Long An đặt mục tiêu thành trung tâm kinh tế phía Nam
Tỉnh Long An đang hướng tới mục tiêu trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam vào năm 2030.
>> Long An: Cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng ĐBSCL
Sáng 25/7, tỉnh Long An tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch và xúc tiến đầu tư. Dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang; nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới cùng lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, các tỉnh, thành phố.
Về phía tỉnh Long An, dự hội nghị có Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Văn Được; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nguyễn Thanh Hải; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Út; các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ. Đặc biệt, dự hội nghị còn có các đại biểu là doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
Phát biểu tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, trong thời gian qua, dưới sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; sự nhiệt tình giúp đỡ, hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương; sự phối hợp, liên kết chặt chẽ, đồng bộ giữa các tỉnh/thành; sự đoàn kết, năng động, sáng tạo của chính quyền, doanh nghiệp và Nhân dân trong tỉnh…Nhờ đó tỉnh Long An đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng về phát triển kinh tế - xã hội, nổi bật: Năm 2022, quy mô kinh tế của tỉnh đạt hơn 156 nghìn tỷ đồng, xếp thứ 12 cả nước; đời sống người dân ngày càng được nâng cao, GRDP bình quân đầu người đạt hơn 90 triệu đồng/người; thu hút đầu tư FDI đạt hơn 10 tỷ USD, thuộc tốp 10 cả nước; chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) đứng thứ 10 trong cả nước; chỉ số cải cách hành chính (PAR index) hạng 8 cả nước; các lĩnh vực văn hóa - xã hội có bước phát triển ngày càng vững chắc; tình hình chính trị ổn định, an ninh - quốc phòng được giữ vững. Hoạt động của hệ thống chính trị ngày càng hiệu quả.
Triển khai thực hiện Luật Quy hoạch năm 2017, tỉnh Long An tích cực lập Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Qua hơn 2 năm thực hiện, ngày 13/6/2023, Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 686/QĐ-TTg. Tỉnh Long An cũng là địa phương thứ 10 trên cả nước và đầu tiên của khu vực phía Nam được phê duyệt quy hoạch.
Nội dung Quy hoạch tỉnh đã rõ quan điểm, định hướng phát triển và mục tiêu của tỉnh đến cuối thời kỳ quy hoạch cũng như tầm nhìn đến năm 2050. Quy hoạch bố trí không gian phát triển và phân bổ nguồn lực cho các hoạt động KT-XH, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường; đề ra các khâu đột phá để phát triển tỉnh trong thời kỳ quy hoạch.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được nhấn mạnh, Quy hoạch được duyệt là cơ sở, tiền đề quan trọng để lãnh, chỉ đạo phát triển KT-XH của tỉnh, hướng tới mục tiêu xây dựng Long An trở thành trung tâm phát triển kinh tế năng động, hiệu quả, bền vững của khu vực phía Nam vào năm 2030; trở thành cửa ngõ trên tuyến hành lang kinh tế đô thị - công nghiệp của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long, kết nối chặt chẽ với TP.HCM, vùng Đông Nam bộ và là đầu mối hợp tác, giao thương quan trọng với Campuchia. Hình thành được các hành lang kinh tế, vùng không gian phát triển, các trung tâm và đô thị động lực, bảo đảm thích ứng với biến đổi khí hậu; quốc phòng, an ninh được bảo đảm; người dân có cuộc sống phồn vinh, văn minh, hạnh phúc và nghĩa tình.
“Tỉnh Long An cam kết, sẽ luôn mở rộng cửa để chào đón và đồng hành với các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Quan điểm của tỉnh luôn xem người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, là trung tâm phục vụ; doanh nghiệp là động lực, nguồn lực cho quá trình phát triển. Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Long An sẽ luôn đồng hành cùng với sự phát triển của các nhà đầu tư và doanh nghiệp. Các nhà đầu tư, doanh nghiệp sẽ được tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất, để thực hiện thành công dự án và phát triển bền vững tại tỉnh”, ông Nguyễn Văn Được nhấn mạnh.
Tại hội nghị, Long An giới thiệu 13 dự án ưu đãi đầu tư gồm: Khu kinh tế cửa khẩu Long An; khu công nghiệp Phú An Thạnh; khu công nghiệp Việt Phát; khu công nghiệp Prodezi; khu phức hợp giải trí Khang Thông; khu đô thị Nam Long VCD; trung tâm công nghệ sinh học vùng Đồng Tháp Mười tại Long An; khu vực tiếp nhận kho vận, logistics - cảng Quốc tế Long An; xây dựng trung tâm kho vận lương thực tại vùng Đồng Tháp Mười tỉnh Long An; trung tâm kho vận và dịch vụ logistics; phát triển chăn nuôi bò thịt tại tỉnh Long An; đầu tư sản xuất và xây dựng các nhà máy chế biến khoai mỡ; nhà máy chế biến thanh long. Đồng thời, tại hội nghị, tỉnh trao quyết định chủ trương, giấy chứng nhận đầu tư, ký kết thỏa thuận hợp tác (MOU) với các nhà đầu tư.
Đồng thời, dưới sự chứng kiến của lãnh đạo Trung ương cùng các bộ, ngành và các đại biểu, lãnh đạo tỉnh Long An đã trao 09 quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư/ giấy chứng nhận đăng ký đầu cho 09 nhà đầu tư với 09 dự án có tổng vốn đăng ký khoảng 40.400 tỷ đồng (tương đương 1.710 triệu USD); trao biên bản ghi nhớ nghiên cứu đầu tư cho 10 nhà đầu tư trong các lĩnh vực hạ tầng, công nghiệp, đô thị, môi trường, khu phức hợp vui chơi giải trí, nhà ở xã hội, nông nghiệp công nghệ cao.
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chúc mừng, đánh giá cao Long An đã khẩn trương xây dựng, hoàn thành, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Thủ tướng Chính phủ khẳng định, hội nghị này là sự kiện quan trọng được tổ chức nhằm tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về phát triển Vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói chung và tỉnh Long An nói riêng, mới nhất là Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng, an ninh Vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Thủ tướng Chính phủ khẳng định, tỉnh Long An là vùng đất địa linh, nhân kiệt, thời kỳ nào người Long An cũng có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp bảo vệ và phát triển của đất nước; có truyền thống lịch sử hào hùng; có nhiều đổi mới; là nơi hội tụ, giao thoa của nhiều vùng văn hóa; là trung tâm kết nối giữa miền Đông Nam bộ và miền Tây Nam bộ, hành lang kinh tế từ Bắc vào Nam, hành lang kinh tế Đông – Tây và hành lang kinh tế ven biển; có thêm nhiều kinh nghiệm và tiềm lực sau hơn 35 năm đổi mới.
Tỉnh Long An hội tụ nhiều tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh để phát triển KT-XH nhanh và bền vững, là điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong nước và quốc tế, tạo động lực phát triển không chỉ cho Long An, mà còn lan tỏa cho Vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đề nghị tỉnh Long An cần thực hiện 6 nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, tỉnh cần khẩn trương triển khai quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả Quy hoạch tỉnh, nhất là các ngành, lĩnh vực là tiềm năng, lợi thế. Trong đó, cần ưu tiên 2 nội dung quan trọng gồm việc ưu tiên bố trí nguồn lực để tổ chức thực hiện đồng bộ, hiệu quả không gian phát triển theo mô hình “Một trung tâm – Hai hành lang – Ba vùng kinh tế, xã hội – Sáu trục động lực”. Đồng thời, chú trọng công tác điều phối, quản lý thống nhất, bảo đảm tính liên kết, đồng bộ, thống nhất, hiệu quả và phát triển bền vững với tầm nhìn dài hạn, định hướng phát triển tổng thể, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, tạo động lực phát triển KT-XH.
Thủ tướng cũng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư cần có chiến lược kinh doanh lâu dài, bền vững, thực hiện nghiêm túc các cam kết đầu tư, thoả thuận hợp tác, tuân thủ luật pháp, theo quy hoạch của tỉnh, thực hiện tốt văn hóa kinh doanh trên tinh thần “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ”; bảo đảm chế độ, chính sách cho người lao động, tích cực tham gia bảo đảm an sinh xã hội.
“Tôi tin tưởng rằng, sự thành công của hội nghị hôm nay là bước khởi đầu tốt đẹp, tạo sức lan tỏa và thu hút được ngày càng nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đến với Long An, tạo ra sản phẩm cụ thể, cân đong đo đếm được, góp phần thúc đẩy tỉnh phát triển nhanh, bền vững, hiện thực hóa Quy hoạch tỉnh với tầm nhìn đến năm 2050 trở thành tỉnh công nghiệp phát triển hàng đầu cả nước, một trong những cực tăng trưởng quan trọng của Vùng Đồng bằng sông Cửu Long”, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được khẳng định quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được xây dựng dựa trên khát vọng phát triển phồn vinh, hạnh phúc và nghĩa tình của đất và người Long An; nhất là phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về vị trí địa kinh tế của tỉnh.
Trong thời gian tới, để phát huy và khai thác tối đa lợi thế này, trong quy hoạch tỉnh hết sức chú trọng huy động, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, tạo đột phá xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; đặc biệt là hạ tầng giao thông liên vùng và nội tỉnh hướng đến đồng bộ, hiện đại đến năm 2030. Bí thư Tỉnh ủy tin tưởng rằng khi ấy sẽ tạo ra dư địa, tiềm lực lớn cho tỉnh phát triển trên cơ sở khai thác tối đa quỹ đất đai dồi dào và lợi thế vị trí kết nối Đông - Tây để thu hút nhiều nhà đầu tư tiềm năng và mang lại giá trị thịnh vượng cho nhà đầu tư. "Hội nghị ngày hôm nay sẽ là bước khởi đầu cho hành trình đột phá - phát triển".
Có thể bạn quan tâm
Long An: Cực tăng trưởng kinh tế quan trọng của vùng ĐBSCL
11:07, 16/06/2023
Long An: Cải cách hành chính, nâng cao sự hài lòng của doanh nghiệp
02:45, 15/05/2023
Long An chủ động tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp
13:08, 28/06/2023
Long An: Thu hút doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp bền vững
11:56, 22/06/2023