Khu kinh tế Đông Nam Quảng Trị bao giờ thành hình?
Với chức năng là động lực và trọng điểm, khu kinh tế (KKT) Đông Nam Quảng Trị được kỳ vọng mang lại diện mạo mới. Nhưng từ khi triển khai đến nay gặp phải rất nhiều cản trở.
>>MDF Quảng Trị - bệ đỡ cho kinh tế lâm nghiệp
Khu tái định cư vắng bóng dân
Đến thời điểm này KKT Đông Nam Quảng Trị có 55 dự án với tổng số vốn lên đến 375.000 tỷ đồng, được quy hoạch bài bản trong không gian rộng lớn bao hàm 17 xã thuộc các huyện Gio Linh, Hải Lăng và Triệu Phong, vùng lõi KKT gồm những dự án trọng điểm tại các xã miền biển Hải An, Hải Khê, Hải Ba huyện Hải Lăng.
Từ năm 2018, UBND tỉnh, các sở, ngành và chính quyền cơ sở gấp rút giải phóng mặt bằng, tái thiết hạ tầng cơ sở, di dân, giao đất cho nhà đầu tư. Sau 5 năm, hình hài KKT cơ bản hoàn thành, vùng biển bãi ngang giờ đây mang dáng dấp công nghiệp.
Theo ghi nhận của phóng viên Diễn đàn Doanh nghiệp, tại xã Hải Khê, khu vực tái định cơ đã hoàn thành, hạ tầng điện, đường, trường, trạm, trụ sở hành chính, trường học,… khang trang, hiện đại đã đi vào hoạt động. Nhưng điều quan trọng nhất là dân thì chưa có gia đình nào chuyển đến dù đã chia lô, phân nền!
Ngư phủ cao tuổi Phan Thanh Phúng bày tỏ tâm tư khi được nghe thông tin về việc tái định cư: “chúng tôi sẵn sàng di dời chấp hành chủ trương của nhà nước”. Tuy nhiên, ông cũng không khỏi lo lắng băn khoăn: “lên đó rồi không biết có còn được làm nghề biển, có thuận lợi làm ăn như bao đời nay”.
Trao đổi với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Trương Văn Cần, Bí thư Đảng ủy xã Hải Khê cho biết: “người dân cơ bản đồng thuận với chủ trương, công tác kiểm kê, quy chủ tài sản đã hoàn thành nhưng nhà đầu tư chưa chưa chi trả nên công tác di dân chưa thể triển khai”.
Mòn mỏi ngóng dự án
Cảng nước sâu Mỹ Thủy do Công ty Cổ phần liên doanh cảng Quốc tế Mỹ Thủy làm chủ đầu tư. Quy mô diện tích 685 ha, tổng vốn đầu tư dự án 14.234 tỷ đồng sau nhiều năm vẫn chưa thể thi công, do khâu giải phóng mặt bằng gặp trở ngại.
Theo thông tin mới nhất từ Ban quản lý KKT tỉnh Quảng Trị, riêng giai đoạn I của dự án người dân mới đồng thuận giải tỏa 112,537ha/133,67 ha, còn lại 21,683ha đang gặp vướng mắc về mặt thủ tục.
Trong đó, công tác chuyển đổi mục đích sử dụng rừng phục vụ dự án chưa được Thủ tướng phê duyệt; chưa hoàn thành công tác bồi thường, hỗ trợ để giải phóng mặt bằng toàn bộ diện tích nhà đầu tư yêu cầu.
Đại diện doanh nghiệp này kiến nghị UBND tỉnh sớm có văn bản gửi Bộ NN&PTNT để làm rõ một số nội dung liên quan đến quy hoạch 3 loại rừng cấp tỉnh, quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh, đưa vị trí thực hiện dự án ra khỏi khu vực bảo tồn khoáng sản quốc gia.
Tất cả 3 dự án trọng điểm và 7 dự án động lực, có vốn đầu tư nước ngoài đều rơi vào tình thế chậm tiến độ bởi những lý do tương tự nhau, điển hình như: Dự án trung tâm điện khí LNG Hải Lăng; Dự án kho xăng dầu Việt - Lào; Khu bến cảng CFG Nam Cửa Việt; Nhà máy sản xuất Inox và thép hợp kim; Nhà máy sản xuất trang phục lót và hàng thể thao.
Ông Phạm Ngọc Minh, Giám đốc Ban quản lý KKT tỉnh Quảng Trị cho biết: “công tác chuyển mục đích sử dụng rừng kéo dài làm ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành các thủ tục như thuê đất, hoàn thành phương án nộp tiền trồng rừng thay thế để triển khai thi công dự án. - Chưa hoàn thành việc định giá đất cụ thể để bố trí tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng di dời, giải phóng mặt bằng của dự án giai đoạn 1”.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân tỉnh Quảng Trị Võ Văn Hưng khẳng định, hạ tầng cơ sở của giao thông có vai trò vô cùng quan trọng trong thu hút đầu tư phục vụ phát triển kinh tế-xã hội. Vì vậy, đề nghị Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị bám sát nhiệm vụ được giao, đẩy mạnh hơn nữa giúp đỡ các nhà đầu tư sớm hoàn thiện các hồ sơ dự án để phấn đấu sớm triển khai thi công Dự án Khu bến cảng Mỹ Thủy.
Có thể bạn quan tâm