Ngành Tư pháp Hưng Yên: Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhanh, chính xác và hiệu quả

VŨ PHƯỜNG 05/06/2023 16:24

Nhiều năm qua, ngành Tư pháp tỉnh Hưng Yên đã triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, chú trọng xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, góp phần xây dựng môi trường kinh doanh minh bạch, lành mạnh.

Nhằm triển khai thực hiện hiệu quả Quyết định số 2136/QĐ-UBND ngày 07/9/2021 của UBND tỉnh về đẩy mạnh thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh tỉnh Hưng Yên giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030; ngày 23/9/2021 Sở Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1093/QĐ-STP về việc triển khai Quyết định số 2136/QĐ-UBND nêu trên, bằng nhiều giải pháp cụ thể; đồng thời tích cực phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương phấn đấu cải thiện chỉ số PCI của tỉnh đạt mục tiêu đã đề ra.

 Hội ghị triển khai công tác tư pháp năm 2023

Hội ghị triển khai công tác tư pháp năm 2023

Tạo điều kiện doanh nghiệp tiếp cận pháp lý

Theo ông Nguyễn Đình Chung - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên, Sở đã kịp thời ban hành và tổ chức thực hiện các chương trình, đề án, kế hoạch… theo chỉ đạo của Bộ Tư pháp, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh; trong đó chú trọng các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu về đẩy mạnh, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh của tỉnh, nhất là các Chỉ số thành phần thuộc nhiệm vụ của ngành Tư pháp.

Đối với Chỉ số về Tính minh bạch, Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan cập nhật kịp thời, đầy đủ, chính xác các văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) của tỉnh lên Cơ sở Dữ liệu quốc gia về văn bản QPPL, Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Trang thông tin điện tử của Sở Tư pháp.

Đồng thời, đôn đốc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh kịp thời cập nhật văn bản QPPL chuyên ngành lên Trang thông tin điện tử của từng sở, ngành để tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận, tìm hiểu khi có nhu cầu.

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai có hiệu quả việc kiểm tra, rà soát, hệ thống hóa văn bản QPPL; theo dõi tình hình thi hành pháp luật nhất là các lĩnh vực liên quan đến tổ chức và hoạt động của doanh nghiệp như: tài chính, thuế, phí, lệ phí, đất đai, đầu tư, cấp giấy phép, quy hoạch, xây dựng; công nghiệp; giao thông; lao động, việc làm… nhằm phát hiện những mâu thuẫn, chồng chéo hoặc những quy định không còn phù hợp với tình hình KT-XH để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành văn bản mới cho phù hợp.

Thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp; tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tiếp cận các tài liệu, dịch vụ công phục vụ cho hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh. Các công chức, viên chức của Sở thường xuyên nắm bắt các phản ánh, kiến nghị hoặc những khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp khi tiếp cận các nội dung trong chỉ tiêu thành phần tại các cơ quan, đơn vị, địa phương chủ trì, để kịp thời phối hợp với các đơn vị giải quyết hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Đối với chỉ tiêu Tiếp cận tài liệu pháp lý, Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh và các sở, ngành liên quan xây dựng Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành cho doanh nghiệp nhỏ và vừa giai đoạn 2021 - 2025, trình UBND tỉnh phê duyệt; trong đó chú trọng bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp nhằm nâng cao hiểu biết, ý thức tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp hỗ trợ doanh nghiệp phòng ngừa, giảm thiểu rủi ro pháp lý trong kinh doanh; tổ chức các hoạt động tư vấn pháp luật cho doanh nghiệp bằng nhiều hình thức phù hợp với quy định của pháp luật.

Tiếp tục đổi mới và hoàn thiện

Những nỗ lực của Sở Tư pháp đã góp phần đưa Chỉ số Thiết chế pháp lý và An ninh trật tự (năm 2022) của tỉnh Hưng Yên nằm trong Top 10 với 8,03 điểm (nhóm tốt). Ngành Tư pháp tỉnh xác định mục tiêu: Luôn đồng hành, cởi mở, hỗ trợ và phục vụ tích cực người dân - doanh nghiệp nhanh nhất, chính xác nhất, hiệu quả nhất.

Để cải thiện hiệu quả chỉ số Tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin, căn bản phải tăng cường nhận thức và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị về chỉ số PCI; đồng thời tổ chức triển khai thực hiện đúng nội dung, đảm bảo tiến độ, thời hạn và hiệu quả.

Trên cơ sở các kết quả đã đạt được, thời gian tới, Sở Tư pháp tỉnh Hưng Yên sẽ tiếp tục tham mưu, tập trung thực hiện các giải pháp, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh. Để tăng cường nhận thức và nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị, của công chức, viên chức về Chỉ số PCI, lãnh đạo Sở là những người gương mẫu, đề cao trách nhiệm, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, thực hành dân chủ và tuân thủ pháp luật, kỷ luật, kỷ cương hành chính. Qua đó, mỗi công chức, viên chức đều có thái độ phục vụ nhân dân, doanh nghiệp trên nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, đóng góp cho sự nghiệp phát triển toàn diện của tỉnh nhà.

Có thể bạn quan tâm

  • Hưng Yên tháo gỡ điểm nghẽn đất đai, đón bắt cơ hội mới

    Hưng Yên tháo gỡ điểm nghẽn đất đai, đón bắt cơ hội mới

    16:41, 29/09/2022

  • Dư địa nào cho Hưng Yên đột phá?

    Dư địa nào cho Hưng Yên đột phá?

    00:11, 28/09/2022

  • Hưng Yên: Hội nhập kinh tế thị trường để

    Hưng Yên: Hội nhập kinh tế thị trường để "vươn ra biển lớn"

    09:05, 08/09/2022

VŨ PHƯỜNG