Lời giải nào về nguồn nhân lực trong các Khu công nghiệp trục cao tốc phía Đông
Bên cạnh việc thu hút các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước vào các Khu Công nghiệp (KCN) trục cao tốc phía Đông thì cũng cần giải bài toán về nguồn nhân lực chất lượng cao cho các doanh nghiệp.
>>>Quảng Ninh: Phát triển hạ tầng giao thông tạo liên kết vùng
Khu Công nghiệp (KCN) trục cao tốc phía Đông, bao gồm các tỉnh thành như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên, đã và đang là điểm đến hấp dẫn cho nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư với tiềm năng phát triển mạnh mẽ.
Tuy nhiên, để đạt được sự thành công bền vững và nâng cao hiệu quả sản xuất, việc đầu tư vào đào tạo và phát triển nhân lực là cực kỳ quan trọng. Chính sách và các biện pháp đổi mới trong đào tạo nhân lực đang trở thành một trong những yếu tố quan trọng giúp KCN trục cao tốc phía Đông tiến xa hơn trong hành trình phát triển công nghiệp.
Tìm kiếm nguồn nhân lực có kĩ năng
Việc thiếu hụt lao động có tay nghề, kĩ năng là một vấn đề nổi cộm đối với các doanh nghiêp đã và đang đầu tư vào các Khu công nghiệp trục phía Đông .Trong bối cảnh mà các doanh nghiệp ngày càng chuyển đổi sang ứng dụng công nghệ cao và trí tuệ nhân tạo, tự động hóa, thì nhu cầu về lao động chất lượng cao ngày càng tăng và trở nên cấp thiết.
Ông Lê Trung Kiên – Trưởng ban BQL KKT Hải Phòng, một trong 4 KCN trên trục cao tốc phía Đông cho biết, hiện các KCN, KKT trên địa bàn TP Hải Phòng đã thu hút trên 470 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài với tổng vốn đầu tư trên 23,5 tỷ USD; hơn 205 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đầu tư hơn 308.000 tỷ đồng. Tổng số lao động Việt Nam đang làm việc là 191.277 người, mức thu nhập bình quân đạt 11,5 triệu đồng/người/tháng. Trong đó trên 70% số lượng lao động đang làm việc trong các ngành công nghệ cao, điện, tiện tử, cơ khí chính xác; tuy nhiên mới chỉ có 11% lao động đạt trình độ chuyên môn kỹ thuật bậc cao, 19% lao động đạt trình độ chuyên môn bậc trung.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của Hải Phòng đến năm 2025 và tầm nhìn tới năm 2030 đặt ra mục tiêu sẽ lấp đầy 90% diện tích các KCN đang hoạt động. Đồng thời, mở rộng thêm 15 KCN với tổng diện tích hơn 6.400 ha, thu hút vốn FDI đạt từ 12,5 tới 15 tỷ USD.
Tương ứng với quy mô đó, nhu cầu về nguồn nhân lượng cao ngày càng gia tăng. Ước tính, cứ 1 tỷ USD vốn FDI được thu hút cần khoảng 10.000 lao động. Trong đó, phải có từ 3.000 - 4.000 lao động có tay nghề cao. Do vậy, từ nay đến năm 2025, Hải Phòng cần có số lượng lao động lên tới khoảng 300 nghìn người. Trong đó, nhu cầu lao động phổ thông khoảng 50%, công nhân kỹ thuật và người lao động đã qua đào tạo khoảng khoảng 40%, lao động quản lý có trình độ bậc trung bao gồm các thợ bậc cao, cử nhân, cao đẳng nghề, kỹ sư thực hành khoảng 7% còn lại khoảng hơn 3% là lao động có trình độ cao như tiến sỹ, thạc sỹ, kỹ sư, cử nhân có kinh nghiệm.
Điều này có thể bắt nguồn từ việc hệ thống đào tạo chưa đáp ứng được đủ nhu cầu của thị trường lao động hoặc xu hướng thay đổi công việc của người lao động chọn lựa những công việc ít yêu cầu kỹ năng cao hơn.
Theo ông Chen Chi Liang - Tổng giám đốc Công ty TNHH Pegatron Việt Nam, hiện công ty đầu tư xây dựng các nhà máy tại KCN DEEP C với tổng vốn hơn 800 triệu USD để sản xuất thiết bị điện tử. Dự kiến, công ty tiếp tục điều chỉnh tăng vốn dự án trong thời gian tới. Về nguồn lao động, hiện tại nhu cầu lao động của công ty vào năm 2023 là 13.000 lao động, năm 2024 là 18.000 lao động và năm 2025 là 23.000 lao động. Chính vì vậy, công ty mong muốn được các Ban ngành địa phương hỗ trợ tạo điều kiện để tuyển dụng được nguồn lao động địa phương, cũng như tạo điều kiện để tuyển dụng lao động ngoại tỉnh, đặc biệt là nguồn lao động chất lượng cao, lao động có tay nghề
>>>Hiện thực hóa thoả thuận kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông
Đồng hành cùng doanh nghiêp, nhà đầu tư .
Đào tạo nhân lực là một yếu tố quan trọng cho khu công nghiệp (KCN) trục phía Đông, việc đồng hành cùng doanh nghiêp, nhà đầu tư trong đào tạo nhân lực đóng vai trò vô cùng quan trọng để đáp ứng nhu cầu về nguồn lao động chất lượng cao và đáp ứng yêu cầu của các nhà đầu tư. Để thực hiện, cần xây dựng môi trường học tập chất lượng cao, chuyên nghiệp và đa dạng, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiêp, nhà đầu tư và người lao động tham gia.
Theo ông Phạm Văn Triệu - Trưởng Bộ môn Quản lý Kỹ thuật công nghiệp - Khoa Máy tàu biển, Trường Đại học Hàng Hải Việt Nam: Đơn vị xác định là sẽ đào tạo những gì doanh nghiêp, nhà đầu tư cần, chứ không đào tạo những gì sẵn có. Đồng thời, cũng sẽ thường xuyên kết nối doanh nghiêp, nhà đầu tư để đưa các em sinh viên tham gia , tham quan doanh nghiệp để có cái nhìn nhận tốt nhất về ngành nghề của mình. Chủ động gặp gỡ với các doanh nghiêp, nhà đầu tư kết cấu hạ tầng KCN để bàn cách chung tay lo việc về đảm bảo nguồn lao động. Ở đó, các bên đã thống nhất phương hướng, kết hợp đào tạo giữa nhà trường và doanh nghiệp.
Theo ông Huỳnh Quyết Thắng - Giám đốc Đại học Bách Khoa Hà Nội cho biết, nhà trường hiện có khoảng 2.200 sinh viên người Hải Phòng theo học, góp phần cung cấp nhân lực cho Hải Phòng. Tuy nhiên, nhu cầu về nhân lực chất lượng cao của Hải Phòng rất lớn, nhất là đáp ứng các doanh nghiệp trong các KCN. Phía nhà trường sẵn sàng hợp tác các KCN, các doanh nghiệp để góp phần cung ứng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Thu hút nhân lực tài năng và tạo cơ hội việc làm cho các Khu Công nghiệp Trục Cao tốc phía Đông là một trong những yếu tố quan trọng trong sự phát triển bền vững của khu vực. Bằng việc tạo ra môi trường hấp dẫn và cơ hội việc làm, đồng thời đầu tư vào đào tạo nhân lực chất lượng cao, khu vực này sẽ tiếp tục thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. BQL KCN Hải Phòng, Quảng Ninh, Hưng Yên, Hải Dương sẽ tiếp tục tham mưu, đề xuất có cơ chế, chính sách đồng bộ phát triển nguồn nhân lực như: Hỗ trợ người học nghề ở trình độ cao, tạo điều kiện cho người lao động tham gia các khóa đào tạo chất lượng, từ cơ bản đến nâng cao, giúp họ nắm vững những kỹ năng mới nhất và đáp ứng yêu cầu công việc.
Hỗ trợ doanh nghiệp tuyển lao động địa phương có tay nghề, chuyên môn kỹ thuật cao; xây dựng cơ chế phối hợp giữa các doanh nghiêp, nhà đầu tư với các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp nghề , cơ sở đào tạo triển khai thực hiện hiệu quả việc đào tạo nghề , cũng như các chính sách khuyến khích thu hút và giữ tài năng, nguồn nhân lực chất lượng không chỉ tại đia phương mà cả các tỉnh thành trong cả nước.
Có thể bạn quan tâm