Móng Cái (Quảng Ninh) bước chuyển tích cực cho xuất nhập khẩu
Hoạt động xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Móng Cái trong thời gian qua đã đạt được những kết quả quan trọng, góp phần không nhỏ vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.
>>>Quảng Ninh: Đẩy mạnh các giải pháp thu hút, xúc tiến dòng vốn đầu tư FDI
Bước chuyển biến tích cực
Theo tin từ Ban Quản lý Cửa khẩu Móng Cái, tính từ ngày 1/1 đến hết ngày 19/6/2023, tổng trọng lượng hàng hóa xuất nhập khẩu (XNK) qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn thành phố đạt 769.976 tấn, tăng 242% so cùng kỳ năm 2022.
Tại cửa khẩu cầu Bắc Luân 2 có 22.149 phương tiện chở 369.594 tấn hàng hóa XNK, tăng 141% so với cùng kỳ 2022, bình quân đạt 2.678 tấn hàng hóa XNK/ngày, (trong đó, hàng nhập khẩu đạt 276.020 tấn, hàng xuất khẩu đạt 93.574 tấn).
Tại Lối mở Cầu phao tạm Km 3+4 Hải Yên, có 23.107 phương tiện chở 379.185 tấn hàng hóa xuất khẩu, bình quân đạt 142 phương tiện/ngày, chở 2.326 tấn/ngày, tăng 489% so cùng kỳ 2022. Trong đó, hoa quả 130.364 tấn, bột sắn 73.043 tấn, thủy hải sản đông lạnh 90.726 tấn, hạt khô và hàng hóa khác 50.564 tấn; tôm, cua, cá sống 34.488 tấn. Về hàng hóa nhập khẩu, có 6.831 phương tiện Trung Quốc vận chuyển 21.197 tấn hàng tạp, hàng vải may mặc, tăng 193% so cùng kỳ 2022.
Theo báo cáo của UBND TP Móng Cái, tính đến ngày 15/6/2023, thành phố đã thu hút thêm 302 doanh nghiệp XNK hàng hóa qua địa bàn, tăng 182 doanh nghiệp so với cùng kỳ, nâng tổng số 694 doanh nghiệp làm thủ tục XNK trên địa bàn, tăng 70% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu đạt 1.463,5 triệu USD, đạt 32,46% kế hoạch, tăng 8,24% so với cùng kỳ.
Theo Hải quan Móng Cái: Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa từ đầu năm đến đến giữa tháng 6/2023 thông qua cửa khẩu Móng Cái đạt 1.5 tỷ USD, tăng 8,24% so với cùng kỳ 2022...
Được biết, Ban quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái đã thu khoảng 47,9 tỷ đồng từ các loại phí, tăng 21,3% so với cùng kỳ năm 2022 gồm: phí phương tiện đường bộ, phí hàng hoá tạm nhập tái xuất và phí dịch vụ. Đơn vị này đã nộp ngân sách nhà nước gần 43,5 tỷ đồng. Ước thực hiện đến ngày 30/6/2023, tổng số thu phí đạt 52.379,5 triệu đồng, tăng 12,2% so cùng kỳ năm 2022, đạt 29,6% kế hoạch giao.
Theo lãnh đạo TP Móng Cái: Để đạt được những kết quả trên không thể không nhắc đến những nỗ lực lớn của các cấp quản lý trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh nói chung cũng như thành phố Móng Cái nói riêng.
Thông qua nhiều cuộc hội đàm, giao lưu, khảo sát, Chính quyền các cấp 2 bên biên giới đã từng bước nối lại nhiều hoạt động trong lĩnh vực kinh tế -xã hội. Cư dân hai bên biên giới và các thương nhân qua lại giao thương, buôn bán, khách du lịch thăm quan lẫn nhau có chiều hướng tăng mạnh. Hoạt động thương mại nội địa được khôi phục, đi vào ổn định, các chợ trên địa bàn thành phố hoạt động sôi động trở lại.
Từ thực tế để có chiến lược dài lâu...
Theo đại diện Công ty TNHH MTV chế biến thủy sản Cát Tường, để thúc đẩy, tạo điều kiện và thu hút thêm hàng hóa xuất khẩu qua Lối mở cầu phao Km3+4, nhất là với mặt hàng thủy sản đông lạnh thì trên địa bàn TP Móng Cái cần phải có một trung tâm cung ứng nông sản. Do đó, tỉnh và thành phố cần đẩy nhanh tiến độ Dự án Trung tâm giao dịch hàng hóa Nông – Lâm – Thủy sản Châu Á Thái Bình Dương tại Km3+4 Hải Yên. Từ đó góp phần thúc đẩy hợp tác, tạo điều kiện cho Tập đoàn Kiểm nghiệm, kiểm dịch Trung Hoa (CCIC) sớm triển khai đặt chi nhánh đại diện, lắp đặt phòng Lab tại Lối mở Km3+4 Hải Yên để kiểm nghiệm, kiểm dịch hoa quả, thủy sản, dán tem sản phẩm.
Theo ông Bùi Ngọc Hiếu – Giám đốc Công ty TNHH Tân Hải Long: Mặc dù có thêm nhiều lợi thế, tuy nhiên trên thực tế, hoạt động XNK qua các cửa khẩu đường bộ trên địa bàn tỉnh cũng vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế. Hiện từ cửa khẩu chính Hoành Mô, Bắc Phong Sinh chỉ có một tuyến đường để phương tiện vận tải di chuyển kết nối với Quốc lộ 18A và đường cao tốc Hạ Long - Móng Cái. Tuyến đường kết nối này hiện đã xuống cấp chưa đảm bảo an toàn cho các hoạt động giao thông.
Ngoài ra, dịch vụ logistics đường bộ trong thời gian tới, dự báo sẽ gặp một số khó khăn như chi phí vận chuyển logistics từ cửa khẩu Móng Cái vào nội địa các tỉnh thành cao hơn so với cửa khẩu Lạng Sơn. Trong đó các chuyến bay thương mại khôi phục, các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng điện thoại, phụ kiện, linh kiện điện tử, hàng có trị giá cao... sẽ chia thị phần ưu tiên vận chuyển qua đường hàng không. Bên cạnh đó, hạ tầng cửa khẩu yếu và thiếu cũng đang gây không ít khó khăn cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Ông Lưu Văn Đô, Giám đốc Công ty TNHH Du lịch - Dịch vụ - Thương mại Đô Vân (TP Móng Cái), cho biết: Hạ tầng kho bãi tập kết, kiểm tra giám sát hàng hóa tại cửa khẩu trên địa bàn TP Móng Cái các năm gần đây được tỉnh và thành phố quan tâm đầu tư mở rộng nhiều khu vực. Trong đó Công ty Tân Đại Dương cũng đầu tư san lấp, mở rộng nhiều hạng mục từng bước đáp ứng được yêu cầu đỗ xe lưu tại cửa khẩu Bắc Luân 2. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, hạ tầng lối mở Bắc Luân 2 chưa được đồng bộ, một số bãi đỗ xe, bãi kiểm hoá vẫn chỉ là nền đất bụi bặm, lầy lội nên vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để hoạt động XNK qua các cửa khẩu đường bộ có sự bứt phá mạnh mẽ hơn nữa, UBND tỉnh cần tiếp tục quan tâm thu hút, tạo điều kiện cũng như giải quyết thủ tục nhanh chóng cho các nhà đầu tư xây dựng dự án kho, bãi trên địa bàn, các khu logistics tại Khu Kinh tế cửa khẩu (Hoành Mô - Đồng Văn, Bắc Phong Sinh, Móng Cái) theo Quy hoạch, thiết kế đã được phê duyệt để đảm bảo các dự án được thực hiện theo đúng tiến độ, tương xứng với quy mô, công suất hoạt động cửa khẩu, lối mở; nâng cấp, cải tạo, mở rộng tuyến đường để phương tiện vận tải di chuyển kết nối từ khu vực cửa khẩu Hoành Mô, Bắc Phong Sinh với các khu logistics, địa điểm kiểm tra hàng hóa, kho ngoại quan…; đẩy nhanh việc triển khai thực hiện quy hoạch, mở rộng phạm vi cửa khẩu đối với cửa khẩu Hoành Mô, Bắc Phong Sinh, Móng Cái (cầu Bắc Luân II) đảm bảo cho hoạt động XNK hàng hóa; đẩy mạnh công tác quy hoạch, hoàn thiện hạ tầng logistics, cảng cạn ICD và cửa hàng miễn thuế trên địa bàn.
Theo UBND TP Móng Cái: Địa phương cũng liên tục chủ động bám sát, triển khai kịp thời các nhiệm vụ theo đúng chỉ đạo của tỉnh và Trung ương, thống nhất các giải pháp điều chỉnh, triển khai linh hoạt một số biện pháp phòng chống dịch trong khu vực cửa khẩu, lối mở biên giới phù hợp với chính sách nới lỏng phòng chống dịch bệnh của 2 nước. Tận dụng tốt thời cơ hoạt động thông quan trở lại bình thường, bố trí đầy đủ lực lượng làm việc tại các cửa khẩu, lối mở biên giới, triển khai các giải pháp duy trì ổn định, thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa xuất khẩu hàng hóa trong tình hình mới.
Thành phố Móng Cái cũng tích cực hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thu hút doanh nghiệp thông quan hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn; chủ động, tích cực nắm bắt thông tin, tình hình biên giới, cửa khẩu, những thay đổi về chính sách xuất nhập cảnh, xuất nhập khẩu của 2 nước để kịp thời thông tin cho các doanh nghiệp để chủ động trong hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa.
Có thể bạn quan tâm