Hưng Yên: Khơi thông chính sách đón dòng vốn chất lượng
Với những chính sách ưu đãi, môi trường thông thoáng, minh bạch, Hưng Yên đang đón đầu xu hướng đầu tư của các nhà đầu tư lớn trong nước và thế giới đến đầu tư tại tỉnh.
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hưng Yên Trịnh Văn Diễn trả lời phỏng vấn Diễn đàn Doanh nghiệp.
- Thưa ông, “Gia nhập thị trường” và “Cạnh tranh bình đẳng” là những chỉ số thành phần quan trọng trong PCI. Ông đánh giá thế nào về những chỉ số này của tỉnh Hưng Yên năm qua?
Năm 2022, chỉ số “Gia nhập thị trường” tỉnh Hưng Yên đạt 6,49 điểm, xếp thứ 57/63 tỉnh thành. Chỉ số này bị chi phối bởi các hoạt động của Trung tâm phục vụ Hành chính công và Kiểm soát thủ tục hành chính tỉnh, Phòng Đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan Thuế; Sở Tài nguyên và Môi trường, Bảo hiểm xã hội, UBND cấp huyện…
Thực tế cho thấy, gánh nặng “hậu đăng ký doanh nghiệp” vẫn là vấn đề lớn khi còn nhiều doanh nghiệp ngoài thủ tục đăng ký thành lập, còn gặp khó khăn về thủ tục cấp phép phòng cháy chữa cháy, các loại giấy chứng nhận đủ điều kiện ngành nghề kinh doanh, phù hợp quy chuẩn kỹ thuật và các loại giấy phép khác.
Đối với chỉ số “Cạnh tranh bình đẳng”, năm 2022, tỉnh Hưng Yên đạt 6,69 điểm, xếp hạng 12 toàn quốc. Theo kết quả PCI, một số chỉ tiêu được đánh giá có sự cải thiện như: Việc tỉnh ưu ái cho doanh nghiệp lớn gây khó khăn cho các doanh nghiệp; Tỉnh ưu tiên giải quyết các khó khăn cho các doanh nghiệp lớn so với doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước; Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp lớn hơn là phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa trong nước. Điều đó cho thấy, chính quyền tỉnh đã có sự quan tâm khá đồng đều, không có sự thiên vị giữa các thành phần kinh tế. Khi có sự quan tâm công bằng thì các doanh nghiệp mới có thể tiếp cận, thụ hưởng các chính sách hỗ trợ một cách bình đẳng.
- Vậy giải pháp để nâng cao chỉ số này trong thời gian tới là gì, thưa ông?
Để đạt mục tiêu cải thiện điểm số của chỉ số “Gia nhập thị trường” năm 2023 trên 7,0 điểm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã triển khai nhiều giải pháp bao gồm: chủ động phối hợp với các sở, ngành nâng cao hiệu quả hỗ trợ doanh nghiệp, trực tiếp lắng nghe, sớm giải quyết khó khăn, vướng mắc khi có phản ánh. Đồng thời, tỉnh cắt giảm khoảng 30% thời gian thực hiện thủ tục hành chính cho doanh nghiệp, rút ngắn thời gian đăng ký thành lập doanh nghiệp xuống còn 2 ngày làm việc; hướng dẫn doanh nghiệp thực hiện dịch vụ công trực tuyến mức độ 4...
Đối với chỉ số Cạnh tranh bình đẳng, Hưng Yên đặt mục tiêu năm 2023 đạt trên 7,3 điểm. Do đó, tỉnh cần đẩy mạnh công tác công khai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quỹ đất của các huyện, thị xã, thành phố để các doanh nghiệp dễ dàng khai thác, nghiên cứu; công khai, minh bạch hoạt động đấu thầu tại các cơ quan, bảo đảm tính cạnh tranh công bằng, minh bạch; đẩy mạnh xây dựng chương trình chuyển đổi số nhằm phát triển chính quyền số.
- Hoạt động thu hút, xúc tiến đầu tư được Sở đổi mới, đẩy mạnh ra sao để Hưng Yên thực sự là điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư, thưa ông?
Hiện nay, Hưng Yên đang trở thành một trong những tỉnh thu hút đầu tư thuộc Top đầu của cả nước. Số lượng doanh nghiệp FDI và DDI đăng ký đầu tư tại tỉnh Hưng Yên liên tục tăng cao nhờ những chính sách ưu đãi đầu tư, môi trường kinh doanh cởi mở, thân thiện.
Để cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh để nâng cao năng lực cạnh tranh cho tỉnh trong thời gian tới, Sở KHĐT sẽ đẩy mạnh một trong những hoạt động sau:
Thứ nhất, phối hợp chặt chẽ với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan xúc tiến đầu tư của nước ngoài tại Việt Nam và các cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước ngoài, VCCI... để thiết lập quan hệ hợp tác hỗ trợ cho tỉnh trong việc tổ chức các hoạt động xúc tiến đầu tư nước ngoài và giới thiệu các dự án đầu tư vào Hưng Yên.
Thứ hai, đổi mới, nâng cao chất lượng công tác xúc tiến đầu tư theo hướng tăng cường quan hệ, tiếp xúc, vận động đầu tư có trọng điểm, xác định các quốc gia vùng lãnh thổ có tiềm lực, thế mạnh;
Thứ ba, tích cực tuyên truyền vận động, giới thiệu các dự án đầu tư trọng điểm, các dự án lớn; cung cấp thông tin chi tiết đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp; nắm sát tiến độ triển khai của các dự án và tạo điều kiện thủ tục để thúc đẩy đầu tư;
Thứ tư, tuyên truyền, quảng bá, giới thiệu tiềm năng, cơ hội, thế mạnh của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng;
Thứ năm, tổ chức triển khai có hiệu quả các hoạt động tư vấn, hỗ trợ đầu tư tạo môi trường thuận lợi và thủ tục nhanh gọn giúp các nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án đầu tư.
Thứ sáu, hằng năm tham mưu hỗ trợ UBND tỉnh tổ chức Hội nghị lãnh đạo tỉnh gặp mặt doanh nghiệp và đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt tình hình đầu tư, tháo gỡ khó khăn trong hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm