Bắc Ninh xếp thứ 2 cả nước về chỉ số “Đào tạo lao động”
Chỉ số đào tạo lao động là 1 trong 10 chỉ số thành phần PCI, năm 2022, tỉnh Bắc Ninh đã vươn lên xếp thứ 2 /63 tỉnh, thành phố với 7,57 điểm.
Đây là sự quyết tâm của tỉnh, cũng như hướng tới đồng hành cùng doanh nghiệp suốt thời gian qua.
Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Nhân Chinh, Giám đốc Sở LĐ-TBXH tỉnh Bắc Ninh chia sẻ định hướng mà Bắc Ninh đang làm đó là đào tạo lao động (ĐTLĐ) đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp.
- Đào tạo lao động theo cách của Bắc Ninh được tỉnh quan tâm sát sao như thế nào thưa ông?
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của các doanh nghiệp (DN), nhất là DN FDI trên địa bàn tỉnh, các trường dạy nghề của Bắc Ninh đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ; nỗ lực nâng cao chất lượng đào tạo theo hướng sát với yêu cầu thực tế của DN. Các trường nghề cũng đã tăng cường kết nối để đưa HS,SV đi thực hành tại DN, từ đó, nâng cao kỹ năng nghề cũng như cơ hội có việc làm sau khi ra trường của học viên.
Ngành LĐ-TBXH tỉnh tích cực tham mưu các cơ chế chính sách hỗ trợ đào tạo, tuyển dụng lao động đối với các dự án thuộc lĩnh vực, ngành nghề khuyến khích thu hút đầu tư vào tỉnh; cung ứng nguồn lao động đáp ứng nhu cầu về chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển của tỉnh. Đây là những giải pháp hết sức thiết thực nhằm tiếp tục nâng cao Chỉ số ĐTLĐ của Bắc Ninh trong thời gian tới; nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 78%.
- Nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp, để tạo ra nguồn nhân lực chất lượng cao được tỉnh quan tâm như thế nào thưa ông?
Tỉnh đã thu hút được nhiều dự án đầu tư lớn của các doanh nghiệp trong và ngoài nước. Vì vậy, việc phát triển nguồn nhân lực đặc biệt là nhân lực chất lượng cao được xác định là một trong những nhiệm vụ, giải pháp then chốt hàng đầu nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển KT-XH của địa phương.
Để cải thiện chỉ số “Đào tạo lao động” của tỉnh Bắc Ninh trong năm 2023 và các năm tiếp theo, công tác GDNN tỉnh sẽ tập trung thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu sau: Tăng cường công tác quản lý nhà nước về GDNN; Nâng cao chất lượng hiệu quả GDNN; Tăng cường hiệu quả công tác đào tạo gắn với việc làm; Đẩy mạnh các hoạt động đào tạo, rèn luyện kỹ năng mềm trong các cơ sở GDNN; Đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong GDNN.
Tỉnh có 53 cơ sở GDNN được cấp phép hoạt động, cơ cấu và chất lượng đào tạo theo hướng hiện đại, linh hoạt, hiệu quả và phát triển bền vững. Bắc Ninh sẽ đẩy mạnh hợp tác, liên kết đào tạo với sự tham gia của các trường và DN, trong đó một số nghề tiếp cận trình độ cấp quốc gia và quốc tế.
- Để đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp, tỉnh đưa ra các giải pháp nâng cao chất lượng về ĐTLĐ thưa ông?
Mục tiêu cụ thể đến năm 2025 của Kế hoạch là: tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 80% và đạt 90% vào năm 2030, trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 45% năm 2025 và đạt 55% năm 2030, tỷ lệ lao động có kỹ năng công nghệ thông tin đạt 85% năm 2025 và đạt 95% năm 2030; thực hiện xây dựng trường chất lượng cao; 07 trường trọng điểm; 28 ngành nghề trọng điểm bao gồm: 8 cấp quốc tế; 05 cấp khu vực ASIAN và 15 cấp quốc gia; thực hiện chuyển giao công nghệ trong đào tạo chất lượng cao theo chuẩn của CHLB Đức, Úc, các tổ chức quốc tế, …); khuyến khích thành lập mới cơ sở GDNN tư thục, cơ sở GDNN của DN và có vốn đầu tư nước ngoài.
Giải pháp nâng cao chất lượng ĐTLD như sau: (1). Xây dựng và thực hiện có hiệu quả Quy hoạch mạng lưới cơ sở GDNN tỉnh Bắc Ninh theo hướng mở, linh hoạt, bảo đảm quy mô, cơ cấu, hợp lý về ngành nghề, trình độ đào tạo, chuẩn hóa, hiện đại hóa, có phân tầng chất lượng; (2). Rà soát, sáp nhập hoặc giải thể các cơ sở GDNN yếu kém, hoạt động không hiệu quả, không đủ năng lực triển khai tự chủ; (3). Nhân rộng các mô hình gắn kết hiệu quả như mô hình 1+1+1, mô hình đào tạo kép, mô hình đào tạo theo địa chỉ, đơn đặt hàng; triển khai thực hiện có hiệu quả công tác hợp tác, liên kết giữa cơ sở GDNN với doanh nghiệp trong tuyển sinh - đào tạo gắn với tuyển dụng việc làm sau tốt nghiệp.
Chất lượng GDNN được nâng cao, ngoài ý nghĩa bảo đảm đủ nguồn nhân lực đáp ứng thị trường lao động, còn làm thay đổi năng lực tư duy sản xuất cho lao động trẻ. Qua đó tạo nên một thế hệ năng động, sáng tạo, có tác phong công nghiệp phù hợp với thời đại 4.0.
Đó là cơ sở quan trọng để các cơ sở GDNN và các DN tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm, đáp ứng yêu cầu của thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế cũng như làn sóng đầu tư mới. Điều đó sẽ góp phần nâng cao thứ hạng năng lực cạnh tranh, tăng điểm số, thứ bậc của chỉ số “Đào tạo lao động” cũng như Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Bắc Ninh trong các năm tiếp theo.
- Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm