Chính phủ giao cho UBND tỉnh Quảng Ninh chủ trì phối hợp với các bộ, ngành triển khai thực hiện Đề án "Xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển Khu kinh tế Vân Đồn".
>>>Chấm dứt thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn
Theo tỉnh Quảng Ninh: Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh đã thành lập tổ công tác triển khai lập đề án. Triển khai rà soát, cập nhật thông tin về hiện trạng phát triển Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn để cập nhật vào nội dung đề án và kết nối với các nhóm chuyên gia và học hỏi kinh nghiệm phát triển của một số địa phương để xây dựng dự thảo đề cương.
Trên cơ sở đề cương đề án, các sở, ngành cũng đã cho ý kiến tham gia vào các cơ chế chính sách đặc thù về: Nhóm cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư; nhóm cơ chế chính sách về thẩm quyền và thủ tục hành chính; nhóm cơ chế chính sách về mô hình tổ chức, bộ máy.
Tại cuộc họp nghe báo cáo về công tác triển khai lập đề án vào chiều ngày 23/8, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Cao Tường Huy yêu cầu: Tổ công tác tổng hợp ý kiến tham gia của các ngành, lập báo cáo đề cương xin ý kiến của các bộ, ngành trước ngày 15/9.
Trong đó, đối với mục tiêu của đề cương bám sát vào các quy hoạch của Khu kinh tế (KKT) Vân Đồn mới được Thủ tướng phê duyệt: Xây dựng KKT Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh.
Trong đó, xây dựng là trung tâm kinh tế và văn hóa của khu vực với trọng tâm phát triển là ngành dịch vụ và các ngành sử dụng khoa học, công nghệ tiên tiến, phát triển ngành nghề mới, công nghệ mới, trình độ cao, trọng tâm là dịch vụ logistics, du lịch cao cấp, công nghiệp giải trí hiện đại mang tầm quốc tế, công nghiệp công nghệ cao; trung tâm khởi nghiệp, sáng tạo và giao thương quốc tế khu vực. Các chỉ tiêu phát triển kinh tế đến năm 2030 đạt tốc độ tăng trưởng trung bình từ 25% đến 30%/năm; đến năm 2030, tổng giá trị sản xuất đạt 5,6 tỷ USD…
Trên cơ sở mục tiêu, chỉ tiêu xây dựng các cơ chế, chính sách đặc thù tạo sự khác biệt đủ sức thu hút đầu tư; trong đó quan tâm tới chính sách đất đai, thủ tục hành chính; chính sách thu hút khách du lịch, nhất là khách du lịch nước ngoài
Trước đó, ngày 11/7/2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 101/NQ-CP chấm dứt việc thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh theo Nghị quyết 102/NQ-CP ngày 14/11/2019 của Chính phủ về việc “Thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh”. Chính phủ giao UBND tỉnh chịu trách nhiệm chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung có liên quan đến việc chấm dứt thí điểm thành lập Ban Quản lý Khu kinh tế Vân Đồn theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Ngày 14/11/2019, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 102/NQ-CP về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý KKT Vân Đồn trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh. Thủ tướng Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định số 544/QĐ-TTg ngày 21/4/2020 quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý KKT Vân Đồn.
Theo đó, Ban Quản lý KKT Vân Đồn là cơ quan trực thuộc UBND tỉnh Quảng Ninh. Thời gian thực hiện thí điểm là 3 năm, kể từ ngày 21/4/2020. Ban Quản lý KKT Vân Đồn thực hiện chức năng quản lý nhà nước trực tiếp đối với KKT Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh; quản lý và tổ chức thực hiện chức năng cung ứng dịch vụ hành chính công, dịch vụ hỗ trợ khác có liên quan đến hoạt động đầu tư và sản xuất, kinh doanh cho nhà đầu tư trong KKT Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh theo quy định của pháp luật.
Theo UBND tỉnh Quảng Ninh: KKT Vân Đồn được Thủ tướng Chính phủ thành lập tại Quyết định số 120/2007/QĐ-TTg ngày 26/7/2007, điều chỉnh quy hoạch chung vào năm 2020, được định hướng là KKT biển đa ngành, đa lĩnh vực, du lịch biển - đảo cao cấp, dịch vụ tổng hợp; là cửa ngõ giao thương quốc tế để tạo ra những sản phẩm độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế…
Để phát huy lợi thế của Vân Đồn theo Chỉ đạo của Chính phủ, UBND tỉnh đã thành lập Tổ công tác triển khai lập đề án "Xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển KKT Vân Đồn".
Tổ công tác đã rà soát, cập nhật thông tin về hiện trạng phát triển KKT Vân Đồn để cập nhật vào nội dung đề án; kết nối với các nhóm chuyên gia và kinh nghiệm phát triển của một số địa phương để xây dựng dự thảo đề cương, đề xuất các cơ chế, chính sách áp dụng thí điểm cho KKT Vân Đồn theo 4 nhóm chính sách.
Cụ thể, tiếp tục kế thừa các nhóm cơ chế, chính sách đã có; nghiên cứu các nhóm cơ chế, chính sách được quy định tại các nghị quyết đặc thù của các địa phương khác; các cơ chế, chính sách được quy định tại các dự thảo Luật đang trình Quốc hội cho ý kiến và các cơ chế, chính sách mới, đột phá, có tác động lan tỏa.
Tại cuộc họp, trên cơ sở đề xuất dự thảo, thành viên Tổ công tác đã dành thời gian phân tích, làm rõ một số chủ trương, chính sách, áp dụng phù hợp với điều kiện, tiềm năng, lợi thế của Vân Đồn với tầm nhìn dài hạn như các chính sách về đất đai, thuế, danh mục ngành nghề thu hút đầu tư...
Theo ông Cao Tường Huy - Quyền Chủ tịch UBND tỉnh, để đảm bảo tiến độ lập đề án theo chỉ đạo của Chính phủ, đồng chí Quyền Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các thành viên Tổ công tác tiếp tục tập trung nghiên cứu, đề xuất những cơ chế, chính sách ở mức cao nhất thuộc lĩnh vực đơn vị mình quản lý. Trong đó, gắn với sự cần thiết và tình hình thực tiễn đặt ra, có những chính sách đặc thù, riêng có, lần đầu, tập trung vào các nhóm vấn đề chính sách ưu đãi, thẩm quyền, ngành nghề thu hút và thể chế.
Ban Quản lý KKT tỉnh và các sở, ngành liên quan tham mưu cho tỉnh triển khai tổ chức các cuộc hội thảo, xin ý kiến các chuyên gia đầu ngành, khảo sát thực tế, học tập kinh nghiệm, qua đó đảm bảo tiến độ, chất lượng của đề án "Xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển KKT Vân Đồn" để trình Chính phủ trong năm 2023.
Có thể bạn quan tâm