Xuất nhập khẩu qua cửa khẩu Quảng Ninh khởi sắc

LÊ CƯỜNG 14/09/2023 14:58

Theo Cục Hải quan Quảng Ninh, 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu của tỉnh Quảng Ninh ước đạt 1,993 tỷ USD, tăng 13,8%.

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn Quảng Ninh ước đạt 2,068 tỷ USD, tăng 4,7% so với cùng kỳ năm 2022.

  Với nhiều giải pháp cụ thể, XNK Quảng Ninh được dự báo sẽ tăng mạnh trọng quý 4/2023

Với nhiều giải pháp cụ thể, XNK Quảng Ninh được dự báo sẽ tăng mạnh trọng quý 4/2023

Ngay sau đại dịch, tỉnh Quảng Ninh đã đẩy mạnh đầu tư, xây dựng các kết cấu hạ tầng phụ trợ tại các cửa khẩu, đưa vào sử dụng các tuyến cao tốc… đã tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động giao lưu, phát triển kinh tế qua khu kinh tế cửa khẩu.

Xuất khẩu khởi sắc

Tính đến hết ngày 27/8/2023, Chi cục Hải quan Bắc Phong Sinh (Cục Hải quan Quảng Ninh) đã giải quyết thủ tục cho 2.487 tờ khai, với tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu qua địa bàn đạt 39,7 triệu USD.

Tại cửa khẩu Móng Cái, trong dịp nghỉ lễ Quốc khánh 2/9, Chi cục Hải quan đã mở 202 tờ khai cho các doanh nghiệp, cư dân biên giới xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu, lối mở trên địa bàn TP Móng Cái với tổng kim ngạch hàng hóa xuất nhập khẩu đạt hơn 12,5 triệu USD.

Tính từ ngày 1-4/9, Chi cục đã mở 202 tờ khai hàng hóa xuất nhập khẩu với tổng kim ngạch 12.546.227,45 USD, trong đó: hàng xuất khẩu 157 tờ khai, kim ngạch 10.462.701,97 USD; hàng nhập khẩu 45 tờ khai, kim ngạch 2.083.525,48 USD. Thu thuế xuất nhập khẩu trong dịp này đạt hơn 872,9 triệu đồng.

Ông Tô Vạn Quang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Trung Quốc tại Quảng Tây, đại diện Công ty TNHH Đầu tư công nghiệp Đông Đằng, khẳng định: “Tăng trưởng này mới chỉ là sự khởi đầu sau đại dịch. Trong thời gian tới, xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường Trung Quốc chắc chắn sẽ gia tăng mạnh hơn nữa.

Để đón đầu cơ hội này, Công ty đang hợp tác với các doanh nghiệp quốc doanh tầm cỡ ở Trung Quốc và các cơ quan có thẩm quyền ở Việt Nam để xúc tiến thành lập Trung tâm Giao dịch thủy sản Việt Nam tại TP Phòng Thành Cảng. Chính quyền TP Phòng Thành Cảng cũng đã khởi công xây dựng kho lạnh thủy sản giai đoạn I cỡ lớn, khả năng lưu trữ 200.000 tấn thủy hải sản, sau đó tiến hành triển khai kho lạnh giai đoạn 2 có thể lưu trữ 600.000 tấn thủy hải sản.

Dự kiến năm 2023, Công ty thu mua 35.000 tấn sầu riêng, trong đó mua từ Việt Nam là 15.000 tấn. Công ty còn có nhu cầu mua 120.000 tấn khoai lang tím, ký hợp đồng mua cá basa, cá hố và các loại hải sản khác. Có thể nói là nhu cầu của chúng tôi đối với hàng hóa nông sản nhập khẩu qua cửa khẩu của Quảng Ninh sẽ chỉ có tăng, chứ không có giảm”.

>>Quảng Ninh: Khánh thành đường nối Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và Bắc Phong Sinh

Thí điểm khu hợp tác kinh tế qua biên giới

Nhằm tiếp tục gia tăng xuất khẩu trong thời tới, mới đây, Sở Công Thương Quảng Ninh cùng đại diện các đơn vị, gồm: UBND Thành phố Móng Cái; Ban quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh; Đoàn công tác của Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách Công Thương (Bộ Công Thương) do Viện trưởng làm Trưởng đoàn đã tổ chức khảo sát thực địa tại điểm (dự kiến) Xây dựng Khu hợp tác kinh tế qua biên giới.

Ngay sau đó, Sở này đã xây dựng Dự thảo Đề cương Đề án, lấy ý tham gia của các Sở, ban, ngành, UBND cấp huyện và các đơn vị có liên quan với tổng số 29 đơn vị vào Dự thảo Đề cương, Đề án. Tổng hợp, hoàn thiện trình UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 492/QĐ-UBND ngày 31/5/2023 về việc phê duyệt đề cương Đề án xây dựng cơ chế chính sách thí điển khiển khai khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc (Quảng Ninh).

Sở Công Thương cũng chủ trì lấy ý kiến tham gia của các Sở, ngành, đơn vị liên quan (19 đơn vị) và đã có Tờ trình số 54/TTr-SCT-m ngày 26/6/2023 trình UBND tỉnh xem xét, phê duyệt Quyết định về việc thành lập Tổ công tác, Tổ giúp việc phục vụ lập “Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm triển khai Khu hợp tác kinh tế qua biên giới Việt Nam - Trung Quốc (Quảng Ninh)”.

Sở Công Thương Quảng Ninh còn đẩy mạnh hướng dẫn thủ tục xuất khẩu (giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa C/O) cho các công ty xuất khẩu các sản phẩm sản xuất sang các thị trường mới để hưởng ưu đãi thuế quan do Hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết, như: Công ty TNHH XNK Quốc tế An Khang xuất khẩu mặt hàng sầu riêng tươi sang thị trường Trung Quốc, Công ty TNHH Sợi hóa học Thế kỷ mới xuất sợi hóa học sang thị trường Philippines…
Cùng với đó, tỉnh Quảng Ninh cũng đã tổ chức khánh thành Dự án Cải tạo, Nâng cấp Đường tỉnh 341 (Quốc lộ 18C) giai đoạn 2, nối từ Khu Kinh tế Cửa khẩu Móng Cái (thành phố Móng Cái) đến Khu Kinh tế cửa khẩu Bắc Phong Sinh (huyện Hải Hà).

Dự kiến vào cuối năm 2023, cầu bắc qua sông biên giới khu vực cửa khẩu Bắc Phong Sinh (Việt Nam) – Lý Hỏa (Trung Quốc) cũng sẽ hoàn thành và đi vào hoạt động.

Với những giải pháp trên, xuất nhập khẩu hàng hóa qua khu vực cửa khẩu của tỉnh Quảng Ninh được dự báo sẽ tăng mạnh trong thời gian tới.

Có thể bạn quan tâm

  • Quảng Ninh: Tạo sức bật kinh tế từ đầu tư hạ tầng giao thông

    Quảng Ninh: Tạo sức bật kinh tế từ đầu tư hạ tầng giao thông

    01:39, 05/09/2023

  • Quảng Ninh: Phát triển văn hóa ẩm thực để hút khách

    Quảng Ninh: Phát triển văn hóa ẩm thực để hút khách

    02:00, 29/08/2023

  • Quảng Ninh: Xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển Khu kinh tế Vân Đồn

    Quảng Ninh: Xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển Khu kinh tế Vân Đồn

    01:36, 25/08/2023

LÊ CƯỜNG