“Đòn bẩy” TP.HCM thông minh

TS. ĐOÀN DUY KHƯƠNG - Nguyên Phó chủ tịch VCCI 15/06/2023 16:00

Quốc hội dự kiến sẽ thông qua dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM tại kỳ họp lần này.

>>TP HCM quyết tâm gỡ vướng đầu tư công, ủy quyền duyệt dự án nhóm C về địa phương

 Chính phủ đã đề xuất 44 chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. (Trung tâm điều hành thông minh TP HCM. Ảnh: Tự Trung)

Chính phủ đã đề xuất 44 chính sách đặc thù phát triển TP.HCM. (Trung tâm điều hành thông minh TP HCM. Ảnh: Tự Trung)

Nếu Nghị quyết nói trên được thông qua, sẽ là kim chỉ nam hướng tới TP. HCM thông minh vào nửa đầu của thế kỷ 21 để Thành phố không chỉ là đầu tầu kinh tế của đất nước mà còn góp phần thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên Hợp Quốc trong Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4IR).

Thành phố thông minh

4IR làm mờ đi ranh giới sinh học, vật lý và kỹ thuật nhờ quy luật công nghệ vạn vật kết nối (IoT). Hơn nữa, 4IR cũng tác động đến các thành phố và hình thành khái niệm “thành phố thông minh” được nhìn nhận qua lăng kính của 4IR với những thách thức: quy hoạch, tòa nhà, kết nối, dữ liệu, năng lượng, quản trị và giao thông.

Để 4IR được tích hợp tại các thành phố, cần đáp ứng ba tiêu chí. Đầu tiên, khái niệm về tính bền vững nên vượt ra ngoài hệ sinh thái kinh tế. Một thành phố bền vững phải là một thành phố lành mạnh phục vụ con người sinh hoạt hòa nhập, tiết kiệm, thích ứng và bền vững ở 3 phương diện chính: nhà ở dễ tiếp cận (kết hợp chương trình nhà ở xã hội); Không gian công cộng và sử dụng tiện ích hòa nhập; Hệ thống giao thông toàn diện (đặc biệt là hệ thống giao thông công cộng nhanh).

Thứ hai, thực hành quy hoạch đô thị là rất quan trọng. Tuy nhiên, quy hoạch đô thị là một sản phẩm thông tin đồ sộ đòi hỏi sự chính xác và cập nhật kịp thời, thường xuyên nhằm chuyển thông tin thành nguồn lực thúc đẩy hành động cộng hưởng tích cực của toàn xã hội. Công nghệ số có dễ dàng xây dựng các mạng ảo kết hợp với các cấu trúc vật lý để góp phần thực hành hiệu quả cho công tác thông tin quy hoạch đô thị một cách minh bạch, công khai đối với toàn dân.

Thứ ba, sự thành công của thành phố thông minh phụ thuộc vào các doanh nghiệp đổi mới đáp ứng các thách thức của 4IR và là một phần không thể thiếu của quy trình.

Thành phố thông minh trước hết cần các chiến lược thiết kế quản trị hiệu quả, sáng tạo và khoa học: mô hình hiện đại chính quyền đô thị 2 cấp, cũng như các chính sách công phát triển các nguồn lực kinh tế xã hội, thúc đẩy phúc lợi, thực hành quy hoạch đô thị và kinh doanh tốt. Ngoài ra, sự kết nối đối tác trong nước, khu vực và quốc tế sẽ quyết định sự thành công của các thành phố thông minh trong thời đại 4IR.

Giải pháp bền vững

Để thực hiện tốt các định hướng trên và đóng góp vào dự thảo Nghị quyết mới, trong bối cảnh hiện tại khi tốc độ tăng trưởng kinh tế TP.HCM rất thấp (GRDP ước tăng 0,7% so với cùng kỳ); thị trường bất động sản, thị trường tài chính gặp nhiều khó khăn, nợ xấu ngân hàng và áp lực đáo hạn trái phiếu có xu hướng tăng; doanh nghiệp giải thể, tiếp tục cắt giảm lao động và khó khăn hơn về đơn hàng, nguồn vốn; sức mua của người tiêu dùng giảm; chí phí đầu vào tăng…, cần có các giải pháp ngắn hạn và dài hạn.

Về giải pháp ngắn hạn, Chính phủ tăng cường các chính sách tài khóa và tiền tệ hỗ trợ kích cầu trước mắt như gia hạn và miễn giảm thuế, tiền thuê đất. Các tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ, miễn giảm lãi, phí và đặc biệt là giảm lãi suất ngân hàng. Ngoài ra, cần các biện pháp kích cầu cũng như hỗ trợ thất nghiệp cho người lao động.

Về giải pháp trung và dài hạn, thứ nhất, cần nghiên cứu mô hình chính quyền đô thị tự chủ/tự quản với sự tham gia tích cực của người dân để phát triển nguồn vốn xã hội vô tận cho sự quản trị đô thị hiện đại; Từng bước áp dụng mô hình đô thị 2 cấp với cấp quận là cấp cơ sở cho TP. HCM, nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của Tổ chức bộ máy thành phố.

Song song với xây dựng mô hình mới, cần ưu tiên nghiên cứu và xây dựng những bộ luật tương ứng để đảm bảo tính thực thi. Đây cũng là tiêu chí chủ yếu đánh giá sự hoạt động hiệu quả của các nhà lập pháp.

Thứ hai, cần có chính sách hỗ trợ mạnh mẽ thí điểm trong hai lĩnh vực ngành công nghiệp ưu tiên có tính đột phá và lan tỏa là tài chính và logistics vì TP.HCM là nơi tập trung đến 54% tổng số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics chuyên nghiệp của cả nước và hiện đóng góp 22,3% GDP, chiếm gần 27% ngân sách quốc gia, thu hút gần 34% dự án FDI của cả nước... Với vị thế này và vị trí địa chính trị quan trọng của mình, TP.HCM xứng đáng là một trung tâm tài chính và logistics quốc tế. Các hiệp hội và doanh nghiệp cần định hướng đổi mới theo hướng phát triển của thành phố thông minh trong hai lĩnh vực này để có thể ứng dụng công nghệ mới hiệu quả và kết nối đối tác toàn cầu.

Thứ ba, cần xác định Tầm nhìn đến năm 2050 là TP.HCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, trở thành một trong những trung tâm tài chính và dịch vụ logistics quan trọng của khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Trên cơ sở đó, xây dựng quy hoạch TP.HCM thời kỳ 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050 để làm nền tảng cho các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội nhằm cụ thể hóa tầm nhìn chiến lược của thành phố. Khi xây dựng quy hoạch, cần nghiên cứu xây dựng cơ chế chính sách thúc đẩy các nguồn lực phát triển KT-XH. Mô hình 5 nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội (bao gồm Tài nguyên, con người, sản phẩm, tài chính và xã hội) có thể là sự tham chiếu hiệu quá trong quá trình này.

Có thể bạn quan tâm

  • TP HCM sẽ kiến tạo các giá trị mới

    TP HCM sẽ kiến tạo các giá trị mới

    01:00, 30/05/2023

  • Để TP HCM trở thành “đầu tàu” kinh tế

    Để TP HCM trở thành “đầu tàu” kinh tế

    02:42, 27/05/2023

  • TP HCM quyết tâm gỡ vướng đầu tư công, ủy quyền duyệt dự án nhóm C về địa phương

    TP HCM quyết tâm gỡ vướng đầu tư công, ủy quyền duyệt dự án nhóm C về địa phương

    10:52, 25/05/2023

TS. ĐOÀN DUY KHƯƠNG - Nguyên Phó chủ tịch VCCI