Quảng Ninh: Tạo sức bật kinh tế từ đầu tư hạ tầng giao thông

MINH HUỆ 05/09/2023 01:39

Thời gian qua, việc đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút đầu tư, thay đổi diện mạo đô thị và thúc đẩy phát triển KT-XH của Quảng Ninh.

>>>Quảng Ninh: Khánh thành đường nối Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và Bắc Phong Sinh

Giao thông đi trước

Theo lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh: Thực hiện đột phá trong phát triển hạ tầng giao thông, cùng với các khu vực đô thị, Khu kinh tế (KKT), Khu công nghiệp (KCN) thì hạ tầng giao thông tại khu vực miền núi, biên giới, hải đảo đã và đang được tỉnh đặc biệt quan tâm đầu tư. Việc giao thông được kết nối đồng bộ, liên thông tổng thể giữa các thôn bản với trung tâm đô thị đã góp phần quan trọng kéo giảm khoảng cách vùng miền và hiện thực hóa phương châm “mọi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm và không để ai bỏ lại phía sau”.

Công trình Tỉnh lộ 341 (QL18C) đã được gắn biển chào mừng dưới sự chứng kiến của đông đảo cán bộ và nhân dân trong tỉnh. Sau hơn 1 năm thi công, đây là tuyến đường quan trọng, kết nối các xã miền núi, biên giới của tỉnh, nối liền 2 KKT trọng điểm Móng Cái - Bắc Phong Sinh, đi qua các xã vùng cao của TP Móng Cái và huyện Hải Hà hoàn thành.

Theo anh Choỏng Văn Hoàng, phường Phình Hồ, xã Bắc Sơn vui mừng cho biết: Trước đây, đường cũ rất hẹp, cong cua, gồ ghề khó đi. Được sự quan tâm của tỉnh và địa phương đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số, giờ đây bà con có đường mới rộng đẹp nên ai cũng mừng lắm. Trước đây, đi từ Bắc Phong Sinh đến Móng Cái phải mất hơn 1 tiếng đồng hồ, giờ thì chạy xe khoảng 30 phút đã tới nơi mà rất nhàn. Chắc chắn việc vận chuyển hàng hóa, đi lại của bà con từ đây sẽ thuận tiện hơn nhiều...

Ngày 1/9 UBND tỉnh Quảng Ninh Khánh thành đường nối Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và Bắc Phong Sinh

Ngày 1/9 UBND tỉnh Quảng Ninh khánh thành đường nối Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và Bắc Phong Sinh

Theo ông Cao Tường Huy - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh: Công trình Tỉnh lộ 341 (QL18C) là công trình giao thông có ý nghĩa quan trọng đối với tỉnh, quốc gia và khu vực; đáp ứng năng lực vận tải, kết nối với các khu kinh tế, KCN, KKT cửa khẩu, cảng biển, các trung tâm KT - XH, các khu du lịch vui chơi giải trí, nghỉ dưỡng, các khu danh lam thắng cảnh, khu di tích văn hóa tâm linh trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.Từ đó tăng sức hấp dẫn các nhà đầu tư, tạo động lực, thúc đẩy và tăng cường kết nối giao thương với ASEAN và Trung Quốc.

Tuyến đường hoàn thành ngoài việc cải thiện điều kiện giao thông, đảm bảo an toàn giao thông, phát triển KT - XH, việc đầu tư tuyến đường còn là động lực để thúc đẩy giao thương hàng hóa, thu hút các dự án đầu tư, xóa đói giảm nghèo cho đồng bào dân tộc, vùng núi khó khăn, góp phần phát triển nhanh, mạnh KKT cửa khẩu Móng Cái và KKT cửa khẩu Bắc Phong Sinh, tạo sức hút mạnh về vận tải hàng hóa thông qua tuyến tới các KKT cửa khẩu Móng Cái và ngược lại.

Từ thành công của việc đầu tư xây dựng tuyến đường này, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh một lần nữa khẳng định, đây sẽ là động lực để Quảng Ninh tiếp tục thực hiện hoàn thành các dự án trong thời gian tới, nhất là các công trình giao thông chiến lược tại miền núi, vùng đồng bào dân tộc, công trình kết nối vùng.

Tính đến ngày 1/9/2022, Quảng Ninh đã hoàn thành mảnh ghép cuối cùng của chuỗi cao tốc dọc tỉnh là tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh sở hữu đường cao tốc nhiều nhất Việt Nam nối dài từ Hải Phòng - Móng Cái, tổng số 176km, bằng 1/6 tổng số km (1.046km) đường cao tốc cả nước. Cùng với đó, Quảng Ninh đã hoàn thiện đồng bộ hạ tầng, cảnh quan đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả với 6 làn xe, con đường đẹp nhất Việt Nam, đưa cầu Tình Yêu vào sử dụng kết nối TP Hạ Long với Hoành Bồ sau sáp nhập... Đây đều là những công trình giao thông mang ý nghĩa động lực, tạo đà phát triển cho Quảng Ninh.

>>>Quảng Ninh: Hỗ trợ doanh nghiệp đưa khoa học công nghệ vào sản xuất

Hạ tầng tiếp bước theo sau

Trong chiến lược phát triển KT-XH, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định rất rõ vai trò quan trọng của hạ tầng phải đi trước một bước để làm tiền đề, động lực thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển KT-XH. Từ đó tỉnh đã dành nguồn lực đầu tư các dự án, công trình, hạ tầng phục vụ phát triển KT-XH.

Theo lãnh đạo tỉnh: Quảng Ninh cũng tạo đột phát về hạ tầng với những cảng tàu cao cấp như: Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu – cảng tàu nhân tạo đạt kỷ lục guinness lớn nhất Việt Nam với bến cảng dài gần 10km, tiếp nhận được 2.000 tàu du lịch. Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long – cảng tàu chuyên biệt đầu tiên ở Việt Nam. Cảng sở hữu hệ thống cầu, bến dài, rộng, có thể tiếp nhận đồng thời 2 tàu khách cỡ lớn có trọng tải đến 225.000GT, sức chở lên đến 8.400 khách và thủy thủ đoàn. Cảng cao cấp Ao Tiên với quy mô gần 30ha.

Đây là tổ hợp cảng thiết kế theo chủ đề không gian xanh có thể tiếp nhận đồng thời 150 tàu du lịch neo đậu, cỡ tàu khai thác lên đến 300 ghế. Đặc biệt, Quảng Ninh cũng tiên phong hợp tác đầu tư công - tư xây dựng, đưa vào khai thác Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn - Cảng hàng không tư nhân đầu tiên của Việt Nam.  

Ngoài ra, tỉnh còn chú trọng đầu tư hạ tầng khu, cụm công nghiệp hiện đại, các dịch vụ tiện ích cơ bản về viễn thông, năng lượng, tiếp cận, ứng dụng công nghệ thông tin được tỉnh chỉ đạo thực hiện xuyên suốt từ tỉnh đến cơ sở, qua đó góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo ông Bùi Ngọc Hiếu – Công ty TNHH Logicstics Tân Hải Long: Với hạ tầng đồng bộ ở cả 3 lĩnh vực là đường hàng không, đường biển và đường bộ, có lẽ chưa bao giờ việc đi lại, kết nối giữa các khu vực và quốc tế đến với Quảng Ninh và ngược lại lại thuận lợi và nhanh như hiện nay. Chỉ cần 4 giờ bay, các nhà đầu tư nước ngoài có thể đến Hạ Long bằng những chuyến bay charter thông qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn.

Cảng cao cấp Ao Tiên với quy mô gần 30ha. Đây là tổ hợp cảng thiết kế theo chủ đề không gian xanh có thể tiếp nhận đồng thời 150 tàu du lịch neo đậu, cỡ tàu khai thác lên đến 300 ghế.

Cảng cao cấp Ao Tiên với quy mô gần 30ha. Cảng tđược hiết kế theo chủ đề không gian xanh có thể tiếp nhận đồng thời 150 tàu du lịch neo đậu

Còn theo đại diện Tổ hợp KCN DEEP C: Thời gian qua, Quảng Ninh đưa trục cao tốc dọc tỉnh dài 176km vào khai thác đã trở thành công trình giao thông quan trọng nhất hiện nay ở tỉnh. Thay vì 3,5 giờ để đi từ Thủ đô Hà Nội đến Hạ Long và 6 giờ để đến TP Móng Cái trước đây, thì nay thời gian di chuyển chỉ bằng 1/2. Tuyến đường được ví như trục xương sống quan trọng góp phần rút ngắn thời gian di chuyển giữa các khu vực trong tỉnh (thời gian - tài sản quý giá nhất của con người) mà còn là tuyến giao thông trọng điểm của cả vùng.

Được biết, trong giai đoạn hiện nay, các tỉnh liền kề như: Lạng Sơn, Bắc Giang, Bắc Ninh, Hải Dương và Hải Phòng đều đang tích cực triển khai công trình cầu, đường kết nối với Quảng Ninh để cùng khai thác tuyến cao tốc. Đây cũng là động lực để hình thành trục cao tốc phía Đông kéo dài từ Hà Nội đến Móng Cái với sự tham gia của Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh.

Chuỗi liên kết này sẽ giúp các khu vực trong và ngoài tỉnh phá được rào cản bất lợi trong phát triển, nâng cao vị thế trong khu vực và cả nước, tác động mạnh tới giao thương, vận tải hàng hoá, phát triển du lịch, thu hút đầu tư, tạo công ăn việc làm cho người dân... Rút ngắn khoảng cách giao thông góp phần làm giảm cước phí vận tải, giảm chi phí đầu tư, tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp, thúc đẩy kinh tế phát triển.

Quảng Ninh đã đưa biển đến gần hơn với Lạng Sơn để giao lưu du lịch; đưa cửa khẩu quốc tế gần hơn với Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Dương để phát triển các ngành công nghiệp và trở thành vùng hậu cần logistics bền vững cho công nghiệp cảng biển Hải Phòng vốn đang rất chật hẹp.

Những công trình liên kết vùng của Quảng Ninh đang rất phù hợp, trở thành yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết giữa các vùng kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Điều này đang đúng với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu, rộng, góp phần tháo dỡ rào cản cho các địa phương trong khu vực cùng phát triển, kết nối miền núi với miền xuôi.

Để từ đó liên kết kinh tế vùng sẽ giúp nhiều địa phương, nhất là vùng có điều kiện khó khăn, phát huy được tiềm năng, lợi thế và thu hẹp khoảng cách với những vùng phát triển hơn của đất nước, Quảng Ninh trở thành trung tâm kết nối liên vùng.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Du lịch sôi động dịp nghỉ lễ

    Quảng Ninh: Du lịch sôi động dịp nghỉ lễ

    00:10, 03/09/2023

  • Quảng Ninh: Gỡ khó cho các dự án thuộc tập đoàn Thành Công

    Quảng Ninh: Gỡ khó cho các dự án thuộc tập đoàn Thành Công

    09:00, 03/09/2023

MINH HUỆ