Thái Bình: Đẩy mạnh phát triển điện gió
Phát triển điện gió là giải pháp quan trọng đáp ứng nhu cầu sử dụng điện ngày càng tăng trong khi nguồn năng lượng hóa thạch đang suy giảm.
>>>“Bùng nổ điện gió” và thách thức với Project Logistics
Theo Sở Công thương Thái Bình, với lợi thế về tiềm năng gió và diện tích khu vực ngoài khơi khoảng 3.160 km2, diện tích để phát triển dự án điện gió ngoài khơi tỉnh Thái Bình đạt công suất khoảng trên 10.000 MW.
Vì vậy, Sở Công thương Thái Bình cũng cho rằng, đề xuất đưa 3 dự án điện gió trên bờ và ngoài khơi tỉnh Thái Bình với tổng công suất 8.700 MW vào Quy hoạch Điện VIII là khả thi.
Trước đó, ngày 8/10/2020, Thái Bình đã đề nghị Bộ Công Thương xem xét đưa quy hoạch điện gió tỉnh Thái Bình vào Quy hoạch điện VIII, tại 2 khu vực là giáp khu du lịch Cồn Đen (Thái Thụy) và khu vực giáp cửa Trà Lý (Tiền Hải) - cách bờ khoảng cách 15 - 20 km với quy mô công suất dự kiến khoảng 700 MW. Dự án này do Tập đoàn Pondera (Hà Lan) đề xuất.
Tiếp đó, ngày 17/11/2021, Thái Bình lại đề nghị Bộ Công thương thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch điện gió ngoài khơi tỉnh Thái Bình vào Quy hoạch điện VIII với tổng công suất khoảng 5.000 MW. Dự án này do Công ty TNHH Xuân Thiện Ninh Bình đề xuất.
Ngay sau đó, ngày 19/11/2021, UBND tỉnh Thái Bình lại đề nghị Bộ Công thương thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch điện gió ngoài khơi tỉnh Thái Bình (dự án nhà máy điện gió ngoài khơi tỉnh Thái Bình 1) vào Quy hoạch điện VIII với tổng công suất khoảng 3.000 MW. Dự án này do Liên danh Công ty cổ phần Tập đoàn T&T và Tập đoàn Orsted (Đan Mạch) đề xuất.
Sở Công thương tỉnh Thái Bình cũng cho biết, còn một số nhà đầu tư đang quan tâm, đề nghị cho phép nghiên cứu đầu tư dự án điện gió ngoài khơi tại tỉnh Thái Bình để bổ sung vào Quy hoạch điện VIII. Không chỉ đề nghị bổ sung các dự án điện gió, tỉnh Thái Bình cũng kỳ vọng có cả dự án điện khí LNG.
Địa phương này cũng đã đề nghị Bộ Công Thương thẩm định, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh, bổ sung vào Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia (Quy hoạch điện VIII) Dự án Trung tâm Điện - Khí LNG Thái Bình, tổng công suất khoảng 4.500 MW.
Dự án điện khí LNG này gồm 2 giai đoạn, giai đoạn 1 công suất 1.500 MW, vận hành năm 2028-2029; giai đoạn 2 công suất 3.000 MW, vận hành năm 2031-2035. Đồng thời tỉnh cũng đề xuất Bộ Công thương thẩm định đưa dự án điện rác tỉnh Thái Bình công suất khoảng 20 MW vào Quy hoạch Điện VIII.
Tại Thái Bình hiện có Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình do Tập đoàn Điện lực Việt Nam làm chủ đầu tư với công suất thiết kế 600 MW đã vận hành thương mại ổn định từ tháng 3/2018. Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam làm chủ đầu tư với công suất thiết kế 1.200 MW đang được đầu tư.
Theo Sở Công Thương cho biết: Đến nay, đã có 4 nhà đầu tư gồm Công ty Cổ phần Tập đoàn tư vấn đầu tư xây dựng Hải Lý, Công ty Envision Energy, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hưng Hải, Công ty Cổ phần Phát triển kỹ thuật xây dựng xin nghiên cứu, khảo sát, lập hồ sơ dự án đầu tư điện gió.
Tập trung quy hoạch và phát triển điện gió, Thái Bình không chỉ đánh thức, khai thác tiềm năng tài nguyên gió phục vụ phát triển ngành công nghiệp năng lượng, bổ sung nguồn điện cho quốc gia mà còn góp phần hỗ trợ cho ngành công nghiệp phát triển ổn định, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của địa phương, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Để đẩy mạnh phát triển điện gió, mới đây lãnh đạo tỉnh Thái Bình đã làm việc với Bộ Công Thương và các tỉnh Quảng Ninh, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Thuận, Quảng Bình, Quảng Trị, Bình Thuận, Long An và Bạc Liêu về việc thống nhất nội dung, giải pháp triển khai đầu tư xây dựng các dự án nhiệt điện sử dụng khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) trên địa bàn các tỉnh, bảo đảm thực hiện đúng tiến độ trong quy hoạch điện VIII đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Theo quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 -2030, tầm nhìn đến 2050 (quy hoạch điện VIII) đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg. Theo đó, tổng công suất đặt ra đến năm 2030 là 150 - 160GW (gấp đôi tổng công suất đặt hiện nay).
Tại cuộc họp, ông Ngô Đông Hải - Bí thư Tỉnh Thái Bình đã báo cáo thực trạng hệ thống điện, nhu cầu phụ tải điện trên địa bàn tỉnh; tiến độ triển khai, những khó khăn và đề xuất khi thực hiện dự án điện khí LNG tại Thái Bình.
Theo ông Nguyễn Hồng Diên - Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định: An ninh năng lượng nói chung, điện nói riêng là vấn đề vô cùng quan trọng và cấp thiết, bởi năng lượng không chỉ là vấn đề kinh tế mà là vấn đề chính trị, an ninh, an toàn quốc gia, trật tự an toàn xã hội.
Để bảo đảm thực hiện đúng tiến độ các dự án điện khí, Bộ trưởng Bộ Công Thương yêu cầu phải có sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị từ trung ương đến địa phương; đồng thời đề nghị Tỉnh ủy, UBND các tỉnh, thành phố và các đơn vị có liên quan tập trung đôn đốc tiến độ và tạo điều kiện thuận lợi để các nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án; kịp thời giải quyết hoặc hỗ trợ giải quyết những khó khăn, vướng mắc (nhất là về mặt bằng, hạ tầng, môi trường, …) để không ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án; kiên quyết thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư nếu nhà đầu tư vi phạm các quy định hoặc trì hoãn không triển khai dự án theo quy định của pháp luật về đầu tư nhằm góp phần bảo đảm an ninh năng lượng nói chung và khả năng cung ứng điện nói riêng.
Đối với các dự án chưa có chủ đầu tư, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị khẩn trương rà soát, bổ sung dự án vào quy hoạch tỉnh và quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất của địa phương; khẩn trương lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi của nhà máy, triển khai các thủ tục cấp chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thực hiện dự án điện sử dụng khí LNG và các hạ tầng liên quan, phấn đấu hoàn thành trong quý III/2023; lập và trình báo cáo nghiên cứu khả thi nhà máy điện sử dụng khí LNG, phấn đấu hoàn thành trong quý IV/2023; phối hợp chặt chẽ với nhà đầu tư, Bộ Công Thương trong quá trình chuẩn bị đầu tư, xây dựng, vận hành dự án… bảo đảm tiến độ, hiệu quả.
Liên quan đến một số vướng mắc như: vấn đề quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, hạ tầng truyền tải, thỏa thuận đấu nối, thỏa thuận mua bán điện…Bộ trưởng Bộ Công Thương cho biết: Bộ sẽ phối hợp với lãnh đạo địa phương để kiến nghị Chính phủ: lập các tổ công tác trong Ban Chỉ đạo điện quốc gia về phát triển điện lực để kiểm tra, đôn đốc, hỗ trợ các địa phương; giao Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo khẩn trương hướng dẫn, hỗ trợ, giúp đỡ các địa phương, nhà đầu tư trong quá trình triển khai thực hiện; đồng thời khẩn trương tiến hành thẩm định thực hiện các nghĩa vụ, trách nhiệm khi nhà đầu tư đủ hồ sơ dự án.
Có thể bạn quan tâm