Thực trạng “vẽ” các dự án nạo vét, nâng cấp, cải tạo hồ, đập thủy lợi để tận thu khoáng sản không còn là mới và đang diễn ra khá phổ biến ở Nghệ An.
Thế nhưng, đằng sau mục đích phục vụ sản xuất nông nghiệp là những “góc khuất” cần phải được làm rõ…
>>Nghệ An: Bất lực trước “công trường” khai thác khoáng sản trái phép?
Thời gian qua, với việc hàng loạt công trình, dự án lớn “đổ bộ” vào Nghệ An đã khiến nguồn cung vật liệu xây dựng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Nhận thấy “món hời” trên, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã mọi cách “bào mòn” nguồn tài nguyên khoáng sản của Nhà nước, gây ra nhiều hệ lụy phát sinh như: Hủy hoại ruộng đất, ô nhiễm môi trường, thất thu nguồn thuế, nguy cơ xảy ra TNGT,…
Ngày 7/9/2022, Công ty TNHH TPK Sông Lam được UBND tỉnh Nghệ An cho phép khai thác đất sét làm nguyên liệu sản xuất gạch, ngói trong quá trình thực hiện dự án nạo vét tận thu bùn, đất bồi lắng Bàu Mới ở xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương; với trữ lượng được phép khai thác là 132.692m3 và thời gian thực hiện lên đến 5 năm.
Sau một thời gian dài “yên ắng” thì hơn 2 tháng trở lại đây, Công ty TNHH TPK Sông Lam đã bắt đầu khai thác đất rầm rộ ở khu vực này để mang đi bán cho Nhà máy gạch Tuynel Thanh Ngọc (huyện Thanh Chương). Tuy nhiên, quá trình khai thác, vận chuyển vật liệu đã trở thành nỗi khiếp đảm đối với người dân địa phương bởi những hệ lụy phát sinh như: Ô nhiễm môi trường khủng khiếp, nguy cơ cao xảy ra TNGT, đường xá bị hư hỏng nặng nề,...
Đồng thời, dư luận đang dấy lên nghi ngờ, liệu rằng Công ty TNHH TPK Sông Lam có hay không việc “núp bóng” thi công dự án nạo vét chỉ để tận thu đất? Khi mà doanh nghiệp này chỉ phải bỏ số tiền hơn 570 triệu đồng (nộp 1 lần) đã nghiễm nhiên được phép khai thác 132.692m3 đất? Đáng bàn hơn, với phạm vi diện tích cho phép khai thác là hơn 8ha cùng độ sâu từ 1 – 1,5m… nhưng lại được cấp quyền thực hiện đến tận 5 năm? Bên cạnh đó, sau nhiều ngày ghi nhận thực tế, chúng tôi nhận thấy, trung bình mỗi ngày có hàng chục lượt xe tải trọng lớn ra vào “ăn đất” ở khu vực Bàu Mới. Thế nhưng, tại hiện trường thi công lại không có sự giám sát của chủ đầu tư, không cắm mốc giới phạm vi khu vực được phép khai thác…
Chính từ những bất cập nói trên, dư luận cũng cho rằng, Công ty TNHH TPK Sông Lam có báo cáo trung thực về việc vận chuyển tiêu thụ lượng đất sét trong quá trình thi công dự án? Hay đơn giản chỉ dựa vào những hóa đơn, chứng từ thông qua việc mua bán với Nhà máy gạch Tuynel Thanh Ngọc?!
Cũng tại một dự án tận thu khoáng sản khác mà chúng tôi đã phản ánh, đó là dự án xử lý sạt lở đồi Thô Lô – núi Thành ở xã Hưng Thành, huyện Hưng Nguyên. Khi triển khai dự án này, người dân sinh sống ở xóm Phú Thành đã “kêu cứu” và mong muốn chính quyền địa phương, đơn vị thi công nhanh chóng triển khai xây dựng các hạng mục ưu tiên như đã cam kết, đơn cử: Làm bờ rào, hệ thống rãnh, mương thoát nước, hố lắng thu gom bùn đất, nước… trước mùa mưa bão nhằm tránh sạt lở đất, đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản cho bản thân và gia đình.
Được biết, dự án xử lý sạt lở đồi Thô Lô – núi Thành do UBND huyện Hưng Nguyên làm chủ đầu tư có tiến độ thực hiện là 24 tháng với tổng khối lượng đất đá thi công là 856.047m3, diện tích lên đến 5,26ha và có tổng chiều dài 280m. Đây là một dự án “xã hội hóa”, tận thu khoáng sản để phục vụ san lấp cho công trình thi công đường cao tốc Bắc Nam. Thế nhưng, trên thực tế, quá trình thực hiện, đơn vị thi công đang có dấu hiệu “núp bóng” dự án để trở thành mỏ khai thác đất, phục vụ thi công công trình khác.
>>Quảng Nam khoanh vùng khai thác khoáng sản không cần đấu giá
Từ thực tế trên cho thấy, việc “vẽ” dự án nạo vét, nâng cấp, cải tạo hồ thủy lợi để tận thu nguồn tài nguyên đất đang có những kẽ hở nhất định, dễ bị doanh nghiệp lợi dụng để “hợp thức hóa” việc khai thác khoáng sản ngoài ranh giới dự án hoặc quá trữ lượng cho phép trong khu vực dự án,…
Cũng liên quan đến vấn đề này, vào 13/4/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An đã đồng loạt khám xét 5 địa điểm liên quan tới vụ khai thác khoáng sản trái phép tại huyện Nghi Lộc và phát hiện nhiều sai phạm liên quan đến công tác quản lý, khai thác nguồn tài nguyên này.
Trước đó, ngày 7/4/2023, Công an tỉnh Nghệ An đã tiến hành kiểm tra hoạt động khai thác đất tại khu vực điểm mỏ núi Dứa thuộc xã Nghi Hưng, huyện Nghi Lộc được giao cho Công ty TNHH Đông Nam có hành vi khai thác, vận chuyển khoáng sản đất ngoài phạm vi ranh giới được cấp phép. Qua đấu tranh, cơ quan chức năng đã phát hiện Công ty TNHH Đông Nam đã khai thác vượt trữ lượng cho phép hơn 300 nghìn m3 khoáng sản (đất) trong thời gian qua.
Từ những vụ việc nói trên có thể thấy, vấn đề tăng cường vai trò quản lý, giám sát, kiểm tra của các cơ quan chức năng trong quá trình doanh nghiệp thi công nạo vét các hồ thủy lợi theo phương thức này cần nâng cao hơn nữa. Qua đó, sẽ tránh được sự thất thoát tài nguyên khoáng sản, cũng như tạo ra những “góc khuất” khó khoả lấp được đối với môi trường sống về sau.
Có thể bạn quan tâm