Hải Dương: Đẩy mạnh phát triển công nghiệp
Xác định phát triển công nghiệp công nghệ cao và công nghiệp hỗ trợ là 1 trong 5 trụ cột, phấn đấu đến năm 2030 là tỉnh công nghiệp hiện đại, để Hải Dương sớm trở thành TP trực thuộc Trung ương.
>>>Cú hích mới hợp tác phát triển Hải Dương - Singapore
Để trở thành trung tâm công nghiệp hỗ trợ...
Nhờ những chính sách mang tính đột phá, Hải Dương trở thành tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp lớn của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Trước những làn sóng đầu tư mới, các chính sách phát triển công nghiệp của tỉnh cũng thay đổi linh hoạt theo từng thời kỳ, phù hợp với chiến lược phát triển công nghiệp của cả nước để tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo ông Triệu Thế Hùng – Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương, hiện nay, công nghiệp hỗ trợ của tỉnh Hải Dương chủ yếu trong 3 lĩnh vực: cơ khí chế tạo; điện - điện tử; dệt may - da giày. Toàn tỉnh hiện có trên 170 cơ sở sản xuất công nghiệp hỗ trợ. Tốc độ tăng trưởng bình quân giá trị sản xuất công nghiệp hỗ trợ của tỉnh giai đoạn 2021 - 2022 đạt khoảng 13,25%/năm, chiếm tỷ trọng 20,5% tổng giá trị sản xuất công nghiệp.
Trên địa bàn Hải Dương hiện chưa hình thành trung tâm logistics lớn. Các hoạt động cung cấp dịch vụ logistics như xếp dỡ, vận chuyển, lưu kho tạm thời, gom và chia hàng lẻ, sửa chữa bảo dưỡng container… được thực hiện tại cảng cạn (ICD) tại quốc lộ 5, với quy mô diện tích 12 ha. Ngoài ra, còn một số doanh nghiệp FDI cũng cung cấp các dịch vụ giao nhận và lưu trữ hàng hoá.
Tuy nhiên dịch vụ của các đơn vị này còn đơn lẻ, chưa có tính tích hợp cao, hầu hết là những nhà cung cấp dịch vụ vệ tinh cho các công ty logistics ở nước ngoài; chưa có doanh nghiệp điều hành toàn bộ các loại hình dịch vụ logistics.
Hải Dương có điều kiện giao lưu kinh tế - xã hội, văn hóa không chỉ với các tỉnh, thành phố nằm trong vùng đồng bằng sông Hồng, vùng Thủ đô Hà Nội, vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc mà còn là nơi chuyển tiếp, kết nối giữa các tỉnh, thành phố trong vùng Đông Bắc với các tỉnh phía nam vùng Duyên hải Bắc Bộ. Hải Dương còn là cầu nối điều hòa và thúc đẩy các chuỗi giá trị hoạt động kinh tế - xã hội của các cực phát triển trong vùng đồng bằng sông Hồng.
Theo cục Thống kê tỉnh Hải Dương, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 8 của tỉnh tăng 2,1% so với tháng trước, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 8 tháng năm 2023, chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5%.
Một số ngành có tỷ trọng lớn tác động nhiều đến chỉ số chung toàn ngành công nghiệp. Đó là sản xuất xe có động cơ tăng 22,3%, sản xuất và phân phối điện tăng 19,4%, sản xuất các sản phẩm điện tử tăng 4,5%, sản xuất, chế biến thực phẩm tăng 10,4%...
Bên cạnh các ngành tăng trưởng tương đối cao, ổn định, một số lĩnh vực tiếp tục giảm, chưa có dấu hiệu phục hồi. Sản xuất sản phẩm từ khoáng phi kim loại và ngành sản xuất kim loại giảm lần lượt 5,5% và 1,8% do hoạt động đầu tư, xây dựng sụt giảm nên nhu cầu tiêu thụ vật liệu xây dựng ở mức thấp. Sản xuất than cốc giảm 21,8% vì nhu cầu sản xuất thép giảm nên nguyên liệu phụ vụ giảm theo. Chỉ số sản xuất ngành may mặc, giày dép, sản xuất gỗ, sản xuất đồ chơi tiếp tục giảm do lạm phát, sức mua giảm…
Cần cụ thể những giải pháp
Trong định hướng giai đoạn 2021 - 2030, tỉnh Hải Dương có 33 khu công nghiệp với tổng quy mô là 5.661 ha, 61 cụm công nghiệp với tổng quy mô là 3.209 ha, 6 trung tâm logistics và phát triển một khu kinh tế chuyên biệt nằm ở phía Nam cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thuộc hai huyện Bình Giang và Thanh Miện. Khu kinh tế chuyên biệt sẽ tích hợp chuỗi liên kết cung ứng sâu rộng tạo động lực kết nối kinh tế, trung tâm công nghiệp, đô thị, dịch vụ và đổi mới sáng tạo, liên kết với các tỉnh, thành phố trong vùng. Đây là những lợi thế của Hải Dương để phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ hậu cần sau cảng.
Theo ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương chia sẻ, để thực hiện mục tiêu, tỉnh đã và đang tập trung thực hiện một số giải pháp chủ yếu sau: Tập trung triển khai rà soát, bổ sung, điều chỉnh, trình phê duyệt quy hoạch và tập trung triển khai các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, các trung tâm dịch vụ logistics, các phân vùng phát triển công nghiệp hỗ trợ của địa phương.
Tăng cường tuyên truyền triển khai các nhiệm vụ trong việc liên kết, kết nối khu vực để tạo điều kiện phát triển công nghiệp hỗ trợ và dịch vụ logistics. Rà soát các phương án kết nối, tập trung nguồn lực đẩy mạnh kết nối giao thông giữa các địa phương giáp ranh, kết nối hạ tầng giao thông của tỉnh với các tuyến đường bộ, đường sắt, đường sông, đường hàng không. Tập trung hình thành hệ thống cảng cạn, trung tâm logistics có quy mô lớn tính liên kết cao; phát triển hệ thống kho lạnh trong các trung tâm logistics để đáp ứng nhu cầu bảo quản nông sản của vùng.
Cải thiện mạnh mẽ cơ sở hạ tầng logistics gắn với thương mại điện tử, kết hợp logistics với thương mại điện tử để nâng cao vai trò kết nối giữa các thị trường tại mỗi địa phương khác cả trong nước và nước ngoài; nhằm kết nối lưu thông hàng hóa giữa các khu/cụm công nghiệp với hệ thống các cảng biển, cảng hàng không và các trung tâm logistics cấp tỉnh.
Tăng cường phối hợp đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho phát triển công nghiệp hỗ trợ đặc biệt là nguồn nhân lực cung ứng cho dịch vụ logistics trên địa bàn tỉnh, chuẩn bị các điều kiện phát triển các dịch vụ về vận tải, hải quan, thuế, xuất nhập khẩu để sẵn sàng cung ứng.
Để trở thành một tỉnh công nghiệp hiện đại, Hải Dương phải từng bước điều chỉnh mô hình tăng trưởng công nghiệp, từ chủ yếu dựa trên số lượng sang dựa trên năng suất, chất lượng và hiệu quả, đẩy mạnh phát triển các ngành và sản phẩm công nghiệp có giá trị gia tăng cao, giá trị xuất khẩu lớn; gắn kết sản xuất với phát triển dịch vụ công nghiệp, và một trong 3 "khâu đột phá" được xác định là: "Ưu tiên thu hút phát triển ngành công nghiệp công nghệ cao, đưa tỉnh trở thành một trung tâm công nghiệp hiện đại để Hải Dương sớm trở thành thành phố trực thuộc Trung ương.
Mới đây, tại Hội nghị thúc đẩy triển khai các dự án hợp tác đầu tư Việt Nam-Singapore, Hải Dương ký biên bản hợp tác phát triển hạ tầng khu công nghiệp với 1 doanh nghiệp của Singapore. Theo đó, VSIP JSC sẽ nghiên cứu, khảo sát quy hoạch, đầu tư và phát triển khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Hải Dương theo hướng thông minh, hiện đại, thân thiện với môi trường, tạo sự đột phá trong phát triển công nghiệp có giá trị gia tăng cao. Thu hút đầu tư các dự án trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghiệp công nghệ cao, có giá trị gia tăng cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, không thâm dụng tài nguyên, lao động. Theo tổng hợp của Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh, hiện Singapore có 14 dự án với tổng vốn đầu tư vào các khu công nghiệp tại Hải Dương là 171 triệu USD. Khu công nghiệp Cẩm Điền-Lương Điền do Công ty TNHH VSIP Hải Dương là chủ đầu tư hạ tầng được thành lập từ năm 2018 với tổng diện tích 149,23 ha. Đến nay, khu công nghiệp này đã thu hút được hơn 30 dự án đầu tư, tỷ lệ lấp đầy gần 100%. |
Có thể bạn quan tâm