Quảng Nam và động lực nào đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế?
Giải ngân đầu tư công tại Quảng Nam đến nay chỉ đạt tỷ lệ 15,9%, liệu tăng trưởng kinh tế 6 tháng cuối năm có như kỳ vọng mà lãnh đạo tỉnh này đã khẳng định tại kỳ họp HĐND vừa qua….
>>Khó khăn bủa vây doanh nghiệp bất động sản Quảng Nam
Theo Sở KH&ĐT tỉnh Quảng Nam, đầu tư công vẫn là động lực tăng trưởng chính của Quảng Nam trước sự suy giảm GRDP hiện tại là điều không tranh cãi. Tất nhiên, suy giảm kinh tế trong 6 tháng đầu năm 2023 không phải là thảm họa khi dư địa của nền kinh tế địa Quảng Nam đang cố vượt thoát vẫn còn nhiều cơ hội để thay đổi tốc độ tăng trưởng.
Dư địa tăng trưởng kinh tế Quảng Nam trong những tháng còn lại của năm 2023 theo Chủ tịch UBND Quảng Nam Lê Trí Thanh và phân tích của cơ quan quản lý nhà nước là có cơ sở, bởi thương mại dịch vụ, du lịch đang phục hồi với nhiều chương trình, sự kiện liên tục diễn ra trên khắp các vùng đất Quảng để kích cầu và thu hút ngành công nghiệp không khói được xem là "con gà đẻ trứng vàng" với lợi thế tiềm năng của miền đất Di sản Thế giới.
Tỷ trọng thương mại - dịch vụ - du lịch trong cơ cấu GRDP sẽ tiếp tục gia tăng trong những tháng đến. Bên cạnh đó, Quốc hội đã có những quyết sách nhằm giảm bớt khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, tạo tiền đề cho tăng trưởng như tiếp tục chính sách giảm thuế giá trị gia tăng 2% hoặc giảm 50% mức thu lệ phí trước bạ đối với xe ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước (áp dụng từ 1/7/2023 đến hết năm 2023). Đây là động lực mạnh cho sự tăng trưởng của công nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô mà Quảng Nam kỳ vọng tăng trưởng GRDP.
Giám đốc Sở Tài chính Quảng Nam Đặng Phong khẳng định, với các chính sách kích cầu mà Chính phủ và Quốc hội thông qua, hy vọng những tháng còn lại của năm 2023 Quảng Nam sẽ đạt kế hoạch đặt ra cho dù là khó khăn. Đến thời điểm này, Quảng Nam đã đạt xấp xỉ 50%. Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ, sẽ không thể đáp ứng con số tiêu thụ xe như Thaco đề ra đầu năm. Nhưng hy vọng sẽ bán được xe, nguồn thu ngân sách từ Thaco sẽ giảm nhưng không lớn.
Việc đẩy mạnh đầu tư công và tư hay các nguồn khác tăng thêm như FDI, thủy điện, bia, nước ngọt... đang có chiều hướng gia tăng. Đây là tín hiệu vui mà Quảng Nam kỳ vọng sẽ tăng thêm tỷ trọng GRDP trong cơ cấu GRDP toàn tỉnh.
Chủ tịch UBND Quảng Nam Lê Trí Thanh cùng "nội các" của mình đã đưa ra nhiều biện pháp kích cầu mà như lời ông Thanh khẳng định là cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Mỗi cơ quan ban ngành tùy theo "chức phận" của mình làm tốt vai trò khơi thông hệ thống để phát triển kinh tế. Từ tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm, kích cầu tiêu dùng, khắc phục tình trạng thiếu vật liệu cung cấp cho dự án, giải phóng mặt bằng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện hồ sơ, thủ tục triển khai dự án, đảm bảo giải ngân toàn bộ vốn ngân sách đã giao.
Tổ công tác đặc biệt do Chủ tịch tỉnh là tổ trưởng và các thành viên là Phó Chủ tịch, Giám đốc Sở sẽ giải quyết nhanh những vấn đề vướng mắc của doanh nghiệp, sẵn sàng, chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư đã trở thành hành động cụ thể thì mục tiêu GRDP 9% năm 2023 không còn là vấn đề lo lắng.
Ông Thanh cho rằng sự suy giảm kinh tế là điều đáng lo. Tuy nhiên, vấn đề là làm thế nào để phát triển kinh tế, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập xã hội, tăng thu ngân sách nhà nước, giảm áp lực khó khăn tài chính, tiếp tục đầu tư cho phát triển, phân phối lại thu thập cho những đối tượng yếu thế của xã hội…là vấn đề cốt lõi mà chính quyền Quảng Nam đã và đang triển khai thực hiện.
"Suy giảm kinh tế là hiện hữu, nhưng Quảng Nam không tính chuyện điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng để "làm đẹp" bản báo cáo khi kết thúc năm 2023, mà chỉ hiệu triệu cả hệ thống chính trị, cộng đồng doanh nghiệp và người dân cùng đồng lòng thực hiện các giải pháp, kế hoạch để đạt các chỉ tiêu đề ra từ đầu năm", Chủ tịch UBND Quảng Nam Lê Trí Thanh nói.
Tổng vốn đầu tư công năm 2023 là hơn 9.200 tỷ đồng, trong đó, kế hoạch vốn năm 2023 là hơn 7.700 tỷ đồng, kế hoạch vốn năm 2022 kéo dài hơn 1.400 tỷ đồng. Theo số liệu Kho bạc Nhà nước tỉnh Quảng Nam, tính đến ngày 31/5, vốn đầu công năm 2023 (không bao gồm các dự án do trung ương quản lý) giải ngân hơn 1.300 tỷ đồng, đạt 14,7%. Trong đó, nguồn vốn ngân sách trung ương giải ngân hơn 230 tỷ đồng, đạt 7,7%; vốn ngân sách địa phương giải ngân hơn 800 tỷ đồng, đạt 23,1%.
Giám đốc Sở KH&ĐT Quảng Nam Nguyễn Quang Thử khẳng định tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công sẽ tăng mạnh trong những tháng còn lại, bởi hầu hết các dự án đã hoàn thành giai đoạn chuẩn bị, đang triển khai đầu tư dự án. Vì vậy việc nhanh chóng giải ngân các dự án đầu tư công chỉ là vấn đề của thủ tục hành chính.
Hy vọng với những quyết sách cùng những cơ chế từ Quốc hội và Chính phủ sẽ là động lực để Quảng Nam chạy đua nước rút những tháng còn lại của năm 2023 hoàn thành kế hoạch đặt ra giữa bao lo toan của suy giảm kinh tế. Qua cơn mưa trời lại sáng!
Có thể bạn quan tâm