Làm gì để đô thị Hội An trở thành đô thị kiểu mẫu như kỳ vọng?
Xây dựng Hội An theo mô hình đô thị kiểu mẫu "thịnh vượng, hấp dẫn, sống tốt" là vấn đề mà Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu khẳng định trong chiến lược xây dựng và phát triển đô thị Hội An.
>>Quảng Nam hướng tới top 20 PCI
Theo định hướng đến năm 2030, Hội An sẽ trở thành thành phố sinh thái - văn hóa - du lịch. Đây là vấn đề nói đi đôi với làm mới mong trở thành hiện thực. Bởi đô thị Hội An vẫn còn nhiều rào cản, vướng mắc chưa thảo gỡ để bức phá như kỳ vọng…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hồ Quang Bửu thừa nhận, những năm qua dù đã đạt nhiều thành tựu trong công tác bảo tồn và phát triển nhưng công tác quy hoạch và thu hút nguồn lực đầu tư của Hội An không theo kịp nhu cầu phát triển, nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa, mất cân bằng trong phát triển đặt ra nhiều thách thức.
Vậy làm thế nào để giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa kế thừa, bảo tồn và phát triển, bản sắc chung và tính đặc thù, lấy sinh thái văn hóa làm nền tảng, động lực để phát triển kinh tế - xã hội theo phương châm “bảo tồn để phát triển”, “phát triển để bảo tồn”? Đây là vấn đề không hề đơn giản đã được đặt ra trên bàn Hội thảo khoa học từ nhiều thập kỷ trước với nhiều đóng góp ý kiến của các nhà khoa học, bảo tồn và các chuyên gia kinh tế. Nhưng đến nay vẫn chưa được thảo gỡ.
Với mục tiêu mà tỉnh Quảng Nam đặt ra đến năm 2030, xây dựng và phát triển Hội An đạt các tiêu chí cơ bản của đô thị loại II và đô thị du lịch quốc gia, mang tính đặc thù về sinh thái, di sản văn hóa, cảnh quan, môi trường, hiện đại, có bản sắc riêng với Đô thị cổ Hội An và Khu dự trữ sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm mà Hội An là hạt nhân, là trung tâm.
Phó Chủ tịch UBND Quảng Nam Hồ Quang Bửu khẳng định: Việc kết nối hệ sinh thái di sản đa dạng và lan tỏa, bảo tồn và phát triển đô thị theo kiểu mẫu cấu trúc “phố - làng”. Phấn đấu theo mô hình đô thị kiểu mẫu “thịnh vượng, hấp dẫn, sống tốt”. Xây dựng thành phố "3 không" về an ninh, trật tự, an toàn xã hội là những vấn đề cấp thiết cần thực hiện.
Mục tiêu đặt ra về kinh tế, đến năm 2030, GRDP bình quân đầu người đạt 100 triệu đồng, Hội An sẽ không còn hộ nghèo, không có người ăn xin, tổng lượt khách đến Hội An đạt khoảng 3-4 triệu lượt/năm.
Cơ cấu kinh tế theo hướng đa ngành, liên ngành trong đó kinh tế du lịch đóng vai trò mũi nhọn; gắn kết chặt chẽ giữa phát triển du lịch bền vững với giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, môi trường, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội đang là định hướng mà đô thị Hội An đạt đến trong vòng 7 năm đến.
Để thực hiện những vấn đề cốt lõi đặt ra, ngay từ bây giờ đòi hỏi cả hệ thống chính trị của chính quyền đô thị Hội An đổi mới tư duy, cơ cấu ngành du lịch để phù hợp bối cảnh mới vận hành theo cơ chế thị trường và hội nhập.
Theo ông Hồ Quang Bửu, trước mắt cần rà soát đánh giá lại toàn bộ hoạt động ngành du lịch, hạn chế đầu tư phát triển du lịch tự phát. Đẩy mạnh kinh tế đêm cùng các loại hình du lịch đường thủy, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm…
Phó Chủ tịch UBND TP.Hội An, Nguyễn Văn Lanh cho rằng để thực hiện khát vọng đô thị Hội An trở thành đô thị kiểu mấu trong 7 năm đến ngay từ bây giờ phải xác định chiến lược trọng tâm là người dân, doanh nghiệp, chính quyền và đô thị. Đây là nền tảng để triển khai định hướng nào ưu tiên hướng tới và phù hợp với các mục tiêu phát triển bền vững trong kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn.
Về dài hạn, ông Lanh cho rằng điều đáng chú ý ở trọng tâm "người dân" bởi đô thị cổ Hội An là đô thị đặc thù cần sớm nghiên cứu xây dựng bộ tiêu chí "Hạnh phúc" riêng cho Hội An.
Để tập trung phát triển kinh tế cần cân bằng trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giảm phụ thuộc vào du lịch. Vấn đề đô thị sẽ lập đề xuất xây dựng nền kinh tế tuần hoàn. Riêng chính quyền đô thị cần thúc đẩy cộng đồng tham gia tự nguyện vào các ủy ban, hiệp hội, chương trình sáng kiến cộng đồng…Nếu giải quyết tốt các vấn đề này mới kỳ vọng đô thị Hội An bức phá trở thành đô thị kiểu mẫu.
Tuy nhiên theo nhiều chuyên gia kinh tế cũng như các nhà khoa học tại các diễn đàn kinh tế và Hội thảo khoa học giành riêng cho Hội An đã khẳng định để đạt được như kỳ vọng một đô thị kiểu mẫu mà chính quyền Quảng Nam đặt ra cho Hội An rất cần một cơ chế đặc thù.
Trong dự thảo nghị quyết và đề án báo cáo UBND tỉnh trước khi trình Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 11 (khóa XXII) sắp tới, Hội An đề xuất khá nhiều cơ chế, chính sách và xem đây là "chìa khóa" quyết định để quyết định sự "thành bại" khi xây dựng đô thị Hội An thành đô thị kiểu mẫu. Trong các nhóm cơ chế được đề xuất tập trung vào quy hoạch - xây dựng - đất đai; phân cấp - phân quyền và ngân sách - tài chính - đầu tư.
Chủ tịch UBND TP.Hội An Nguyễn Văn Sơn cho rằng nhiều vấn đề ở cơ sở mà chính quyền Hội An rất muốn và có thể giải quyết tốt nhưng không triển khai được vì quy định không cho phép với một chính quyền cấp thành phố trực thuộc tỉnh.
"Để Hội An trở thành đô thị kiểu mẫu như kỳ vọng, ngay từ bây giờ phải xây dựng các cơ chế đặc thù để bảo vệ quy hoạch, bảo tồn sinh thái, giữ và phát huy giá trị nguồn nhân lực văn hóa…Nếu không có chế đặc thù, không phân cấp mạnh, và áp dụng cứng nhắc theo quy định hiện hành thì việc bảo tồn đô thị cổ Hội An là khó khả thi", ông Sơn nhấn mạnh.
Có thể bạn quan tâm