Quảng Ninh: Phát triển trở thành cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm cả nước

HẢI NGÂN 23/07/2023 01:02

Tỉnh Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 trở thành một trong những trung tâm phát triển toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

>>>Quảng Ninh tăng cường bảo vệ môi trường biển

>>>Quảng Ninh: Ấn tượng du lịch MICE

Một trong những đầu tàu kinh tế

Nằm trong địa bàn động lực của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cùng với Hà Nội và Hải Phòng, Quảng Ninh đóng vai trò là một trong những đầu tàu về phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra sức lan tỏa trong quá trình phát triển của cả Vùng. Đặc biệt, địa phương này còn được xác định là cửa ngõ giao thông quan trọng với nhiều cửa khẩu biên giới, hệ thống cảng biển thuận tiện, có điều kiện giao thương thuận lợi với các nước Đông Bắc Á và các nước thuộc khu vực Tiểu vùng Mê Kông mở rộng, điểm kết nối quan trọng của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc.

KCN Bắc Tiền Phong thuộc KKT Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh

KCN Bắc Tiền Phong thuộc KKT Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh

Theo ông Cao Tường Huy – Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, trong 7 năm liên tiếp, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Quảng Ninh đều đạt ở mức 2 con số. Chỉ tính trong 6 tháng đầu năm 2023, tốc độ tăng trưởng đã đạt 9,46%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Quảng Ninh cũng là địa phương duy nhất trong cả nước đến nay 2 lần dẫn đầu đồng thời 4 chỉ số PCI, SIPAS, PAPI, PAR In dex vào các năm 2020, 2022.

Bên cạnh đó, hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ được địa phương này đầu tư đồng bộ. Qua đó, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra cơ hội, không gian phát triển mới. Đồng thời, tạo ra nguồn lực mới rất to lớn gắn định hình rõ nét các hành lang kinh tế và hành lang đô thị trọng điểm của tỉnh.

>>>Quảng Ninh: Phát triển hạ tầng giao thông tạo liên kết vùng

Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, ông Koen Soenens - Giám đốc Kinh doanh và Marketing Tổ hợp KCN DEEP C cho biết: “Quảng Ninh đã chứng tỏ sức hút trong thu hút đầu tư nước ngoài không chỉ nhờ vào vị trí địa lý mà phần lớn đến từ môi trường đầu tư thông thoáng. Chính quyền địa phương đã làm việc rất hiệu quả trong việc thu hút, hướng dẫn và đồng hành cùng nhà đầu tư mới trong hành trình đầu tư”.

Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đưa vào hoạt động đã thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra cơ hội, không gian phát triển mới

Cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đưa vào hoạt động đã thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra cơ hội, không gian phát triển mới

Còn theo đại diện Core 5 Việt Nam chia sẻ: “Việc 6 năm liên tiếp giữ vị trí quán quân PCI đã giúp Quảng Ninh trở thành một tỉnh rất tiến bộ, thúc đẩy các giải pháp bền vững và kết nối rất tốt với chuỗi cung ứng sản xuất của Trung Quốc và là nơi có nhiều tài nguyên thiên nhiên, bao gồm than, dầu và khí đốt. Đây cũng là tỉnh có tiềm năng phát triển thành trung tâm hậu cần - vận chuyển hàng xuyên biên giới quan trọng”.

Hiện Quảng Ninh đặt mục tiêu đến năm 2030 xây dựng và phát triển trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước.

Tầm nhìn đến năm 2045, Quảng Ninh là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, vùng đô thị lớn mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là dịch vụ, du lịch, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân có mức thu nhập tương đương các nước phát triển; phát triển kinh tế hài hòa giữa các khu vực đô thị và nông thôn.

Đẩy mạnh các giải pháp phát triển

Tỉnh Quảng Ninh hiện đang từng bước khẳng định vai trò là một trong những trung tâm, động lực tăng trưởng kinh tế mới của Vùng và cả nước. Để đạt được mục tiêu đã đề ra trong giai đoạn 2021-2030, tỉnh Quảng Ninh đã, đang đẩy mạnh các giải pháp chính sách phát triển Trung tâm Kinh tế biển và tam giác động lực vùng đồng bằng sông Hồng.

Theo ông Cao Tường Huy, giải pháp đầu tiên là cần tiếp tục hoàn thiện các cơ chế, chính sách phát triển và đẩy mạnh liên kết vùng. Nhóm giải pháp thứ hai là phát triển kinh tế nhanh và bền vững gắn với phát triển kinh tế Vùng đồng bằng sông Hồng. Trong đó, Quảng Ninh cần đẩy mạnh cơ cấu lại kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động dựa trên nền tảng ứng dụng mạnh mẽ khoa học - công nghệ, …; phát triển bền vững kinh tế biển theo hướng tăng trưởng xanh, bảo tồn đa dạng sinh học và các hệ sinh thái biển. Quảng Ninh phải đầu tư xây dựng hệ thống cảng biển nước sâu, các âu tàu du lịch đẳng cấp quốc tế gắn với phát triển kinh tế chuỗi khu kinh tế, khu đô thị biển - ven biển cận kề và là một trong những trung tâm logistics trọng điểm của cả nước… để xây dựng, phát triển trở thành một trung tâm kinh tế biển bền vững của cả nước, cửa ngõ trung chuyển hướng biển của khu vực trên cơ sở phát triển du lịch - dịch vụ kết nối khu vực và quốc tế. Bên cạnh đó, cùng với Hải Phòng, trong thời gian tới, phát triển Quảng Ninh là trung tâm logistics, cửa ngõ trung chuyển vận tải đa phương thức kết nối với Trung Quốc, Đông Bắc Á và ASEAN…

Khu bến cảng quốc tế Ao Tiên

Khu bến cảng quốc tế Ao Tiên

Mặt khác, để thúc đẩy phát triển hệ thống mạng lưới giao thông huyết mạch, kết nối vùng, liên vùng thì cần cho phép “cơ chế mở” để các địa phương Vùng đồng bằng sông Hồng có thể sử dụng ngân sách của mình đầu tư, nâng cấp các tuyến đường Quốc lộ, các tuyến đường huyết mạch có tính chất kết nối vùng, liên vùng…

Nhóm giải pháp thứ ba là phát triển hệ thống đô thị bền vững và kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại. Đối với Quảng Ninh, tỉnh đang phát triển KKT ven biển Quảng Yên là động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây của tỉnh và của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ; KKT cửa khẩu Móng Cái trở thành một trong những cực tăng trưởng kinh tế phát triển năng động, bền vững của tỉnh và của vùng Đông Bắc, đồng thời là trung tâm phát triển kinh tế quan trọng của vành đai kinh tế ven biển vịnh Bắc Bộ; KKT Vân Đồn trở thành trung tâm công nghiệp giải trí, du lịch biển đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp đẳng cấp quốc tế.

Cũng theo ông Huy, các nhóm giải pháp còn lại được Quảng Ninh đề xuất nên tập trung vào phát triển giáo dục, đào tạo và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số; phát triển văn hóa - xã hội, nâng cao đời sống vật chất tinh thần của nhân dân; xây dựng, củng cố khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh, phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế; giữ vững chủ quyền an ninh biên giới trên đất liền, trên biển đảo.

Có thể bạn quan tâm

  • Cấp bách nguồn nguyên liệu cho gạch ngói Quảng Ninh

    Cấp bách nguồn nguyên liệu cho gạch ngói Quảng Ninh

    02:00, 21/07/2023

  • Quảng Ninh tăng cường bảo vệ môi trường biển

    Quảng Ninh tăng cường bảo vệ môi trường biển

    00:30, 21/07/2023

  • Quảng Ninh: Ấn tượng du lịch MICE

    Quảng Ninh: Ấn tượng du lịch MICE

    03:00, 20/07/2023

HẢI NGÂN