Hà Nam nâng cao PCI từ những mục tiêu cụ thể

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG 29/08/2023 16:12

Tăng thứ hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh – PCI, nâng cao chất lượng điều hành kinh tế, xác lập niềm tin doanh nghiệp... là mục tiêu tỉnh Hà Nam đặt ra để kiến tạo môi trường đầu tư hấp dẫn hơn.

>>> Hà Nam: Thu hút đầu tư từ nguồn lao động chất lượng cao

Những năm gần đây, Hà Nam ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư trên địa bàn

Những năm gần đây, Hà Nam ngày càng thu hút nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư trên địa bàn

Phấn đấu trong Top 20 các tỉnh có chất lượng điều hành kinh tế tốt

Theo UBND tỉnh Hà Nam, tỉnh luôn xác định mục tiêu xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch và tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư, kinh doanh; khuyến khích các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp; thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong nước và ngoài nước về đầu tư tại tỉnh.

Việc cải thiện và nâng cao PCI cũng là cải thiện hình ảnh của Hà Nam về môi trường đầu tư, kinh doanh đối với cộng đồng doanh nghiệp, tạo động lực để thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội. Tỉnh phấn đấu đến năm 2025 sẽ nằm trong Top 20 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành kinh tế tốt nhất của cả nước và tiếp tục duy trì thứ hạng này trong những năm tiếp theo.

Ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam cho biết, những nỗ lực của cả hệ thống chính trị và chính quyền các cấp trong công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh trong suốt thời gian qua của tỉnh Hà Nam đã có những hiệu quả nhất định. Hà Nam đang dần trở thành địa chỉ uy tín, tin cậy đối với nhiều nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước. Điều này được thể hiện thông qua những con số ấn tượng về thu hút đầu tư của tỉnh thời gian qua.

Ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Hà Nam

Ông Nguyễn Văn Lượng, Giám đốc Sở KHĐT tỉnh Hà Nam

Tính đến nay, Hà Nam có 1.137 dự án đầu tư còn hiệu lực, trong đó có 364 dự án FDI và 773 dự án trong nước với vốn đăng ký tương ứng là 5.288,7 triệu USD và 169.793 tỷ đồng. Hiện có 14 quốc gia, vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại tỉnh, trong đó lớn nhất là Hàn Quốc với 149 dự án với tổng vốn đăng ký 1,7 tỷ USD; kế đến là Nhật Bản với 111 dự án và số vốn đăng ký 1,3 tỷ USD. 

Thời gian gần đây, Hà Nam không chỉ thu hút được nhiều dự án lớn trong lĩnh vực công nghiệp mà còn là điểm đến của các dự án thương mại, dịch vụ, nổi bật như: Nhà máy sản xuất, lắp ráp và gia công bóng đèn LED của Công ty TNHH Seoul Semiconductor Vina vốn đầu tư đăng ký 300 triệu USD; Nhà máy Sản xuất màn hình LCD-QISDA Việt Nam của Công ty Qisda Corporation vốn đầu tư 263 triệu USD; Tổ hợp khách sạn Mường Thanh Hà Nam vốn đầu tư 600 tỷ đồng; Dự án xây dựng Tổ hợp thương mại - dịch vụ tổng hợp Hà Nam của Vingroup vốn đầu tư 570 tỷ đồng,…

Thẳng thắn nhìn nhận

Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hà Nam, kết quả thu hút đầu tư trên vẫn chưa được như kỳ vọng so với mục tiêu của tỉnh đề ra. Bởi lẽ, Hà Nam là cửa ngõ quan trọng phía Nam của Thủ đô Hà Nội với cơ sở hạ tầng giao thông kết nối tốt với các khu vực lân cận, cơ chế chính sách thuận lợi cho các nhà đầu tư và nguồn nhân lực dồi dào nên còn nhiều dư địa phát triển. Năm 2022, Chỉ số Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Hà Nam đạt 64 điểm, xếp thứ 46/63 tỉnh, thành phố trong cả nước; tăng 0,72 điểm nhưng giảm 4 bậc so với năm 2021, không đạt mục tiêu kế hoạch đã đề ra.

Về điều này, ông Nguyễn Văn Lượng cho rằng, có cả nguyên nhân khách quan và chủ quan. Trong đó, mức độ hiểu biết pháp luật, các quy định của nhà nước ở một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa đồng đều, dẫn đến việc thực hiện các quy định hồ sơ do các cơ quan nhà nước hướng dẫn chưa tốt; cơ chế chính sách thay đổi nhiều; một số thủ tục hành chính ngày càng thắt chặt và rườm rà hơn.

Bên cạnh đó, một số câu hỏi phỏng vấn về PCI còn trừu tượng, khó hiểu, khiến một số doanh nghiệp trả lời chưa chính xác. Tình hình kinh tế khó khăn dẫn đến một số doanh nghiệp có tâm lý tiêu cực hơn với chính quyền địa phương khi trả lời các câu hỏi khảo sát PCI.

So sánh PCI năm 2022 giữa Hà Nam và các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng (nguồn: pcivietnam.vn)

So sánh PCI năm 2022 giữa Hà Nam và các tỉnh thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng (nguồn: pcivietnam.vn)

Nâng hạng các Chỉ số thành phần

Để nâng cao điểm số, thứ bậc xếp hạng PCI trong năm 2023 và những năm tiếp theo, với vai trò là cơ quan đầu mối tổng hợp, báo cáo PCI hằng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị có liên quan tập trung triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao từng chỉ số thành có điểm số và thứ hạng thấp.

Sở Kế hoạch và Đầu tư được giao chủ trì các chỉ số "Gia nhập thị trường", "Tính năng động của chính quyền", "Tính minh bạch" và đã có những giải pháp cụ thể để nâng hạng các chỉ số này.

Đối với Chỉ số “Tính minh bạch", Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nam cho rằng, để cải thiện, tỉnh cần thực hiện công bố, cập nhật đầy đủ, kịp thời, chính xác các thông tin về thủ tục hành chính (TTHC), cách thức, quy trình thực hiện TTHC trên Cổng dịch vụ công và hệ thống “một cửa” điện tử của tỉnh; triển khai các giải pháp đẩy mạnh thực hiện TTHC trên môi trường điện tử, nâng cao tỷ lệ hồ sơ TTHC sử dụng dịch vụ bưu chính công ích.

Cùng với đó, triển khai thực hiện tốt công tác quy hoạch, khắc phục tình trạng chồng chéo, những bất cập trong việc thay đổi quy hoạch. Thực hiện công khai, minh bạch thông tin về các quy hoạch đã được phê duyệt, danh mục dự án kêu gọi đầu tư, các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư; các thông tin về chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp.

Để có tính tương tác cao, cần tăng cường các kênh tiếp nhận ý kiến phản hồi của doanh nghiệp; kiểm tra, giám sát chặt chẽ nhằm ngăn chặn kịp thời hành vi nhũng nhiễu, gây khó khăn cho doanh nghiệp của cán bộ cơ quan nhà nước…

Người dân thực hiện TTHC tại Bộ phận một cửa TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Vũ Phường

Người dân thực hiện TTHC tại Bộ phận một cửa TP Phủ Lý, tỉnh Hà Nam. Ảnh: Vũ Phường

Hay đối với Chỉ số “Gia nhập thị trường”, theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, các sở, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố cần tập trung giải quyết nhanh, dứt điểm các thủ tục hành chính thuộc ngành, lĩnh vực phụ trách sau đăng ký thành lập doanh nghiệp để rút ngắn thời gian chính thức đi vào hoạt động như: Chứng chỉ hành nghề, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, hộ chiếu, thẻ tạm trú cho lao động nước ngoài, đánh giá tác động môi trường... bảo đảm không còn doanh nghiệp phải chờ hơn 1 tháng để hoàn thành tất cả các thủ tục như trước đây.

Cùng với đó, phấn đấu rút ngắn thời gian hơn nữa đối với các TTHC liên quan đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của doanh nghiệp như: Đầu tư, đất đai, giải phóng mặt bằng, xây dựng, môi trường, thuế, hải quan, bảo hiểm, cấp phép kinh doanh có điều kiện... Đối với các TTHC thuộc trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở đảm bảo thời gian đăng ký và thời gian thay đổi đăng ký doanh nghiệp không quá 1,5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ theo quy định. Đối với lĩnh vực đầu tư tại Việt Nam của tỉnh có 22 thủ tục với thời gian giải quyết là 218 ngày, đã cắt giảm 213 ngày so với quy định; 100% các thủ tục hành chính được cung cấp dịch vụ công ở mức độ 4.

>>> Bất động sản Hà Nam: “Bến đỗ” an toàn cho nhà đầu tư

>>> Tỉnh Hà Nam: nâng cao nhận thức, năng lực của cộng đồng về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo

Tương tự, “Tính năng động và tiên phong của chính quyền tỉnh” là một chỉ số thành phần PCI đo lường sự linh hoạt, sáng tạo của chính quyền trong quá trình thực thi chính sách, pháp luật, mức độ kịp thời và hiệu quả trong việc giải quyết các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp. Theo kết quả xếp hạng PCI, năm 2022, chỉ số này của Hà Nam đạt 6,88 điểm, tăng 0,18 điểm so với năm 2021.

Để tiếp tục cải thiện chỉ số này, Hà Nam xác định các cấp, các ngành chức năng tập trung triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp quyết liệt, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao; đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức có phẩm chất và năng lực đáp ứng yêu cầu công việc. Đồng thời, tiếp tục triển khai các giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh hoạt động xúc tiến và hỗ trợ đầu tư; chủ động xây dựng, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, cơ hội đầu tư, môi trường kinh doanh của tỉnh.

Nâng cao PCI là một hành trình dài, để có được thứ hạng tốt nhất cần sự vào cuộc quyết tâm, sự chung tay, nỗ lực của tất cả các sở, ngành, địa phương trên hành trình đưa Hà Nam ở trong nhóm các tỉnh dẫn đầu vùng đồng bằng Bắc Bộ về phát triển công nghiệp, trong đó, có một số ngành công nghiệp có sức cạnh tranh quốc tế và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu; cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030, ông Lượng cho hay.

Có thể bạn quan tâm

  • Hoà Bình: Giải “bài toán“ nâng cao chỉ số PCI

    Hoà Bình: Giải “bài toán“ nâng cao chỉ số PCI

    15:47, 24/08/2023

  • Gia Lai: Công bố chỉ số DDCI, bàn giải pháp khắc phục PCI, PGI

    Gia Lai: Công bố chỉ số DDCI, bàn giải pháp khắc phục PCI, PGI

    12:45, 17/08/2023

  • Điện Biên đặt mục tiêu cải thiện ít nhất 5 bậc trong xếp hạng PCI toàn quốc năm 2023

    Điện Biên đặt mục tiêu cải thiện ít nhất 5 bậc trong xếp hạng PCI toàn quốc năm 2023

    04:00, 11/08/2023

  • Thanh Hóa: Chỉ khi “trên dưới đồng lòng” chỉ số PCI mới được nâng cao

    Thanh Hóa: Chỉ khi “trên dưới đồng lòng” chỉ số PCI mới được nâng cao

    07:44, 13/07/2023

  • Quảng Ngãi làm gì để vào top 30 PCI?

    Quảng Ngãi làm gì để vào top 30 PCI?

    04:00, 13/07/2023

KIM DUNG - VŨ PHƯỜNG