Quản lý khai thác khoáng sản ở Nghệ An: Tránh “ném đá ao bèo”
Nghệ An có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, đa dạng bậc nhất cả nước. Thế nhưng, công tác quản lý khai thác khoáng sản ở địa phương này vẫn đang còn vấp phải những tồn tại, hạn chế nhất định…
Theo kết quả điều tra địa chất, thăm dò khoáng sản cho thấy, Nghệ An là địa phương sở hữu nguồn tài nguyên khoáng sản rất đa dạng; trong đó, nhiều loại có giá trị kinh tế và tiềm năng cao, bao gồm: Đá hoa trắng, quặng thiếc, đá vôi xi măng, khoáng sản làm vật liệu xây dựng,...
Phần nổi của tảng băng chìm…
Nhận thấy tiềm năng kinh tế trên, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đổ xô vào để thực hiện các hoạt động khai thác. Xét về mặt tích cực, chúng ta không thể phủ nhận rằng, hoạt động khai thác khoáng sản đã và đang đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế chung của tỉnh. Tuy nhiên, cũng từ đó, những bất cập bắt đầu nảy sinh, các hệ lụy trong khai thác khoáng sản dần hiện rõ. Khai thác lậu, thất thu thuế, bức tử môi trường, hủy hoại mặt đất, ảnh hưởng đến cuộc sống người dân... đó là những vấn đề cần phải nhắc tới.
Câu chuyện về việc hàng trăm giếng nước bị cạn trơ đáy, sụt lún đất làm gần 250 ngôi nhà nứt, hỏng và nhiều nơi trên xuất hiện “hố tử thần” ở xã Châu Hồng, huyện Quỳ Hợp hơn 1 năm về trước, có lẽ vẫn chưa bao giờ là cũ. Sự việc xảy ra đã làm nóng dư luận trong một thời gian khá dài.
Ngay sau khi sự việc xảy ra, mặc dù chưa thể làm rõ nguyên nhân, thế nhưng, qua kiểm tra, cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An đã yêu cầu Công ty CP Tân Hoàng Khang là đơn vị được cấp phép khai thác khoáng sản (quặng Thiếc và đá xây dựng đi kèm) trên địa bàn này phải chịu trách nhiệm khắc phục.
Hay như mới đây nhất là vụ việc khai thác đá trái phép xảy ra tại địa bàn xã Hạ Sơn, huyện Quỳ Hợp mà chúng tôi đã phản ánh, đưa tin. Theo đó, tình trạng khai thác đá cảnh ở xã Hạ Sơn đã diễn ra từ nhiều năm nay, lượng đá khai thác ra khá nhiều và đã được chở đi một phần. Nhiều nơi đã được đào bới để tìm kiếm đá cảnh sau đó vận chuyển ra khỏi địa bàn nhưng không được cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn triệt để gây bức xúc trong dư luận địa phương.
Đến tháng 6/2023, UBND tỉnh Nghệ An đã ra quyết định số 141 về việc xử phạt hành chính đối với Công ty CP dịch vụ và thương mại Tân Thành Yên vì khai thác khoáng sản có tổng diện tích vượt ra ngoài ranh giới khu vực được cấp phép khai thác từ 1ha đến 1,5ha (khai thác vượt ranh giới được cấp phép mỏ đất san lấp tại xã Diễn Yên, huyện Diễn Châu là 1,05ha). Hình thức xử phạt hành chính là phạt tiền với mức phạt 300 triệu đồng đối với hành vi vi phạm nêu trên.
Ngoài phạt hành chính, UBND tỉnh Nghệ An buộc công ty Tân Thành Yên cải tạo, phục hồi môi trường, thực hiện các giải pháp đưa các khu vực đã khai thác vượt ra ngoài phạm vi được phép khai thác về trạng thái an toàn. Đồng thời, yêu cầu doanh nghiệp này phải nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm với số tiền hơn 188,9 triệu đồng.
Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu
“Công khai xử lý trách nhiệm đối với cán bộ, người đứng đầu cơ quan, tổ chức có hành vi bao che, tiếp tay để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn quản lý”, đó là quan điểm chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và được nêu rõ tại văn bản số 2547/VPCP-CN ngày 14/4/2023.
Tiếp đó, tại Quyết định số 1562/QĐ-UBND ngày 01/6/2023 mà UBND tỉnh Nghệ An ban hành, cũng nêu rõ: Người đứng đầu chính quyền, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ quản lý khoáng sản phải chủ động nắm chắc tình hình, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về khoáng sản, bảo đảm an ninh, trật tự. Nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý để mọi hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản phải được phát hiện sớm, ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Kiên quyết xử lý nghiêm minh theo đúng quy định của pháp luật đối với cơ quan, đơn vị, địa phương, cán bộ, nhất là người đứng đầu buông lỏng lãnh đạo, quản lý, lợi dụng chức vụ, vị trí công tác để trục lợi, vụ lợi cho bản thân hoặc bao che, tiếp tay, can thiệp, tác động dưới mọi hình thức để người khác thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản, để xảy ra vi phạm hoặc không cương quyết xử lý sau khi phát hiện vi phạm về khoáng sản trên địa bàn.
Bên cạnh đó, yêu cầu các cấp, ngành phải nâng cao vai trò, trách nhiệm quản lý để mọi hành vi vi phạm pháp luật về khoáng sản phải được phát hiện sớm, ngăn chặn, xử lý kịp thời.
Có thể bạn quan tâm