TP Hội An (Quảng Nam): Tìm mọi biện pháp để bảo vệ vùng sinh cảnh nổi tiếng thế giới
Chính quyền TP Hội An (Quảng Nan) đang tìm mọi biện pháp để phục hồi từ kích cầu du lịch đến bảo vệ loại sản vật nổi tiếng thế giới là yến sào Cù Lao Chàm….
>>Quảng Nam kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào sâm Ngọc Linh
Ngành thương mại dịch vụ du lịch Hội An được xem là "con gà đẻ trứng vàng" với đô thị cổ Hội An thu hút hàng triệu khách du lịch trong và ngoài nước mỗi năm. Trải qua 2 năm dịch bệnh Covid-19, khiến hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh nhà hàng, khách sạn điêu đứng, nguồn thu ngân sách của Hội An sụt giảm nghiêm trọng.
Không chỉ ngành thương mại dịch vụ du lịch điêu đứng mà ngành kinh tế mũi nhọn tạo nguồn thu ngân sách mỗi năm hàng trăm tỷ đồng từ yến sào đảo Cù Lao Chàm. Đây là đặc sản và được ví như "vàng trắng" mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất đảo Cù Lao Chàm, TP. Hội An.
Trải qua bao dâu bể, khi ngành nuôi yến nhà trên đất liền phát triển cùng với biến đổi khí hậu và vùng sinh cảnh của đàn chim yến trời ban tặng ngày càng thu hẹp, sản lượng "vàng trắng" nổi tiếng ngày càn sụt giảm gây thất thu ngân sách mỗi năm hàng chục tỷ đồng.
Chính quyền địa phương Hội An tìm mọi biện pháp để bảo vệ nhưng số lượng đàng chim yến ngày càng suy giảm khó có khả năng hồi phục. Nếu không nói là nguy cơ loại sản vật nổi tiếng này của Hội An bị tuyệt diệt trong tương lai gần nếu không có biện pháp hữu hiệu để bảo vệ.
Giám đốc Ban Quản lý và khai thác yến Cù Lao Chàm Hội An Cao Văn Năm, người ăn ngủ cùng đàn chim yến Cù Lao Chàm Hội An cho biết, từ năm 2012 đến nay, sản lượng khai thác tổ yến Cù Lao Chàm liên tục sụt giảm, bình quân mỗi năm gần 10%.
Chỉ tính riêng 3 năm gần đây sản lượng tổ đã giảm từ khoảng 727kg (năm 2017) xuống còn hơn 591kg (năm 2019), nếu so với năm 2012 (khoảng 1,3 tấn) thì sản lượng năm 2019 đã sụt giảm hơn 50%.
Với 4 mức giá (tương đương 4 loại yến) bán ra thị trường hiện nay gồm yến quang (giá 14,5 triệu đồng/lạng, trọng lượng tổ hơn 12gram), yến thiên (12,6 triệu đồng/lạng, tổ hơn 11gram); yến bài (9,7 triệu đồng/lạng, tổ hơn 5gram) và yến mảnh (yến tạp, giá 7,5 triệu đồng/lạng) tính ra số tiền thất thu từ sụt giảm sản lượng yến Cù Lao Chàm mỗi năm hàng tỷ đồng.
Yến Cù Lao Chàm được thị trường đánh giá cao về chất lượng. Trong đó hơn 70% sản lượng khai thác được xuất khẩu ra nước ngoài (phần lớn là Hồng Kông), còn lại tiêu thụ trong nước.
Trên đảo Cù Lao Chàm có 9 hang đá chim yến cư trú làm tổ, tuy nhiên tập trung nhiều nhất tại 4 nơi là hang Khô, hang Cả, hang Tò Vò, hang Lẻ. Trong đó, hang Khô có sản lượng cao nhất, riêng năm 2019 tại đây thu hoạch 28.133 tổ, trọng lượng hơn 205kg.
Việc sụt giảm nghiêm trọng sản lượng yến sào Cù Lao Chàm sau hơn 1 thập kỷ qua đã được chính quyền TP. Hội An tìm mọi biện pháp để phục hồi. Tuy nhiên, mọi biện pháp đều bất thành và chưa có dấu hiệu phục hồi.
Vào năm 2012 - 2013, sản lượng yến sào Cù Lao Chàm khai thác được trên dưới 1,3 tấn/năm. Đến năm 2019 chỉ còn gần 600kg và đến năm 2022 chỉ còn hơn 100kg.
Theo tính toán của cơ quan chức năng Hội An, trong 3 năm gần đây mỗi năm sản lượng yến sào khai thác năm sau giảm khoảng 60% so với năm trước. Để bảo vệ và phục hồi đàn chim yến Cù Lao Chàm, mùa khai thác yến sào năm 2023 Hội An chỉ cho phép khai thác 1 vụ thay vì 2 vụ như mọi năm. Dự kiến tổng thu ngân sách từ khai thác yến nộp vào ngân sách khoảng 50 tỷ đồng.
Hơn 2 thập kỷ về trước, yến sào Cù lao Chàm đóng vai trò chủ lực trong nguồn thu ngân sách của TP. Hội An. Khi được hỏi nguyên nhân vì sao sản lượng yến sào Cù Lao chàm suy giảm và việc thất thu nguồn ngân sách từ sản vật này có ảnh hưởng đến kế hoạch của Hội An trong những năm đến?
Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Sơn cho biết việc sụt giảm sản lượng yến sào Cù Lao Chàm là đáng lo ngại không chỉ thất thu ngân sách mà chính quyền TP. Hội An lo ngại nếu không có biện pháp hữu hiệu để phục hồi đàn chim yến thì nguy cơ một sản vật nổi tiếng sẽ bị mai một trong tương lai.
Trước nguy cơ thất thu sản lượng yến và nguy cơ suy giảm nghiêm trọng đàn chim yến tại đảo Cù Lao Chàm, Hội An, theo ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch TP Hội An cho rằng đến thời điểm này, mặc dù thất thu nguồn ngân sách từ thu tổ yến. Nhưng chủ trương của chính quyền địa phương là không đặt nặng về nguồn thu ngân sách mà tìm mọi biện pháp bảo vệ, phục hồi đàn chim yến như trường hợp năm nay (2023) chỉ khai thác 1 vụ thay bằng 2 vụ như những năm trước đây.
Bảo tồn, phát triển đàn yến Cù Lao Chàm đến thời điểm này không chỉ chính quyền Hội An mà lãnh đạo Quảng Nam quan tâm làm thế nào để bảo vệ và phát triển loại sản vật nổi tiếng mà thiên nhiên hào phóng ban tặng cho Quảng Nam từ mấy trăm năm qua là vô cùng cấp thiết. Cũng như việc bảo tồn đô thị cổ Hội An-Di sản Thế giới luôn là vấn đề trọng tâm mà chính quyền địa phương TP. Hội An, Quảng Nam luôn đặt lên hàng đầu.
Có thể bạn quan tâm
Quảng Nam và câu chuyện khôi phục cổ phần vốn nhà nước liệu có thành công?
13:18, 29/06/2023
6 vướng mắc của doanh nghiệp bất động sản Quảng Nam
05:00, 29/06/2023
Quảng Nam làm gì để xứng tầm là vùng đất mở cho khởi nghiệp sáng tạo?
00:33, 29/06/2023
Tỉnh Quảng Nam gỡ rối chính sách để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp
10:47, 28/06/2023