Tỉnh Quảng Nam gỡ rối chính sách để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp

TUẤN VỸ 28/06/2023 10:47

Hiện tại, cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam vẫn còn gặp nhiều khó khăn trong tái thiết hoạt động, do đó cần có thêm nhiều chính sách thực tiễn để hỗ trợ.

>>Khó khăn bủa vây doanh nghiệp bất động sản Quảng Nam

Theo số liệu, 6 tháng đầu năm cả tỉnh Quảng Nam có 613 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, giảm 53 doanh nghiệp so với cùng kỳ; số vốn đăng ký đạt gần 3.665 tỷ đồng, giảm 697 tỷ đồng. Vốn đăng ký bình quân một doanh nghiệp thành lập mới đạt trên 5,97 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động là 277 doanh nghiệp, giảm 158 doanh nghiệp. So với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp đã giải thể là 66 doanh nghiệp, 43 doanh nghiệp, số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động 718 doanh nghiệp, tăng 49 doanh nghiệp.

Theo tỉnh Quảng Nam, mặc dù các ngành, địa phương đã tập trung nỗ lực và tích cực thực hiện nhưng tình hình kinh tế 6 tháng đầu năm 2023 vẫn còn gặp khó khăn, hạn chế. Trong đó,  một số nguồn thu ngân sách nhà nước đạt thấp, tăng trưởng kinh tế giảm sâu so với cùng kỳ, tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - xây dựng giảm sâu so với năm 2022.

Cùng với đó, ngành du lịch, dịch vụ vẫn chưa phục hồi hoàn toàn, đầu tư công tiếp tục là điểm nghẽn, kết quả giải ngân 6 tháng đầu năm năm 2023 thấp hơn so với kết quả cùng kỳ và chưa đạt yêu cầu đặt ra. Tổng kim ngạch hàng hoá xuất nhập khẩu giảm, chỉ số sử dụng lao động của doanh nghiệp công nghiệp giảm, số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động giảm trong khi số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động tăng...

a

Hoạt động của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Nam gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh hiện tại.

Nguyên nhân khách quan, tỉnh Quảng Nam chi hay do ảnh hưởng dịch bệnh và tình hình kinh tế thế giới, giá mặt hàng nhiên liệu, lương thực, vật liệu xây dựng,... tăng cao dẫn đến chuỗi cung ứng đứt gãy, nhu cầu, đơn hàng sụt giảm. Các chính sách thắt chặt tín dụng, hoạt động bất động sản lắng đọng, chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ hết hiệu lực, chính sách gia hạn thời hạn nộp thuế theo Nghị định số 12/2023/NĐ-CP của Chính phủ... Ngoài ra, quy định của pháp luật về đầu tư, môi trường, đất đai, tài nguyên còn nhiều vướng mắc, công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo hình thức tự thỏa thuận còn gặp nhiều khó khăn và thiếu các mỏ đá, đất,...

Về nguyên nhân chủ quan, động lực phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam trong nhiều năm nay là khu vực công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp sản xuất lắp ráp ô tô, hệ sinh thái Công nghiệp của Trường hải chiếm tỷ trọng lớn nhưng giảm, các ngành khác khó bù đắp. Công tác giải phóng mặt bằng chưa được tập trung giải quyết dứt điểm, công tác quản lý hiện trạng, thỏa thuận bồi thường giải phóng mặt bằng, xác nhận nguồn gốc sử dụng đất vẫn còn nhiều vướng mắc, thiếu nguyên vật liệu đất đắp cho một số dự án đầu tư,...

Do đó, Quảng Nam định hướng triển khai kế hoạch thực hiện một số chính sách, giải pháp trọng tâm đồng hành, hỗ trợ doanh nghiệp chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và bền vững theo chỉ đạo của Chính phủ và phù hợp với tình hình thực tế của doanh nghiệp. Cụ thể, nâng cao trách nhiệm phối hợp của các Sở, ngành và địa phương trong tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, nhà đầu tư.

Đồng thời, triển khai có hiệu quả hoạt động của Tổ công tác đặc biệt của UBND tỉnh về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư, ban hành Kế hoạch cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2023. Tiếp tục tháo gỡ các vướng mắc về quy định pháp luật và trình tự, thủ tục cũng như tổ chức triển khai thực hiện các dự án bất động sản, nhất là liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, đấu thầu, đấu giá,… khó khăn vướng mắc liên quan công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, quản lý hiện trạng, đẩy nhanh tiến độ thực hiện và hoàn thành dự án.

Bất động sản và xây dựng

Lĩnh vực cất động sản và xây dựng vẫn trong tình trạng "dậm chân tại chỗ" vì nhiều vướng mắc.

Rà soát việc phê duyệt quy hoạch, chấp thuận chủ trương đầu tư, lựa chọn chủ đầu tư. Phân nhóm các dự án đầu tư về chậm tiến độ, việc đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật, xây dựng kế hoạch, thời gian thực hiện từng nhóm dự án cụ thể. Đồng thời, rà soát việc thu hồi dự án đầu tư xây dựng nhà ở theo chỉ đạo của Tỉnh ủy tại Thông báo số 468-TB/TU ngày 06/12/2022 về kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc rà soát các dự án đầu tư chậm tiến độ trên địa bàn tỉnh.

Quảng Nam cũng sẽ tiến hành rà soát, kiểm tra các khu vực đề nghị bổ sung quy hoạch khoáng sản làm vật liệu xây dựng để trình HĐND tỉnh xem xét bổ sung các điểm mỏ vào Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường nhằm phục vụ nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng của địa phương trong thời gian đến. Theo dõi chặt chẽ, đánh giá, phân tích đầy đủ, kịp thời các chính sách kích cầu, chính sách thuế của Chính phủ, giá cả thị trường và những tác động khác... ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, để kịp thời có giải pháp hỗ trợ tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp và người dân.

Nhìn nhận về vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp, ông Hồ Anh Tuân, Phó Giám đốc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chi nhánh Đà Nẵng (VCCI Đà Nẵng) cho rằng hiện nay cộng đồng doanh nghiệp vẫn cần hỗ trợ nhiều hơn nữa để vượt qua giai đoạn khó khăn. Cùng với đó, ông Tuân cũng thông tin vừa qua VCCI Đà Nẵng đã thực hiện một số giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, địa phương như giảm chi phí và nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao chỉ số PCI, giảm thủ tục, hành chính, tiếp cận các hiệp định FTA,...

“Cùng với đó là kiến nghị với Nhà nước, địa phương có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như Nghị định 136, giảm thuế VAT 2%, giảm phí,... Đặc biệt VCCI cũng đã kiến nghị các cơ quan liên quan về vấn đề giảm các cuộc thanh tra, kiểm tra”, ông Tuân nói.

Nhiều kiến nghị liên quan

Các kiến nghị liên quan đến vấn đề tinh giảm thủ tục hành chính, đơn giản hóa thủ tục hỗ trợ,... nhận được nhiều sự quan tâm từ doanh nghiệp.

Đối với các địa phương, ông Hồ Anh Tuân cho rằng các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp từ Trung ương đến địa phương hiện nay rất nhiều nhưng khá rối, cho nên cần tích hợp lại theo nhóm để doanh nghiệp dễ tiếp cận. Đồng thời, các thông tin hỗ trợ cần được đăng tải công khai tại một địa chỉ nhất định để tiết kiệm thời gian tìm kiếm.

“Đồng thời, những chính sách hỗ trợ liên quan đến hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng các ưu đãi từ thị trường vẫn còn thiếu, do vậy các địa phương cần quan tâm đến lĩnh vực này. Đây cũng là một thế mạnh của VCCI, các doanh nghiệp có thể liên hệ đến đơn vị để được hỗ trợ. Đặc biệt, trước khi đưa ra chính sách hỗ trợ thì các địa phương cần xem xét rõ theo ngành, nghề để hành động cụ thể và hiệu quả hơn”, ông Tuân đề xuất thêm.

Trước đó, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cũng đã có báo cáo đến Tổ công tác đặc biệt tỉnh Quảng Nam về tình hình “sức khỏe” của cộng đồng doanh nghiệp trên địa bàn. Tại báo cáo, đơn vị nêu rõ các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực xây dựng và bất động sản đang gặp muôn vàn những khó khăn.

Vì vậy, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Quảng Nam cũng đã đề xuất các phương án tháo gỡ pháp lý, xem xét điều chỉnh chi phí dự án, hỗ trợ giải phóng mặt bằng,... để giảm gánh nặng cho doanh nghiệp.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Nam và động lực nào đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế?

    Quảng Nam và động lực nào đẩy nhanh tăng trưởng kinh tế?

    03:36, 27/06/2023

  • Quảng Nam kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào sâm Ngọc Linh

    Quảng Nam kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào sâm Ngọc Linh

    04:36, 24/06/2023

  • Kỳ vọng mùa hè sôi động cho du lịch Quảng Nam

    Kỳ vọng mùa hè sôi động cho du lịch Quảng Nam

    02:00, 24/06/2023

TUẤN VỸ