Quảng Ninh: Chú trọng nâng cao chỉ số xanh cấp tỉnh

TRUNG THÀNH 25/06/2023 10:30

Thời gian qua, Quảng Ninh luôn chú trọng giữa phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, hướng tới nền kinh tế xanh bền vững, qua đó nâng cao Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI trong những năm tới.

>>>Quảng Ninh: Gắn kết chương trình giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp

Từ lọt top đầu Chỉ số xanh cấp tỉnh

Cùng với lập kỷ lục 6 năm liên tiếp đoạt quán quân PCI, Quảng Ninh còn xuất sắc nằm trong Top 5 tỉnh, thành phố dẫn đầu Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI gồm Trà Vinh, Lạng Sơn, Bắc Ninh, Quảng Ninh, Đà Nẵng. Đây là lần đầu tiên Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ tại Việt Nam (USAID) công bố Chỉ số Xanh cấp tỉnh (PGI). Việt Nam cũng là quốc gia đầu tiên có Chỉ số xanh cho cấp tỉnh.

Được biết, PGI là bộ chỉ số đánh giá và xếp hạng địa phương thân thiện với môi trường dưới góc nhìn từ thực tiễn kinh doanh như mức độ ứng dụng công nghệ thân thiện môi trường của các doanh nghiệp tại địa phương, trình độ quản trị, ứng xử với môi trường của doanh nghiệp, mức độ quan tâm, sẵn sàng đầu tư về vấn đề môi trường của chính quyền địa phương và nhiều vấn đề môi trường quan trọng khác.Chỉ số xanh được xây dựng nhằm cung cấp thông tin đầu tư vào phục vụ cho công tác hoạch định chính sách ở cả cấp Trung ương và địa phương nhằm giảm thiểu tác động tiêu cực việc biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường đối với hoạt động sản xuất, kinh doanh và tính bền vững của doanh nghiệp.

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Để có thành tích lọt vào Top 5 Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI, trong suốt nhiều năm qua, Quảng Ninh luôn nỗ lực, quyết tâm cao với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp trong chuyển đổi mô hình tăng trưởng.

Quảng Ninh luôn chú trọng phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường (ảnh báo Quảng Ninh)

Quảng Ninh luôn chú trọng phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ môi trường (ảnh báo Quảng Ninh)

Trên cơ sở xác định những mâu thuẫn, thách thức trong quá trình phát triển, từ năm 2012, Quảng Ninh đã xác định chuyển đổi phương thức phát triển từ nâu sang xanh dựa trên ba trụ cột phát triển là thiên nhiên, con người, văn hóa kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập, phát triển và cơ hội của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. 

Bằng những giải pháp đồng bộ, cách làm sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, tiên phong, đi đầu trong đổi mới, Quảng Ninh đã ban hành nhiều nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội xanh bền vững, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu.

Gần đây nhất là Nghị quyết 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030.

Từ việc ban hành, triển khai hiệu quả các nghị quyết, nhận thức, ý thức trách nhiệm công tác bảo vệ môi trường của người dân, tổ chức, doanh nghiệp, nhà đầu tư đã được nâng lên rõ rệt, góp phần đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế xanh, bền vững của Quảng Ninh.

>>>Quảng Ninh: Tăng cường phát triển mô hình du lịch sinh thái

...đến phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường

Trong khoảng 5 năm trở lại đây, tốc độ tăng trưởng và phát triển của Quảng Ninh luôn gấp 1,5 lần cả nước. GDP bình quân đầu người cao nhất, ở mức 4.050 USD. Trong quy hoạch xây dựng vùng đến năm 2030 của tỉnh, Quảng Ninh sẽ là một trong ba đầu tàu kinh tế của miền Bắc bên cạnh Hà Nội và Hải Phòng.

Các lực lượng chức năng TP Hạ Long tổ chức thu gom rác thải, phao xốp, làm sạch môi trường biển (ảnh báo Quảng Ninh)

Các lực lượng chức năng TP Hạ Long tổ chức thu gom rác thải, phao xốp, làm sạch môi trường biển (ảnh báo Quảng Ninh)

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Thời gian qua, tỉnh đã tích cực chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế theo hướng phát triển công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao; giảm tỷ trọng công nghiệp khai khoáng; khai thác than bền vững, tập trung nghiên cứu công nghệ khai thác tiên tiến nhằm giảm thiểu tác động đến môi trường...

Cùng với đó, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo vệ môi trường còn thể hiện rõ ở việc ưu tiên nghiên cứu, ứng dụng KHCN trong xử lý chất thải y tế, rác thải sinh hoạt, chất thải chăn nuôi trong các khu dân cư và sản xuất nông nghiệp. Đến nay, cơ bản các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh đã ứng dụng rộng rãi công nghệ vi sinh, công nghệ màng lọc AAO để xử lý nước thải y tế; sử dụng hệ thống công nghệ vi sóng tích hợp nghiền cắt trong cùng khoang để xử lý chất thải rắn y tế lây nhiễm thành chất thải thông thường, không còn mầm bệnh lây nhiễm...

Tỉnh Quảng Ninh cũng đã từng bước hoàn thành quy hoạch và tập trung ưu tiên nguồn lực phát triển các khu, cụm, cơ sở công nghiệp theo hướng chuyển dịch lên phía Bắc, phía Tây, góp phần công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông thôn và tách xa khu vực Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long; ưu tiên công nghiệp vật liệu xây dựng trên cơ sở ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học, đảm bảo sản xuất xanh và áp dụng mô hình quản lý tiên tiến.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, các địa phương trong tỉnh hiện cũng đều sử dụng rộng rãi chế phẩm sinh học vào xử lý chất thải gia súc, gia cầm và rơm, rạ thành phân hữu cơ; sử dụng men vi sinh trong chăn nuôi; sử dụng chế phẩm sinh học trong quản lý ao đầm nuôi tôm công nghiệp; xây dựng hầm biogas... Qua đó, vừa góp phần giải quyết vấn đề năng lượng vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng dân cư và nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp.

Theo ông Cao Tường Huy – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh: Với quan điểm "Kiên quyết không đánh đổi môi trường để phát triển kinh tế”, thời gian qua, công tác bảo vệ và giữ gìn môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu luôn là nhiệm vụ thường xuyên, liên tục được Quảng Ninh chú trọng. Trong đó, nhiều công nghệ hiện đại, tiên tiến đã được đầu tư và ứng dụng trong nhiều ngành, lĩnh vực của tỉnh. 

Không chỉ được ứng dụng trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm, công nghệ tiên tiến còn được tỉnh chú trọng áp dụng vào việc giám sát chất lượng môi trường và quản lý tài nguyên. Tỉnh cũng đã ban hành Quy chế quản lý, vận hành Hệ thống quan trắc môi trường tự động; chỉ đạo tổ chức chuyển tải liên tục, trực tiếp thông tin, dữ liệu tới Bộ TN&MT, UBND các địa phương, công khai thông tin môi trường cho người dân được biết, giám sát.

Lực lượng ĐVTN tham gia chiến dịch

Lực lượng ĐVTN tham gia chiến dịch "Hãy làm sạch biển" tại cảng Ghềnh Võ (ảnh báo Quảng Ninh)

Với nhiều giải pháp quyết liệt, được triển khai đồng bộ và nghiêm túc, việc ứng dụng công nghệ tiên tiến trong bảo vệ môi trường tự nhiên của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả khả quan, giúp tỉnh từng bước hiện thực hóa mục tiêu "lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm” trong giai đoạn 2020-2025. 

Trong định hướng phát triển trong giai đoạn 2020 - 2025, một trong 5 nhiệm vụ trọng tâm được Quảng Ninh xác định là phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ nâu sang xanh. Chắc chắn rằng, với những giải pháp quyết liệt, đồng bộ, công tác bảo vệ môi trường của tỉnh Quảng Ninh sẽ tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần chuyển đổi mô hình tăng trưởng, hướng tới nền kinh tế xanh bền vững, qua đó nâng cao Chỉ số xanh cấp tỉnh PGI trong những năm tới.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực du lịch

    Quảng Ninh: Gỡ điểm nghẽn về nguồn nhân lực du lịch

    18:01, 24/06/2023

  • Quảng Ninh:p/Bàn

    Quảng Ninh: Bàn "giải pháp" cho đường bay Quảng Ninh - Cần Thơ cất cánh

    22:50, 23/06/2023

  • Quảng Ninh: Gắn kết chương trình giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp

    Quảng Ninh: Gắn kết chương trình giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp

    14:06, 23/06/2023

TRUNG THÀNH