Việc kết nối giữa doanh nghiệp và các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sẽ đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, góp phần giải quyết việc làm, nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo.
>>>Kết nối nhà trường - doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực chất lượng cao
Đào tạo nhân lực chất lượng cao là chiến lược đột phá
Theo Báo cáo của Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Ninh, hiện nay tỉnh này có 42 cơ sở GDNN và cơ sở có tham gia hoạt động GDNN. Trong đó có 31 cơ sở công lập và 11 cơ sở thuộc doanh nghiệp với các cơ quan chủ quản khác, tổng số học sinh, lao động được đào tạo nghề năm 2022 là 39.291 người. Số giới thiệu, cung ứng lao động cho doanh nghiệp và phối hợp đào tạo, đào tạo lại là 42.677...
Tổng số lao động đang làm việc tại Quảng Ninh hiện là 735.000 người. Đến năm 2025, dự kiến nhu cầu nhân lực cần khoảng 821.000 người, con số này đến năm 2030 là khoảng 874.000 người. Các lĩnh vực có xu hướng gia tăng nhu cầu về nguồn nhân lực: Chế biến chế tạo, vận tải, kho bãi, logistics, dịch vụ du lịch...
Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV xác định phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số là một trong 3 khâu đột phá chiến lược, là nền tảng vững chắc để tạo đà cho sự phát triển bền vững.
Ông Vũ Quang Trực – Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Quảng Ninh cho biết: Phát triển nguồn nhân lực có kỹ năng lao động, nhất là nhân lực chất lượng cao cùng với phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo được coi là một chiến lược đột phá, đồng thời là yếu tố quyết định để cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng và lợi thế cạnh tranh, bảo đảm cho phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững.
Quảng Ninh là một tỉnh có tiềm năng mạnh về phát triển kinh tế. Để khai thác và phát triển tối đa tiềm năng đó, việc xây dựng một hệ thống giáo dục đào tạo nghề nghiệp chất lượng và tương thích với nhu cầu của doanh nghiệp là rất cần thiết. Trong bối cảnh này, tầm quan trọng của việc kết nối doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục đào tạo nghề không thể phủ nhận.
Tuy nhiên, bài toán khó đối với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hiện nay là doanh nghiệp chưa thực sự mặn mà với việc đặt hàng đào tạo mà chủ yếu tuyển dụng những học viên chuẩn bị ra trường. Hoạt động hợp tác bồi dưỡng kỹ năng nghề giữa cơ sở đào tạo và doanh nghiệp còn nhiều hạn chế. Thiết bị dạy học và cơ sở vật chất của nhà trường chưa theo kịp công nghệ của doanh nghiệp cũng là một rào cản khiến cho mối quan hệ cung - cầu về nhân lực chưa đúng và trúng.
>>>Đào tạo nhân lực: Giảm cảnh “trống gõ nhịp 3, kèn hòa nhịp 7”
Tăng cường hợp tác giữa Nhà trường - Nhà tuyển dụng - Nhà đầu tư
Để làm tốt hơn công tác gắn kết giáo dục nghề nghiệp với thị trường lao động và việc làm, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh Quảng Ninh đã thành lập Tổ công tác chuyên ngành. Đồng thời tổ chức ký kết Biên bản thỏa thuận hợp tác trong việc phối hợp tuyển sinh, đào tạo, cung ứng lao động giữa Trung tâm Dịch vụ việc làm và đại diện 5 trường cao đẳng; ký biên bản thỏa thuận hợp tác trong việc tiếp nhận thực tập sinh, tuyển dụng, đào tạo nguồn nhân lực giữa Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh và Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam.
Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh chính là “cầu nối” giữa cộng đồng doanh nghiệp và nhà trường, nhằm nâng cao công tác đào tạo và tìm kiếm nguồn nhân lực có chất lượng. Trong thời gian vừa qua, khi làm việc, tiếp xúc với Hiệp hội doanh nghiệp địa phương, Hiệp hội nghề nghiệp, Hội doanh nghiệp…Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh đã mời một số Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp của các trường đào tạo và doanh nghiệp hội viên có chức năng đào tạo cùng tham gia Đoàn công tác để thực hiện việc hỗ trợ các doanh nghiệp tuyển dụng, đào tạo lao động giữa các doanh nghiệp với các cơ sở Giáo dục nghề nghiệp và thông qua các hoạt động chung của doanh nghiệp.
Theo đại diện lãnh đạo Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Ninh: Việc kết nối doanh nghiệp với các cơ sở giáo dục đào tạo nghề tạo ra một môi trường học tập thực tế và thích ứng với yêu cầu của thị trường lao động. Sinh viên sẽ có cơ hội tiếp cận và trau dồi kỹ năng chuyên môn trong một môi trường thực tế, từ đó nhanh chóng thích nghi với công việc sau khi tốt nghiệp. Điều này giúp giảm thiểu khoảng cách giữa nhu cầu của doanh nghiệp và kiến thức được truyền đạt trong quá trình đào tạo, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho nguồn nhân lực địa phương.
Thực tế, nhiều doanh nghiệp đã có những hoạt động hợp tác với cơ sở đào tạo nghề khá đa dạng, hỗ trợ thiết bị thực hành nghề cho cơ sở; bố trí việc làm cho sinh viên tốt nghiệp...Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam (Khu công nghiệp Sông Khoai, thị xã Quảng Yên), mỗi năm tiếp nhận tối đa 30 sinh viên của Đại học Hạ Long tới thực tập. Sau thời gian thực tập, công ty có thể ký kết hợp đồng lao động chính thức. Ngoài ra, công ty cũng cử chuyên gia đến trường để trao đổi kiến thức và tập huấn kinh nghiệm thực tiễn cho sinh viên, hợp tác triển khai các dự án, chương trình, hội thảo việc làm, cung cấp học bổng cho sinh viên...
Sự kết nối này góp phần xây dựng một cộng đồng kinh tế mạnh mẽ và bền vững. Doanh nghiệp sẽ trở thành những đối tác chiến lược, đồng thời đóng góp ý kiến và kinh nghiệm để phát triển cơ sở giáo dục đào tạo nghề. Các cơ sở giáo dục đào tạo nghề trở thành những cơ sở học tập linh hoạt và đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, từ đó nâng cao cơ hội việc làm và phát triển kinh tế địa phương.
Có thể bạn quan tâm