Thế và lực mới của huyện Châu Đức (Bà Rịa - Vũng Tàu)
Phát huy lợi thế, tiềm năng sẵn có, huyện Châu Đức ưu tiên cho lĩnh vực công nghiệp, du lịch và thu hút đầu tư, tạo thế và lực mới cho trung tâm công nghiệp mới của Bà Rịa – Vũng Tàu.
“Thủ phủ” công nghiệp mới
Nhìn một cách tổng thể, với việc sở hữu nhiều hạ tầng quan trọng như cảng biển Cái Mép, cao tốc và sân bay Long Thành, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu có nhiều tiềm năng phát triển vận chuyển quốc tế, tối ưu hóa logistics cho doanh nghiệp, tăng khả năng lấp đầy các khu công nghiệp gần cảng biển nhanh chóng.
Thống kê từ Ban Quản lý các khu công nghiệp, hiện tại, thị xã Phú Mỹ và huyện Châu Đức là hai địa phương phát triển nhiều khu công nghiệp nhất tỉnh. Trong đó, Châu Đức có diện tích khu công nghiệp là 3.082 ha, chiếm gần 30% tổng diện tích khu công nghiệp toàn tỉnh.
Để đẩy mạnh phát triển lợi thế bất động sản công nghiệp vốn có, huyện Châu Đức đã đề xuất thêm 4 khu công nghiệp mới với tổng diện tích 5.700 ha. Theo đó, Châu Đức sẽ nâng diện tích khu công nghiệp lên 8.782 ha, gấp 2,8 lần hiện tại và chiếm 45% diện tích khu công nghiệp toàn tỉnh. Với kế hoạch này, Châu Đức sẽ trở thành địa phương có diện tích khu công nghiệp lớn nhất Bà Rịa - Vũng Tàu.
Trên địa bàn huyện Châu Đức hiện nay có hai khu công nghiệp quy mô lớn là Sonadezi Châu Đức (2.287 ha) và Đá Bạc (1.058 ha). Trong đó, Sonadezi Châu Đức là khu công nghiệp lớn nhất tỉnh, nơi quy tụ khoảng 80.000-120.000 kỹ sư, chuyên gia và công nhân làm việc.
Ông Nguyễn Tấn Bản, Chủ tịch UBND huyện Châu Đức cho biết, trong lĩnh vực phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, huyện xác định mục tiêu phát triển công nghiệp theo hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường, tạo việc làm cho lao động địa phương. Lãnh đạo UBND huyện đã chỉ đạo các ngành chức năng xây dựng kế hoạch, thực hiện các giải pháp đồng bộ để hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ lấp đầy các KCN trên địa bàn. Đồng thời, tổ chức định kỳ việc gặp gỡ nhà đầu tư hạ tầng KCN để tháo gỡ những khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; hỗ trợ nhà đầu tư thứ cấp trong công tác tuyển dụng lao động, đào tạo nghề, giữ gìn an ninh, trật tự ở KCN.
Đưa du lịch trở thành trụ cột kinh tế
Thời gian qua, trên địa bàn huyện Châu Đức hình thành nhiều điểm du lịch sinh thái, khai thác thế mạnh nông nghiệp xanh. Các khu – điểm du lịch kết hợp với sản xuất nông nghiệp đã mang đến “làn gió mới” cho kinh tế địa phương, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm, gần gũi với thiên nhiên của số đông du khách.
Theo Chủ tịch UBND huyện Châu Đức Nguyễn Tấn Bản, Châu Đức được thiên nhiên ban tặng địa hình rất ấn tượng mà ít nơi nào có được. Về Châu Đức du khách có thể tận hưởng những vườn trái cây, những dịch vụ tiện ích gắn với du lịch nông nghiệp của huyện. Với những lợi thế này, phát triển du lịch gắn với nông nghiệp, nông thôn cũng là chủ trương, định hướng của huyện hướng tới phát triển bền vững ngành kinh tế xanh.
Theo ông Bản, thời gian qua, huyện đã tích cực đẩy mạnh công tác quy hoạch, định hướng phát triển phân vùng để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này, tạo ra những sản phẩm chất lượng, phù hợp với định hướng chung của tỉnh. Để làm được, huyện tập trung xây dựng hạ tầng thiết yếu phục vụ cho phát triển du lịch cộng đồng, đảm bảo tính pháp lý, quy định của Nhà nước.
Với tinh thần cầu thị, cởi mở, huyện luôn đồng hành với doanh nghiệp để tạo điều kiện tốt nhất cho doanh nghiệp đến đầu tư, tạo nên những sản phẩm du lịch đặc sắc cho địa phương.
“Xác định du lịch sẽ là trụ cột kinh tế của huyện trong tương lai gắn với công nghiệp, nông nghiệp công nghệ cao, huyện đã hoạch định các chính sách, lộ trình cụ thể; nghiên cứu, tìm đối tác để thu hút đầu tư, đảm bảo phát triển du lịch bền vững, thân thiện môi trường”, ông Bản cho hay.
Năm 2022, Châu Đức đón hơn 445.320 lượt khách đến tham quan các mô hình du lịch cộng đồng, sinh thái, di tích lịch sử. Trong đó, khách lưu trú đạt hơn 176.850 lượt, doanh thu đạt 133,5 tỷ đồng.
Châu Đức ngày nay dần ghi dấu ấn về du lịch trên bản đồ du lịch tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu từ chính những sản phẩm gắn liền với lợi thế của địa phương. Điều này cho thấy chủ trương phát triển du lịch của Châu Đức thời gian qua là đúng hướng. Trong bối cảnh ngành du lịch tỉnh đang thiếu các sản phẩm cũng như các điểm vui chơi giải trí có thể “giữ chân” khách lưu trú, tăng nguồn thu trong du lịch, việc huyện Châu Đức phát triển du lịch cộng đồng là điều mà du khách, ngành du lịch và các hãng lữ hành mong đợi, hứa hẹn du lịch Châu Đức ngày càng khởi sắc hơn nữa.
Có thể bạn quan tâm