Quảng Ninh: Phát triển hạ tầng giao thông tạo liên kết vùng

HẢI NGÂN 19/07/2023 07:29

Quảng Ninh đang tập trung đầu tư đồng bộ kết cấu hạ tầng giao thông để nâng cao khả năng kết nối, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các vùng lân cận.

>>>Quảng Ninh: Tăng cường tính minh bạch trong hoạt động xuất nhập khẩu

Đầu tư thêm 4 dự án giao thông

Quảng Ninh vừa thông qua chủ trương đầu tư 4 dự án giao thông kết nối nội tỉnh và liên tỉnh với Bắc Giang, Lạng Sơn, Hải Dương. Các dự án này có tổng vốn ngân sách thực hiện là gần 6.200 tỷ đồng, triển khai trên địa bàn vùng cao TP Hạ Long và TX Đông Triều theo Nghị quyết số 150/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Quảng Ninh. Việc thông qua chủ trương triển khai các dự án không chỉ cụ thể hoá Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt mà còn hiện thực hoá các chương trình phối hợp giữa tỉnh Quảng Ninh với các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương và Lạng Sơn.

Công trường thi công tuyến đường tỉnh 342 qua huyện Ba Chẽ (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Công trường thi công tuyến đường tỉnh 342 qua huyện Ba Chẽ (Ảnh: Báo Quảng Ninh)

Trong đó, dự án có tổng vốn đầu tư cao nhất là dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342, đoạn thuộc địa phận thành phố Hạ Long, với tổng kinh phí 3.695 tỷ đồng. Tổng chiều dài tuyến là 30km, được thực hiện từ năm 2023 - 2027.

Đối với dự án này, điểm đầu sẽ đấu nối vào điểm cuối của Dự án tuyến đường từ nút giao cầu vượt đường cao tốc Hạ Long – Vân Đồn (tại xã Sơn Dương, TP Hạ Long) đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm, TP Hạ Long do UBND TP Hạ Long đang triển khai đầu tư. Điểm cuối của dự án đấu nối với Dự án Cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 342 đoạn qua địa phận huyện Ba Chẽ.

>>>Quảng Ninh: Triển khai số hóa trong công tác quản lý thuế

Không chỉ giúp hoàn thiện hơn hệ thống hạ tầng giao thông nội tỉnh, kết nối tạo tiền đề thu hẹp chênh lệch vùng miền, khoảng cách giàu nghèo giữa các khu vực của thành phố Hạ Long, huyện Ba Chẽ; tuyến đường này cũng sẽ liên thông đường nối quốc lộ 4B với đường tỉnh 342 (tỉnh Lạng Sơn đang xây dựng), giúp Lạng Sơn có thể kết nối thẳng tới TP Hạ Long, rút ngắn gần 50km so với trước kia.

Dự án tiếp theo mà Quảng ninh sẽ dành khoảng 1.455 tỷ đồng vốn ngân sách để thực hiện là tuyến đường nối từ quốc lộ 279, tỉnh Quảng Ninh đến đường tỉnh 291, xã Thanh Luận, huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang. Dự án sẽ được thực hiện từ năm 2023 - 2026. Dự án được đầu tư xây dựng nhằm thúc đẩy liên kết vùng giữa Quảng Ninh với Bắc Giang. Đồng thời, thu hẹp chênh lệch vùng miền, khai thác hiệu quả tiền năng, lợi thế về du lịch văn hoá tâm linh, du lịch cộng đồng hai sườn Đông và Tây Yên Tử.

Hạ tầng giao thông đồng bộ sẽ thúc đẩy sự phát triển của các KCN nằm trên địa bàn (Trong ảnh: Nhà đầu tư thứ cấp đang triển khai xây dựng tại KCN Bắc Tiền Phong)

Hạ tầng giao thông đồng bộ sẽ thúc đẩy sự phát triển của các KCN nằm trên địa bàn (Trong ảnh: Nhà đầu tư thứ cấp đang triển khai xây dựng tại KCN Bắc Tiền Phong)

Ngoài 2 dự án trên, tỉnh Quảng Ninh cũng thông qua chủ trương triển khai dự án cải tạo, nâng cấp đường tỉnh 345; đầu tư xây dựng đường tỉnh 327 trên địa bàn TX Đông Triều. 2 dự án này sẽ giúp kết nối xuyên suốt với tuyến đường ven sông từ cao tốc Hạ Long – Hải Phòng đến TX Đông Triều, QL 18. Qua đó, mở rộng không gian phát triển cho TX Đông Triều về phía Bắc, thúc đẩy liên kết vùng với Bắc Giang, Hải Dương. Đồng thời đẩy mạnh giao thương hàng khoá giữa các địa phương; thu hút du khách đến với Khu di tích lịch sử nhà Trần ở Đông Triều, danh thắng Yên Tử, tạo động lực để phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Quảng Ninh.

Thúc đẩy phát triển các hành lang kinh tế

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, đại diện Tổ hợp KCN DEEP C cho biết: “Khi nhà đầu tư lựa chọn địa điểm đầu tư, kết nối với hạ tầng giao thông là tiêu chí quan trọng hàng đầu. Bởi không chỉ vì việc vận chuyển hàng hóa ra vào nhà máy nhanh chóng, thuận tiện nhất có thể, mà còn vì yếu tố tiếp cận với thị trường mục tiêu và các nguồn lực khác”.

Còn theo đại diện công ty CP đô thị Amata Hạ Long cho biết: “Đối với hạ tầng giao thông của Quảng Ninh, chúng tôi nghĩ rằng, Quảng Ninh đã có rất nhiều bước đột phá trong việc lập quy hoạch rất hiện đại, đồng bộ, từ đó đẩy mạnh đầu tư hạ tầng cơ bản để thu hút các nhà đầu tư vào”.

Thực tế, việc phát triển vùng, liên kết vùng được tỉnh Quảng Ninh đặc biệt quan tâm. Thời gian qua, Quảng Ninh đã tăng cường thúc đẩy, khai thác hiệu quả hợp tác liên kết vùng, tạo đà phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các vùng lân cận. Đặc biệt, địa phương này đã ký kết Thỏa thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông với Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng 3 địa phương nằm trên trục cao tốc gồm: Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên. Việc ký kết thoả thuận hợp tác nhằm đẩy mạnh liên kết vùng, nhằm tăng cường phối hợp khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế của 4 địa phương dọc theo trục đường cao tốc Hà Nội – Hải Phòng – Móng Cái.

Đường cao tốc nối từ Hà Nội đến Móng Cái là tuyến cao tốc kết nối với 3 sân bay quốc tế gồm Nội Bài, Cát Bi và Vân Đồn; thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương nằm dọc theo trục đường cao tốc

Đường cao tốc nối từ Hà Nội đến Móng Cái là tuyến cao tốc kết nối với 3 sân bay quốc tế gồm Nội Bài, Cát Bi và Vân Đồn; thúc đẩy phát triển kinh tế của các địa phương nằm dọc theo trục đường cao tốc

Theo ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh, tỉnh Quảng Ninh sẽ tập trung vào các công trình để tăng cường kết nối nông thôn - thành thị, vùng thấp - vùng cao, công nghiệp - dịch vụ, du lịch, nội vùng, liên vùng bảo đảm đồng bộ, hiện đại. Các dự án liên thông, tổng thể để thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, thu hẹp chênh lệch vùng miền.  Đồng thời nâng cao khả năng kết nối để thúc đẩy phát triển các hành lang kinh tế theo quy hoạch của Vùng đã được xác định.

Cũng theo ông Ký, Quảng Ninh đã, đang và sẽ kiên trì thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, kiến tạo các hành lang giao thông, gồm cả đường bộ cao tốc, đường hàng không, đường thủy - hàng hải quốc tế gắn với các hành lang kinh tế, hành lang đô thị. Đồng thời, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh trong tam giác động lực phía Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển bền vững.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Tăng cường tính minh bạch trong hoạt động xuất nhập khẩu

    Quảng Ninh: Tăng cường tính minh bạch trong hoạt động xuất nhập khẩu

    01:36, 17/07/2023

  • Quảng Ninh: Triển khai số hóa trong công tác quản lý thuế

    Quảng Ninh: Triển khai số hóa trong công tác quản lý thuế

    00:06, 16/07/2023

  • Quảng Ninh: Nhiều giải pháp tiếp sức cho doanh nghiệp

    Quảng Ninh: Nhiều giải pháp tiếp sức cho doanh nghiệp

    09:31, 15/07/2023

HẢI NGÂN