Quảng Nam: Khát vọng nguồn thu tỷ USD từ vùng sâm Ngọc Linh
Tối hôm qua (1/8), huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam tổ chức Khai mạc Lễ hội Sâm Ngọc Linh lần thứ 5 và kỷ niệm 20 năm ngày tái lập huyện Nam Trà My.
>>Định hình thương hiệu sâm Ngọc Linh
Nam Trà My là 1 trong 6 huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam, được xem là thủ phủ của Sâm Ngọc Linh - Sâm Việt Nam. Đây là chiếc nôi của cách mạng trong hai cuộc vệ quốc giữ nước và bảo vệ tổ quốc. Vùng rừng núi Ngọc Linh huyện Nam Trà My giáp với Kon Tum là nơi Khu ủy Khu 5 xây dựng “Mật khu Đỗ Xá” - Tiền thân của cơ quan lãnh đạo kháng chiến chống Mỹ ở Khu 5.
Huyện Nam Trà My được thành lập từ tháng 3/1947 với tên gọi là Châu Trà My. Qua nhiều lần chia tách, sáp nhập, thay đổi tên gọi, đến ngày 20/6/2003, huyện Trà My được chia tách thành hai đơn vị hành chính cấp huyện là Nam Trà My và Bắc Trà My. Ngày đầu tái lập huyện, tỷ lệ hộ nghèo ở Nam Trà My gần 90%.
Qua 20 năm chia tách từ huyện Trà My, huyện Nam Trà My đã phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế, đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng bản địa có giá trị kinh tế cao. Huyện tập trung bảo tồn nguồn gen quý hiếm và hình thành vùng trồng cây dược liệu, Sâm Ngọc Linh theo quy mô tập trung.
Vùng Sâm Ngọc Linh được quy hoạch khoảng 15 nghìn héc ta tại 7/10 xã của huyện; Hơn 1.250 hộ gia đình trồng hơn 2 ngàn héc ta sâm, sản lượng hàng năm đạt khoảng 10 tấn, giá trị khoảng 420 đến 600 tỷ đồng/năm.
Từ một huyện có tỷ lệ hộ nghèo nằm trong nhóm cao nhất cả nước, huyện miền núi cao Nam Trà My, Quảng Nam với chiến lược đầu tư để biến vùng đại ngàn trường sơn trở thành "Thủ phủ Sâm Ngọc Linh", "trung tâm giống dược liệu quý hiếm của Quốc gia" với khát vọng nguồn thu từ cây dược liệu quí hiếm này hàng tỷ USD trong tương lai khi trở thành vùng nguyên liệu và chế biến sâu dược liệu bảo vệ sức khỏe con người.
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Nam Phan Việt Cường, khẳng định chiến lược phát triển của huyện Nam Trà My trong những năm đến cần tập trung đầu tư phát triển vùng sâm Ngọc Linh từng bước chế biến sâu để xuất khẩu và phát triển du lịch vùng sâm để quảng bá thương hiệu sâm ngọc linh.
“Trước mắt cần sớm triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 gắn với các Chương trình mục tiêu quốc gia. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, kêu gọi, khuyến khích các doanh nghiệp liên kết với người dân đầu tư phát triển vùng nguyên liệu, khai thác, chế biến sản phẩm; phát triển các hợp tác xã, tổ hợp tác trong nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ các các sản phẩm Sâm Ngọc Linh. Quyết tâm xây dựng huyện Nam Trà My thật sự trở thành “Thủ phủ Sâm Ngọc Linh”, trung tâm giống dược liệu quý hiếm của Quốc gia”, ông Cường nhấn mạnh.
Với lợi thế huyện Nam Trà My là 1 trong 6 huyện miền núi cao của tỉnh Quảng Nam, nằm trên trục đường giao thông phía Tây - Nam, là cửa ngõ quan trọng kết nối tỉnh Quảng Nam với khu vực Tây nguyên. Nam Trà My là nơi được mệnh danh là thủ phủ của sâm Ngọc Linh - sâm Việt Nam với nhiều tiềm năng kinh tế chưa được khai thác. Đặc biệt là du lịch với nhiều cảnh quan thiên nhiên kỳ thú.
Cùng với tiềm năng, lợi thế sẵn có, người dân Nam Trà My đẩy mạnh phát triển các loại cây trồng bản địa có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Đặc biệt, đã tập trung bảo tồn nguồn gen quý hiếm và hình thành vùng trồng cây dược liệu, sâm Ngọc Linh theo quy mô tập trung.
Ông Trần Duy Dũng, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay những năm qua, đồng bào các dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Nam Trà My đã tập trung phát triển sâm Ngọc Linh trở thành cây trồng chủ lực để thoát nghèo. Các tổ chức, doanh nghiệp, hộ, nhóm hộ đã tham gia trồng Sâm Ngọc Linh với tổng diện tích gần 810ha, với khoảng hơn 3 triệu cây; giá cả cây sâm Ngọc Linh dần ổn định; các nhà khoa học đã tập trung đầu tư nghiên cứu áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào trồng, sản xuất, chế biến sâu các sản phẩm từ sâm.
"Người trồng sâm đã ý thức được việc trồng Sâm đi đôi với bảo vệ và phát triển rừng. Định hướng trong tương lai sẽ phấn đấu xây dựng huyện Nam Trà My trở thành vùng dược liệu trọng điểm của Quốc gia. Sâm Ngọc Linh và dược liệu miền núi Nam Trà My sẽ góp phần tăng trưởng kinh tế, bảo tồn đa dạng sinh học và môi trường sinh thái", ông Dũng nói.
Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định về phê duyệt Chương trình phát triển Sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng để tỉnh Quảng Nam nói chung, huyện Nam Trà My nói riêng phát huy tốt tiềm năng, lợi thế sẵn có để triển khai hiệu quả các chủ trương về phát triển cây Sâm Ngọc Linh ngang hàng với các loại sâm đặc biệt quý hiếm trên thế giới, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi phát triển, bảo đảm quốc phòng, an ninh của địa phương…
Có thể bạn quan tâm