Nam Định: Đột phá trong thu hút đầu tư
Thời gian qua, Nam Định đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp có tính đột phá để thu hút đầu tư nhằm tạo xung lực mới cho sự bứt tốc trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
>>>Nam Định: “Kích cầu” thu hút đầu tư ngoài ngân sách
Hạ tầng đi trước
Những năm qua, tỉnh Nam Định đặc biệt chú trọng đầu tư hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông theo hướng đồng bộ, hiện đại, tăng tính kết nối các vùng kinh tế trong tỉnh và với các địa phương trong khu vực, từ đó tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư.
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định: Những năm qua, hệ thống kết cấu hạ tầng của tỉnh được quan tâm đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các dự án trọng điểm, các dự án có tính chiến lược, lâu dài, sẽ là động lực phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Chỉ 4 tháng sau khi hoàn thành giai đoạn 1, tháng 4/2022, tuyến đường trục phát triển nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình tiếp tục được đầu tư hoàn thiện giai đoạn II.
Dự án này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng và có tính đột phá chiến lược, tháo gỡ điểm nghẽn về giao thông đường bộ, kết nối điểm vượt sông Đào nối liền 2 huyện: Ý Yên và Nghĩa Hưng, phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ quốc gia, quy hoạch phát triển giao thông vận tải của tỉnh.
Cùng với việc xây dựng cầu Đống Cao, tuyến đường trục phát triển khi hoàn thành sẽ kết nối vùng kinh tế biển của tỉnh với đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, các trung tâm kinh tế, chính trị trong khu vực, kết nối giao thông với các tuyến đường giao thông huyết mạch của quốc gia và của tỉnh (các tuyến quốc lộ: 10, 37B, 37C, 21B; các tuyến tỉnh lộ: 490C, 488C và tuyến đường bộ ven biển).
Để thực hiện mục tiêu đó, một giải pháp căn cơ được đề ra là đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống giao thông, rút ngắn khoảng cách và thời gian di chuyển giữa tỉnh Nam Định đến các tỉnh, thành phố trong khu vực có đầu mối trung chuyển hàng hoá là sân bay và cảng biển.
Đến nay, Nam Định đã cơ bản hình thành các dự án có tính chiến lược, lâu dài, là động lực cho sự phát triển của tỉnh. Tổng mức đầu tư các dự án trọng điểm khoảng 25.000 tỷ đồng và dự kiến các dự án sẽ hoàn thành trong khoảng từ năm 2023-2025.
Phát triển hệ thống giao thông không chỉ là chủ trương đúng đắn, kịp thời mà còn tạo luồng gió mới, góp phần nâng cao chất lượng các tiêu chí giao thông hiện đại, là giải pháp hiệu quả để tỉnh Nam Định phát triển theo hướng hiện đại, thuận lợi, an toàn. Tạo sự kết nối vùng, liên vùng nhanh và bền vững, đáp ứng được nhu cầu lưu thông hàng hóa và đi lại của người dân. Đồng thời tạo tiền đề tăng trưởng kinh tế, thu hút các nhà đầu tư.
Theo lãnh đạo tỉnh Nam Định, thời gian tới, tỉnh sẽ tập trung cho công tác chỉ đạo, triển khai giải phóng mặt bằng các công trình trọng điểm đúng quy định, đảm bảo tiến độ, qua đó đẩy mạnh xúc tiến thu hút đầu tư, kêu gọi đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp đã có, đang triển khai và đã có quy hoạch.
Mặt khác, tỉnh cũng tập trung thực hiện tốt công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch; nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch để phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế.
Đồng thời, huy động tối đa các nguồn lực để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội. Tập trung các nguồn lực để đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội theo hướng đồng bộ, hiện đại. Ưu tiên nguồn vốn để đầu tư và sớm hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, có tính chiến lược lâu dài để thu hút đầu tư
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, thu hút đầu tư
Theo Ban quản lý các KCN: Từ năm 2020 đến nay, Nam Ðịnh đã cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 156 dự án, với tổng số vốn đăng ký và bổ sung là 246,7 triệu USD và 107.596 tỷ đồng.
Trong đó, có 108 dự án (14 dự án FDI và 94 dự án đầu tư trong nước) được cấp mới với tổng số vốn đăng ký là 180 triệu USD và 76.855 tỷ đồng; 48 dự án (17 dự án FDI và 31 dự án đầu tư trong nước) được điều chỉnh tăng vốn với tổng số vốn bổ sung là 66,7 triệu USD và 30.714 tỷ đồng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh, 7 tháng đầu năm 2023 tỉnh đã cấp giấy chứng nhận đầu tư mới và điều chỉnh tăng vốn cho 9 dự án FDI với tổng vốn đăng ký 147 triệu USD. Trong đó, cấp mới cho 8 dự án đầu tư FDI với tổng vốn đăng ký 143,9 triệu USD và tăng vốn 3,4 triệu USD cho 1 dự án FDI.
Ông Phạm Đình Nghị - Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Những kết quả kể trên không chỉ là bước chuyển mình đáng kể của riêng tỉnh mà còn là những điểm nhấn mang tầm quốc gia trong thu hút FDI. Đáng kể, việc Tập đoàn Quanta Computer Inc lựa chọn Nam Định để đầu tư nhà máy thứ 9 của Tập đoàn trên thế giới là sự kiện được báo chí thế giới thông tin, đã gây chấn động Đông Nam Á do ban đầu không quốc gia nào trong khu vực nghĩ Tập đoàn Quanta sẽ quyết định đầu tư tại Việt Nam.
Để đạt được kết quả này, bên cạnh sự chủ động đẩy mạnh đầu tư, nâng cấp đồng bộ về kết cấu hạ tầng theo hướng liên hoàn, kết nối, bao gồm hạ tầng giao thông, hạ tầng khu, cụm công nghiệp, điện lực, viễn thông....
Theo ông Nghị: Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng công tác thu hút FDI, tỉnh chỉ đạo các cấp, các ngành tiếp tục thực hiện có hiệu quả Kế hoạch số 101/KH-UBND ngày 28-6-2023 về Chiến lược hợp tác đầu tư nước ngoài giai đoạn 2021-2030. Cụ thể, định kỳ tổ chức gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với các doanh nghiệp trên địa bàn, đổi mới, mở rộng phương thức tiếp nhận kiến nghị, phản ánh của nhà đầu tư.
Cùng với đó, tỉnh đã tập trung chỉ đạo hoàn thành các quy hoạch, kế hoạch, nhất là quy hoạch chung, quy hoạch vùng, quy hoạch phân khu và kế hoạch sử dụng đất. Kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng, đầu tư, xây dựng.
Trong đó, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ xây dựng hạ tầng các KCN để thu hút các nhà đầu tư thứ cấp. Xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư có mục tiêu, trọng tâm, trọng điểm, gắn với tiêu chí hợp tác đầu tư mới theo hướng đa dạng hóa các hoạt động và phương thức xúc tiến đầu tư.
Đặc biệt, quan tâm thu hút đầu tư nước ngoài theo định hướng phát triển ba vùng kinh tế của tỉnh gồm: Trung tâm công nghiệp dịch vụ thành phố Nam Định; vùng kinh tế biển; vùng sản xuất nông nghiệp; chú trọng xúc tiến đầu tư tại chỗ với các dự án hợp tác cụ thể để triển khai thành công; đẩy mạnh công tác xúc tiến đầu tư tại các địa bàn trọng điểm như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan (Trung Quốc), Liên minh châu Âu.
Bằng những quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp có tính đột phá để thu hút đầu tư, Nam Định hướng đến mục tiêu thu hút đầu tư giai đoạn 2021-2025 với tổng vốn thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh đạt trên 2,0 tỷ USD.
Theo ông Phạm Gia Túc – Bí thư tỉnh, Nam Định có lợi thế về hệ thống cơ sở hạ tầng. Nhất là hạ tầng các khu, cụm công nghiệp, điện lực, viễn thông, giao thông ngày càng được nâng cấp thông suốt, kết nối thuận lợi với hệ thống sân bay, cảng biển lớn của quốc gia. Tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư ở các lĩnh vực: Giáo dục chất lượng cao; sản xuất công nghiệp công nghệ cao; hạ tầng khu, cụm công nghiệp; dịch vụ du lịch, nghỉ dưỡng, sân golf ở khu vực kinh tế biển. |
Có thể bạn quan tâm