Nghệ An với “chiến dịch” nâng tầm hàng nội - Bài 2: "Chiến lược" thương hiệu bản địa
Sau nhiều năm triển khai thực hiện Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp, hàng Việt đã dần khẳng định được vị thế của mình trên thị trường nội địa.
>>Nghệ An với “chiến dịch” nâng tầm hàng nội – Bài 1: Áp lực “hàng ngoại” trước cơ chế hội nhập
Tuy nhiên, trong bối cảnh nền kinh tế hiện đại, hội nhập mạnh mẽ và không ngừng phát triển như hiện nay, để hàng Việt thực sự chiếm ưu thế tuyệt đối so với hàng ngoại ngay tại “sân nhà”, thì tỉnh Nghệ An nói riêng, các địa phương khác nói chung vẫn đang còn nhiều việc phải làm khi tâm lý người tiêu dùng vẫn còn… “sính ngoại, bài nội”.
Gợi mở cho Nghệ An?
Có thể nói, thương hiệu là yếu tố then chốt để quảng bá, định vị sản phẩm dựa trên bản sắc, lợi thế của từng địa phương. Theo các chuyên gia, chúng ta phải nhìn sang các nước phát triển như: Mỹ, Nhật, Hàn, Úc, Thái Lan,… để học hỏi, từ đó đúc rút ra những kinh nghiệm thực tiễn, giúp hàng Việt thực sự đứng vững ở các thị trường trong và ngoài nước.
Đơn cử như Thái Lan, đây là một trong những quốc gia châu Á triển khai khá hiệu quả công tác quảng bá đặc sản địa phương. Các hoạt động quảng bá đặc sản địa phương được thực hiện với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý Nhà nước về xúc tiến thương mại và sở hữu trí tuệ nên đã tiến hành rất thuận lợi, với quy mô lớn.
Cụ thể, nước này áp dụng chính sách ưu tiên xây dựng và phát triển hệ thống bảo hộ chỉ dẫn địa lý cho đặc sản địa phương; mục tiêu tối thiểu mỗi tỉnh có 1 chỉ dẫn địa lý được bảo hộ. Kết quả là đến cuối năm 2020, trong các nước ASEAN, Thái Lan là quốc gia có số chỉ dẫn địa lý được bảo hộ nhiều nhất, với 137 chỉ dẫn địa lý thuộc 76 tỉnh/thành phố. Bên cạnh đó, Thái Lan còn xây dựng biểu tượng Chỉ dẫn địa lý quốc gia để thống nhất sử dụng cho các sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý được bảo hộ.
Hay như đất nước Hàn Quốc, được mệnh danh là “con hổ châu Á” nhờ những sự phát triển kinh tế vượt bậc của nước này. Trước đó, vào những năm đầu thập niên 90, các thương hiệu Hàn Quốc tỏ ra “thấp cổ bé họng” khi đứng dưới đáy của bảng xếp hạng thương hiệu do người tiêu dùng đánh giá. Các sản phẩm và thương hiệu Hàn Quốc luôn gắn liền “mác” nhãn hiệu rẻ tiền, sản xuất hàng loạt và có chất lượng kém.
Tuy nhiên, sau đó, với các cơ chế, chính sách hiệu quả cùng sự nỗ lực của doanh nghiệp, nước này đã thay đổi được định kiến trên. Theo đó, Hàn Quốc nhận thức rõ về thương hiệu và nâng tầm vị thế qua 3 giai đoạn chính. Cụ thể, trong giai đoạn đầu, doanh nghiệp coi thương hiệu chỉ như là tên gọi của sản phẩm; giai đoạn thứ hai, các doanh nghiệp có ý thức về thương hiệu và bản sắc của mình; giai đoạn cuối là việc chấp nhận thương hiệu như một tài sản chủ yếu của doanh nghiệp.
Đến thời điểm hiện tại, nước này đã xây dựng được những sản phẩm mang thương hiệu đặc trưng, toàn diện trên mọi tiêu chí (chất lượng, mẫu mã, giá thành,…), tạo sự lan tỏa rộng khắp trên toàn thế giới. Điển hình như: các sản phẩm về mỹ phẩm, thời trang, thức ăn, đồ uống,…
Chia sẻ với phóng viên, bà Đặng Thị Tâm, Giám đốc Công ty CP An An Agri, người sáng tạo thương hiệu mì rau củ hữu cơ mang đậm bản sắc Việt, cho biết: “Thương hiệu là yếu tố then chốt góp phần duy trì, mở rộng và phát triển thị trường tiêu thụ sản phẩm. Để gây dựng, phát triển và giữ gìn thương hiệu thì việc nâng cao chất lượng, mẫu mã sản phẩm được các doanh nghiệp đặt lên hàng đầu”.
>>Ấn tượng nhiều sản phẩm xanh tại gian hàng Việt Nam – Nhật Bản
“Đơn cử như sản phẩm mì rau củ hữu cơ của chúng tôi, quy trình sản xuất sản phẩm rất chặt chẽ từ khâu tuyển chọn hạt giống, gieo trồng hữu cơ theo tiêu chuẩn, thu hái và chế biến khép kín trong môi trường an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhờ đó, thương hiệu mì rau củ hữu cơ của chúng tôi bước đầu đã đạt được những thành công nhất định; được người tiêu dùng trong và ngoài nước ưa chuộng”, bà Tâm cho biết thêm.
Xây thương hiệu, tạo chiến lược lâu dài
Thực tiễn cho thấy, trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, việc hàng hóa, thương hiệu nào chiếm lĩnh thị trường càng rộng lớn thì địa phương đó, doanh nghiệp đó càng phát triển mạnh mẽ. Trên cơ sở đó, tỉnh Nghệ An nói riêng, các địa phương trong nước nói chung luôn luôn xác định, công tác xây dựng, gìn giữ, bảo vệ thương hiệu là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu. Đây cũng là yêu cầu cấp thiết mà tỉnh đặt ra cho các doanh nghiệp “bản địa” trong thời gian tới.
>>Cơ hội cho hàng Việt Nam thâm nhập kênh bán lẻ hiện đại tại Thái Lan
Theo số liệu thống kê từ Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Nghệ An, tính đến hết năm 2022, toàn tỉnh có 31 nhãn hiệu tập thể, 8 nhãn hiệu chứng nhận và 3 chỉ dẫn địa lý; có 1.780 đối tượng được bảo hộ, trong đó có 1.679 nhãn hiệu, 76 kiểu dáng, 16 giải pháp hữu ích và 9 sáng chế. Các sản phẩm được đầu tư thương hiệu đều mang lại hiệu quả cao, được thị trường chấp nhận và giá bán tăng từ 10-30%, nhiều sản phẩm đã tìm được chỗ đứng trên thị trường, vào hệ thống bán lẻ hiện đại và xuất khẩu.
Để có được những kết quả đáng ghi nhận trên, xuyên suốt nhiều năm qua, Nghệ An đã ban hành nhiều quyết sách, chủ trương quan trọng giúp nâng cao vị thế thương hiệu Việt, trong đó chất lượng, mẫu mã, giá cả là những yếu tố then chốt đưa hàng Việt chiếm ưu thế tuyệt đối so với “hàng ngoại” ở thị trường nội địa và dần có chỗ đứng ở các thị trường ngoài nước.
Một trong số đó, phải kể đến công tác vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh đã được thực hiện rất hiệu quả, tạo sự chuyển biến tích cực trong tâm lý tiêu dùng của người dân địa phương. Hiện nay, người dân Nghệ An đã có thay đổi rõ nét về nhận thức lẫn thói quen sử dụng hàng hóa; hướng đến các dòng sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao và không còn tâm lý “sính ngoại, bài nội” như trước đây.
Mới đây, tại Công văn số 588/CV-BCĐ ngày 8/8, Lãnh đạo tỉnh đã đề nghị các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo tỉnh, các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và cấp ủy, chính quyền các huyện, thành phố, thị xã tiếp tục triển khai Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”. Đây là một trong những động thái cho thấy tỉnh nhà đã và đang rất quan tâm, chú trọng công tác nâng tầm thương hiệu Việt, tạo sự lan tỏa rộng khắp và được người tiêu dùng trong nước và quốc tế biết đến.
Trong nội dung nêu rõ: Yêu cầu các cơ quan, địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” nhằm tạo sự chuyển biến thực sự về nhận thức và hành động của các cấp, các ngành, tổ chức, doanh nghiệp, cán bộ, công chức, viên chức và người dân trong thực hiện Cuộc vận động.
Đồng thời, tiếp tục đa dạng hình thức tuyên truyền, nhất là tuyên truyền số, tuyên truyền trực quan để người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh biết, hiểu, đánh giá đúng về chất lượng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ, khả năng sản xuất, kinh doanh; chú trọng thực hiện các giải pháp thích hợp để khuyến khích, định hướng tiêu dùng và vận động Nhân dân tích cực sử dụng hàng Việt Nam, hàng hóa sản xuất trong tỉnh, các sản phẩm Công nghiệp nông thôn tiêu biểu, sản phẩm OCOP…
Có thể bạn quan tâm