà đầu tư lớn trong nước, quốc tế.
Điều này cũng được khẳng định khi năm 2022, tỉnh Thái Bình đã vươn lên 19 bậc trong bảng xếp hạng chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh PCI do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố, khi đạt 65,78 điểm, đứng thứ 28/63 tỉnh, thành trong cả nước. Đây là số điểm cao nhất từ trước đến nay của địa phương này trong bảng xếp hạng PCI. Đặc biệt, Thái Bình đã được xếp vào top 30 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất trong PCI năm 2022.
Ngoài chỉ số PCI, năm 2022, chỉ số cải cách hành chính (PAR INDEX) của tỉnh đạt 84,12%, xếp thứ 43/63 tỉnh thành phố, tăng 7 bậc so với năm 2021; chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) của tỉnh Thái Bình cũng tăng 27 bậc so với năm 2021, khi đạt 83,13%, xếp thứ 13/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
>>>Thái Bình: Doanh nghiệp dệt may tìm cách vượt “bão”
Theo đại diện Công ty Cổ phần Green i-Park cho biết, trong quá trình triển khai thực hiện dự án KCN Liên Hà Thái, phía công ty luôn nhận được quan tâm, hỗ trợ rất lớn từ chính quyền địa phương, đặc biệt là trong công tác chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ GPMB. Chính vì thế đã góp phần quan trọng đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án.
Theo ông Nguyễn Khắc Thận - Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình cho biết, trong những năm qua, địa phương đã có nhiều sự quan tâm, chú trọng thực hiện các giải pháp nâng cao thứ hạng chỉ số PCI, PAR INDEX, bởi đây là 2 bộ chỉ số rất quan trọng nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế cũng như thu hút đầu tư vào tỉnh. Trong đó, thành lập và đi vào hoạt động Trung tâm Hỗ trợ, xúc tiến đầu tư và phát triển tỉnh Thái Bình đồng thời ra mắt Trang thông tin “Thái Bình đồng hành cùng doanh nghiệp” trên ứng dụng zalo; thực hiện đánh giá năng lực cạnh tranh cấp sở, ban, ngành và địa phương (DDCI). Năm 2022, chỉ số PCI và PAR INDEX của tỉnh có nhiều cải thiện tích cực. Bên cạnh các chỉ số thành phần tăng cao cũng còn 1 số hạn chế cần khắc phục.
Theo đó, trong 10 chỉ số thành phần PCI, Thái Bình có 6/10 chỉ số tăng điểm, tăng thứ hạng gồm: Gia nhập thị trường; Tiếp cận đất đai; Chi phí không chính thức; Tính năng động tiên phong của chính quyền; Đào tạo lao động; Thiết chế pháp lý và an ninh trật tự. Đáng chú ý, có một số chỉ số thành phần đạt thứ hạng cao như: thiết chế pháp lý đạt 8,5 điểm, xếp thứ 2 toàn quốc; tính năng động đạt 7,2 điểm, xếp thứ 14 toàn quốc; đào tạo lao động đạt 6,29 điểm, xếp thứ 14 toàn quốc. Bên cạnh các chỉ số thành phần tăng điểm, Thái Bình còn 2 chỉ số giảm điểm, giảm thứ hạng gồm: tính minh bạch, cạnh tranh bình đẳng.
Theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết, từ năm 2021, UBND tỉnh Thái Bình đã giao cho phía hiệp hội phối hợp với đơn vị tư vấn triển khai bộ chỉ số DDCI. Trong năm 2021, bộ chỉ số này có tính chất tham khảo, nhưng năm 2022, sau khi triển khai xong bộ chỉ số đánh giá, UBND tỉnh Thái Bình đã công bố công khai tại hội nghị tổng kết, đánh giá kế hoạch thực hiện. Điều này đã thể hiện quan điểm của tỉnh Thái Bình là minh bạch, nhìn thẳng vào sự thật. Trên cơ sở đó, các huyện, thành phố và các sở, ngành sẽ có căn cứ để cải thiện những chỉ số thành phần còn thấp. Tuy nhiên, vẫn còn có một số địa phương, sở, ngành chưa quan tâm lắm. Điều này dẫn đến một số chỉ số thành phần trong bộ chỉ số PCI năm 2022 còn thấp.
Cũng theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết, khi doanh nghiệp đến giao dịch với sở, ngành trên địa bàn tỉnh thì vẫn còn tồn tại tình trạng các đơn vị này đùn đẩy trách nhiệm, hoặc hứa hẹn, làm cho doanh nghiệp mong ngóng, chờ đợi có khi đến hằng năm.
Gợi mở một số giải pháp
Tỉnh Thái Bình đặt mục tiêu phấn đấu mỗi năm tăng từ 3 đến 5 bậc, đến năm 2025 đứng trong nhóm từ thứ 15 - 20 trong bảng xếp hạng PCI của cả nước. Để đạt được mục tiêu này, theo ông Nguyễn Khắc Thận cho biết, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cần nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các thành phần trong bộ chỉ số PCI, PAR INDEX; tăng cường cải cách hành chính bằng những việc làm cụ thể; tiếp tục công khai, minh bạch và tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp về thủ tục hành chính, thủ tục đầu tư, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Cũng theo ông Thận, các sở, ban, ngành, các huyện, thành phố cần tích cực thực hiện chống tham nhũng, tiêu cực trong giải quyết các thủ tục và các chi phí không chính thức; đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường đầu tư thông thoáng công khai minh bạch giúp các nhà đầu tư trong và ngoài nước yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh.
Đồng thời, đề nghị Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, đơn vị tư vấn tiếp tục triển khai đánh giá DDCI năm 2023 bảo đảm khách quan, minh bạch; Sở Nội vụ giám sát quá trình triển khai đánh giá DDCI năm 2023. Đối với sở, ngành, huyện, thành phố có thành tích cao trong bảng xếp hạng DDCI cần có cơ chế khen thưởng.
Được biết, tỉnh Thái Bình hiện đã và đang tập trung rà soát, sửa đổi, xây dựng mới các cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội; siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực về đất đai, tài chính, lao động và nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến đầu tư; đưa vào hoạt động Đồng thời, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế thông qua bộ công cụ chỉ số DDCI.
Cụ thể, việc triển khai khảo sát bộ chỉ số DDCI năm 2023 được thực hiện với quy mô khảo sát là 3.000 doanh nghiệp, HTX, hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh có phát sinh và tiếp xúc dịch vụ hành chính công với các sở, ngành, huyện, thành phố tính từ ngày 1/7/2022 đến ngày 30/6/2023. Trong đó, phấn đấu truyền thông, tập huấn, tổ chức triển khai khảo sát hoàn thành trước ngày 15/8; phân tích số liệu, xây dựng báo cáo trình UBND tỉnh hoàn thành trước ngày 15/9 và tổ chức hội nghị công bố kết quả xếp hạng DDCI hoàn thành trước ngày 30/9.
Theo ông Vũ Mạnh Hoàn - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thái Bình cho biết, việc triển khai khảo sát bộ chỉ số DDCI sẽ được thực hiện trên ứng dụng phần mềm điện tử và nền tảng internet. Qua đó, tạo minh bạch, chính xác và tạo niềm tin cho doanh nghiệp khi luôn có các cấp chính quyền đồng hành.
Còn theo đại diện Trung tâm Hỗ trợ, Xúc tiến đầu tư và Phát triển tỉnh Thái Bình, phía đơn vị sẽ làm tốt chức năng nhiệm vụ như thực hiện các nhiệm vụ về thu hút đầu tư, xúc tiến đầu tư nước ngoài với các thị trường truyền thống của tỉnh. Đồng thời, tập trung điều hành tốt nhóm hỗ trợ doanh nghiệp trên trang zalo, điều hành tốt văn phòng xúc tiến đầu tư Hàn Quốc…
Có thể bạn quan tâm