Phát triển kinh tế biển miền Trung: Còn nhiều “nút thắt”

TUẤN VỸ 08/06/2023 20:13

Vẫn còn nhiều “nút thắt” trong quy hoạch, định hướng khiến công cuộc phát triển kinh tế biển miền Trung chưa được như kỳ vọng ở trên tất cả lĩnh vực từ công nghiệp, logictics, đánh bắt thủy sản,...

Thiếu cơ chế, chính sách phù hợp để phát triển kinh tế vùng và điều phối liên kết vùng hiệu quả, không gian phát triển bị chia cắt, đầu tư còn chồng chéo, trùng lặp, chưa khai thác hiệu quả các tiềm năng, lợi thế của từng vùng, địa phương,... là những nguyên nhân tạo nên nút thắt cho phát triển kinh tế biển miền Trung.

 Hạ tầng giao thông kết nối giữa các cảng biển trong vùng và với cảng biển của địa phương khác còn nhiều hạn chế.

Hạ tầng giao thông kết nối giữa các cảng biển trong vùng và với cảng biển của địa phương khác còn nhiều hạn chế.

Nhiều điểm vướng với khu kinh tế ven biển

Theo đánh giá của PGS.TS Bùi Quang Bình, Trường Đại học Kinh tế - Đại học Đà Nẵng, nguyên nhân thứ nhất là cơ chế chính sách phát triển các khu kinh tế ven biển (KKTVB) dường như thiếu đột phá và đủ mạnh theo yêu cầu phát triển. Theo đó, cơ chế chính sách chung cho tất cả tuy đã tạo ra sự bình đẳng nhưng khá cứng nhắc, không phù hợp với tính đặc thù của các địa phương và kéo theo tình trạng phân tán, dàn trải trong đầu tư các địa phương.

Thứ hai, tập trung hóa sản xuất vẫn chưa cao như kỳ vọng để tạo ra động lực mạnh – cực tăng trưởng cho nền kinh tế. Sự phát triển sản xuất của các KKTVB ở đây không đều, hiện đang có sự phân hóa giữa các KKTVB. Mức độ tập trung các yếu tố sản xuất vẫn chưa cao xét trên toàn vùng và chỉ tập trung chủ yếu ở 4 KKTVB trên tất cả các khía cạnh như kết quả sản xuất, vốn đầu tư, lao động và đất đai. Trình độ công nghệ sản xuất chưa có sự vượt trội nhiều để đủ sức tạo ra sự lan tỏa với toàn bộ nền kinh tế.

Thứ ba, mức độ chuyên môn hóa chưa cao giữa các KKTVB, vẫn còn sự trùng lắp hay các ngành sản xuất giống nhau tạo ra tính thay thế và cạnh tranh lẫn nhau.

Thứ tư, PGS.TS Bùi Quang Bình cho rằng tập trung hóa cao gắn với chuyên môn hóa sâu cho từng KKTVB cũng như trên tổng thể vùng chưa rõ nét, thiếu tầm nhìn và cơ chế điều phối chung ngay từ bước quy hoạch phát triển. Đồng thời thiếu đi “nhạc trưởng” chỉ huy chung thực hiện. Liên kết phát triển giữa các địa phương có KKTVB và các KKTVB với nhau rất hạn chế.

Thứ năm, cơ sở hạ tầng bên trong và bên ngoài vẫn chưa đồng bộ, chưa bảo đảm tính kết nối, tính hiện đại và phát triển kém, chẳng hạn cơ sở hạ tầng ven biển tại các KKTVB được đầu tư phát triển tương đối nhiều nhưng dàn trải, thiếu cơ sở hạ tầng lớn, hiện đại theo tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ sáu, sự phát triển của các KKTVB vẫn chưa tạo ra động lực, sức lan tỏa và đóng góp cho nền kinh tế như kỳ vọng đặt ra như đóng góp vào tăng trưởng hiệu quả sử dụng nguồn lực còn thấp, chưa giải quyết nhiều lao động, hỗ trợ đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp ngoài khu kinh tế và vùng phía Tây các địa phương ở đây. Việc khai thác, sử dụng nguồn tài nguyên biển và ven biển ở nhiều nơi còn lãng phí, kém hiệu quả, đặc biệt về khai thác, sử dụng đất ven bờ biển, mặt nước biển ven bờ.

Thách thức trong từng lĩnh vực

TS. Phan Thị Sông Thương, Viện Khoa học xã hội vùng Trung Bộ cho rằng cơ chế liên kết giữa các địa phương trong khu vực về xây dựng quy hoạch và chính sách phát triển dịch vụ logistics còn thiếu. Từng địa phương hầu như chưa xây dựng chính sách cụ thể cho phát triển dịch vụ logistics cũng như kế hoạch hợp tác, liên kết phát triển về lĩnh vực này.

Cũng theo TS. Phan Thị Sông Thương, hạ tầng giao thông đường bộ kết nối giữa các cảng biển trong Vùng hay giữa các khu kinh tế, khu công nghiệp của địa phương này với cảng biển của địa phương khác còn nhiều hạn chế, nhiều tuyến đường ven biển chưa được thông suốt.

“Các doanh nghiệp logistics hiện ở quy mô nhỏ, manh mún với rất ít nhà cung cấp dịch vụ logistics có đội xe lớn và phạm vi rộng, các dịch vụ logistics chủ yếu là 2PL, năng lực về công nghệ còn hạn chế và đang đứng trước nhiều khó khăn trở ngại. Hệ thống các dịch vụ hỗ trợ vận chuyển hàng hóa giữa các doanh nghiệp và giữa các đơn vị quản lý trong khu vực chưa được đồng bộ. Hệ thống công nghệ và thông tin quản lý hàng hóa xuất nhập khẩu giữa các bên liên quan như cơ quan hải quan, thuế, cơ quan quản lý chuyên ngành, người khai hải quan... chưa được thông suốt, đồng bộ, đảm bảo sự kết nối và xuất khẩu hàng hóa, nhanh và hiệu quả”, TS. Phan Thị Sông Thương nhìn nhận.

Một lĩnh vực khác nằm trong kinh tế biển miền Trung còn gặp nhiều khó khăn đó là du lịch. Theo TS. Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, xu hướng du lịch biển ngày càng thịnh hành, tài nguyên du lịch biển đa dạng và hấp dẫn. TS. Tuấn cho rằng các dự án, chương trình đầu tư hạ tầng, các khu nghỉ dưỡng tại các địa phương phát triển mạnh nhưng còn gặp nhiều hạn chế về quỹ đất. Cùng với đó, các nhà đầu tư chú trọng lợi nhuận ngắn hạn, sức ép tài chính và thu hồi vốn đầu tư.

“Cần tổ chức không gian phân vùng sử dụng phù hợp, cả ở cấp độ Quốc gia, vùng, tỉnh và điểm đến. Song song, tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng, đặc biệt là cảng biển du lịch. Cần chú trọng vấn đề phân kỳ phát triển, không phát triển ồ ạt, để phù hợp với sức phát triển của thị trường, đồng thời dành dư địa cho những định hướng, ý tưởng mới trong tương lai”, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch khuyến nghị.

Có thể bạn quan tâm

  • Phát triển kinh tế biển miền Trung: Chưa xứng với tiềm năng

    Phát triển kinh tế biển miền Trung: Chưa xứng với tiềm năng

    17:49, 01/06/2023

  • Thúc đẩy xuất khẩu khu vực miền Trung - Tây Nguyên

    Thúc đẩy xuất khẩu khu vực miền Trung - Tây Nguyên

    08:52, 18/05/2023

  • Khơi thông động lực kinh tế miền Trung

    Khơi thông động lực kinh tế miền Trung

    11:07, 07/05/2023

TUẤN VỸ